Ukraine lấy hình ảnh từ game làm "tin vịt" tố cáo Nga

ANTĐ - Nga vừa lên tiếng tố cáo Ukraine minh họa cuộc pháo kích của Nga bằng hình ảnh từ game video còn hình ảnh chứng minh họ không có các hệ thống Buk ở khu vực đông nam được làm giả thời gian.

Các phương tiện truyền thông Nga ngày 1-8 vừa cho biết, chính những người dùng Internet đã vạch trần thêm một "tin vịt" của truyền thông Ukraine, khi Kiev sử dụng những hình ảnh từ trò chơi Flaming Cliffs 2 nhưng nói là ảnh chụp của vệ tinh Mỹ, khẳng định một vụ phóng tên lửa từ Nga.

Ngày 29 tháng 7 vừa qua, cổng thông tin Tsenzor.net và các phương tiện truyền thông Ukraine đã đưa tin về việc vệ tinh Hoa Kỳ chụp được sự bắn phá vào lãnh thổ Ukraine từ Liên bang Nga. Thông tin minh họa bằng video và ảnh chụp màn hình được cho là từ các vệ tinh của Mỹ.

Tuy nhiên, người sử dụng các mạng xã hội đã chứng minh rằng những bức ảnh này chụp lại từ trò chơi vi tính phổ biến là Flaming Cliffs 2. Việc ghép các hình ảnh từ trò chơi và các bức “ảnh vệ tinh của Mỹ” do Ukraine đưa ra đã chứng minh điều đó là đúng.

Ukraine lấy hình ảnh từ game làm "tin vịt" tố cáo Nga ảnh 1

Hình ảnh của phía Ukraine được cho là cắt dán từ trò chơi Flaming Cliffs 2

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên phía Ukraine đưa ra những hình ảnh hoặc video giả. Trước đó 1 ngày, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố, ảnh của Ukraine chụp khu vực tai nạn máy bay Boeing 777/MH17 được thực hiện sau ảnh của Nga vài ngày để tạo “hiện trường giả”.

Trong một tuyên bố của mình vào ngày 31-7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những bức ảnh của chính quyền Kiev dùng để để bác bỏ sự hiện diện của tên lửa “Buk” của họ trong khu vực thảm họa Boeing 777 vào ngày 17-7 đã được thực hiện vài ngày sau những bức ảnh của Nga chụp vào ngày hôm đó.

“Về các bức ảnh, phân tích chi tiết cho thấy những điều sau đây. Trên hai slide đầu tiên, những tấm ảnh của Nga và Ukraine nói chung là giống nhau. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng với chúng là ảnh do Cơ quan An ninh Ukraine cung cấp đã được thực hiện muộn hơn vài ngày” - Cục báo chí và thông tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Ukraine lấy hình ảnh từ game làm "tin vịt" tố cáo Nga ảnh 2

Ảnh vệ tinh khu vực Donetsk tại thời điểm MH17 bay qua

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trên một phần những bức ảnh vệ tinh do phía Ukraine cung cấp, thời gian chỉ trên tấm ảnh không tương ứng với hình ảnh. Điều này cho thấy, phía Ukraine đang cố tình “dựng hiện trường giả” để đánh lạc hướng dư luận.

Được biết, trước đó Kiev đã phủ nhận sự hiện diện của các hệ thống phòng không Buk của họ ở khu vực Donetsk và chúng có hoạt động tại thời điểm chiếc Boeing 777, thuộc chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi tại khu vực cách biên giới Nga gần 60km.

Được biết, sau khi chiếc Boeing 777 bị bắn rơi ngày 17-7, Nga tố cáo các phương tiện trinh sát của họ đã phát hiện 3 tổ hợp phòng không Buk của Ukraine đã hiện diện ở Donetsk và 1 trong 3 tổ hợp này đã mở máy làm việc trùng với thời điểm chuyến bay MH17 bị một quả tên lửa phòng không (được cho là Buk/SA1) bắn rơi.