Vùng biển “nóng”

ANTĐ - Nhật Bản vừa lên kế hoạch tăng cường phòng thủ cho các đảo xa bờ thuộc khu vực Okinawa bằng việc trang bị xe lội nước mua của Mỹ. Cuộc đấu giành quyền kiểm soát các đảo ở Đông Bắc Á vẫn tiếp tục nóng lên.

Xe lội nước AAV7 mà Nhật Bản mua của Mỹ

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong năm 2013, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản sẽ được trang bị 4 xe AAV7 mua của Mỹ có khả năng hoạt động cả trên bộ và trên biển, với tổng trị giá khoảng 38 triệu USD. Đây là loại xe chủ lực của lính thủy đánh bộ Mỹ, rất hữu hiệu cho hoạt động tác chiến tại các quần đảo. 

Dù không giải thích rõ mục tiêu của đợt mua sắm này nhưng dư luận cho rằng động thái này của Nhật Bản gắn liền với những căng thẳng gần đây tại các vùng biển Đông Bắc Á. Lịch sử đã để lại nhiều tranh chấp chưa có giải pháp thỏa đáng giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga liên quan đến các quần đảo mà Nhật Bản đòi chủ quyền.

Trước hết là tranh chấp với Hàn Quốc liên quan đến quần đảo Dokdo theo tiếng Hàn Quốc, còn người Nhật gọi là Takeshima. Đây là quần đảo có tên quốc tế Liancourt bao gồm 90 đảo nhỏ, trong đó 37 mỏm đất không bị ngập, số còn lại chỉ là đá ngầm. Nhật Bản từng giành quyền kiểm soát nơi này vào năm 1905 sau cuộc chiến tranh với Nga. Sau Thế chiến thứ II,  Dokdo được Hàn Quốc quản lý và nước này khẳng định các đảo đá thuộc Dokdo là một phần lãnh thổ Hàn Quốc từ thế kỷ thứ 6. 

Với Trung Quốc, Nhật Bản vướng mắc vấn đề chủ quyền với quần đảo Senkaku mà người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản nói rằng quần đảo Senkaku do người Nhật phát hiện năm 1879 và được sáp nhập vào Nhật Bản năm 1895 theo hiệp ước Shimonoseki sau khi nhà Thanh thua trận. Năm 1945, đến lượt Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đảo Đài Loan và nhóm đảo phụ cận được trả lại cho Trung Quốc nhưng Senkaku không nằm trong vùng đất mà Nhật Bản từ bỏ. Các cuộc khẩu chiến bắt đầu gia tăng sau khi Mỹ chấm dứt việc chiếm đóng và bàn giao quần đảo Senkaku cho Nhật Bản ngày 15-5-1972.

Kuril là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300 km gồm khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nga chính thức quản lý 4 hòn đảo cực Nam của quần đảo Kuril nằm giữa vùng biển tiếp giáp với Nhật Bản. Hiện nay, quần đảo Kuril là nơi sinh sống của 20 nghìn người Nga, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, đặc biệt là cua và cá hồi. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn khẳng định chủ quyền của mình ở 4 hòn đảo cực Nam quần đảo này.

Những tranh cãi chủ quyền đan chéo nhau trên các vùng biển Đông Bắc Á kéo dài đã hàng thập kỷ qua. Không những thế, sự bùng nổ của nền kinh tế thế giới đã gián tiếp đốt nóng thêm cuộc đối đầu trên vùng biển này. Giá dầu lửa tăng đột biến đã biến nguồn nhiên liệu chiến lược quan trọng trở thành quý hiếm như máu trong cơ thể kinh tế. Trong khi đó, cả Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều không tự cung cấp đủ dầu lửa cho nhu cầu nội địa. 

Những vỉa dầu và  khí đốt được coi là đầy tiềm năng trên các vùng biển Đông Bắc Á đã trở thành “chiến địa” cho cuộc đụng đầu kinh tế giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.  Tầm quan trọng của nó không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà rất có thể sẽ trở thành điểm tựa cho sự bứt phá trong cuộc đua tương lai. Chủ quyền và dầu lửa sẽ còn làm vùng biển Đông Bắc Á nóng hơn trong thời gian tới.