“Lò gạch đen” và những tội ác khó dung

(ANTĐ) - Ngày 28-4-2009, Công an tỉnh An Huy, Trung Quốc triệt phá một lò gạch “đen” ở thành phố Giới Thủ, giải cứu hơn 30 công nhân đều là người khuyết tật, đến từ nhiều tỉnh như Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc… sống lang thang trên đường phố, bị chủ lò bắt về cưỡng ép lao động ở lò gạch 10 tiếng/ ngày không lương và thường xuyên bị đánh đập tàn nhẫn. Vụ việc khiến người ta nghĩ tới loạt vụ án lò gạch “đen” ở Sơn Tây, Trung Quốc 2 năm trước từng gây chấn động dư luận.

“Lò gạch đen” và những tội ác khó dung

(ANTĐ) - Ngày 28-4-2009, Công an tỉnh An Huy, Trung Quốc triệt phá một lò gạch “đen” ở thành phố Giới Thủ, giải cứu hơn 30 công nhân đều là người khuyết tật, đến từ nhiều tỉnh như Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc… sống lang thang trên đường phố, bị chủ lò bắt về cưỡng ép lao động ở lò gạch 10 tiếng/ ngày không lương và thường xuyên bị đánh đập tàn nhẫn. Vụ việc khiến người ta nghĩ tới loạt vụ án lò gạch “đen” ở Sơn Tây, Trung Quốc 2 năm trước từng gây chấn động dư luận.

Bức thư bằng máu

Sau khi con trai 14 tuổi mất tích ở bến xe, anh Trần Côn, người Hà Nam, Trung Quốc đã bỏ việc, đi khắp nơi dò tìm, hy vọng có được một manh mối về con. Gần 4 năm lang thang khắp các tỉnh, thành, tháng 5-2007, anh đến Lâm Bồn, Sơn Tây. Không tìm được con trai, tuy vậy, khi tìm cách đột nhập vào những lò gạch “đen” ở huyện Hồng Động, thành phố Lâm Bồn, anh kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây: hàng chục đứa trẻ mình mẩy lấm lem, gầy guộc, tóc dài như người rừng, da đen như da trâu, phải lao động quần quật suốt 14 tiếng 1 ngày dưới làn roi của chủ.

Sau một thời gian tự điều tra, Trần Côn mới biết những sự thật còn khủng khiếp hơn: những đứa trẻ này sống cực kỳ khổ sở, có đứa bị cách ly với bên ngoài đã 7 năm, có đứa định trốn đi bị chủ đánh thành tàn tật, có đứa không nghe lời bị đốc công lấy gạch nung đỏ rồi đặt trên lưng tới mức bị cháy sém da thịt cũng không cho đi viện.

Dù ngày nào cũng phải làm hết sức, nhưng chúng không được ăn no, khi mệt quá không làm được thì bị đốc công lấy gạch ném vỡ đầu, sau đó vứt vào nhà kho cho tự khỏi, thậm chí đã có trường hợp tử vong bị chủ lò đem chôn qua loa… Khi biết những đứa trẻ bị lừa chủ yếu ở tỉnh Hà Nam, Trần Côn một mặt báo công an, một mặt liên hệ với người thân của chúng.

Các đối tượng trong vụ lò gạch “đen” thôn Tào Sinh, Hồng Động hầu tòa

Các đối tượng trong vụ lò gạch “đen”
thôn Tào Sinh, Hồng Động hầu tòa

Ngay sau đó, rất nhiều cha mẹ có con mất tích đã đến Lâm Bồn, cùng nhau tìm mọi cách giải cứu gần 70 đứa trẻ ra khỏi ổ quỷ. Nhưng điều mà họ không ngờ tới là dù đã đến tất cả các cơ quan hữu quan cấp xã, huyện, thành phố báo cáo sự việc trên, họ vẫn không nhận được bất cứ hồi âm gì, riêng phía công an đã ngoảnh mặt làm ngơ khi chủ lò uy hiếp, đe dọa họ… Vì vậy, hàng trăm đứa trẻ vẫn bị kẹt lại các lò gạch, bị áp bức, nô dịch bằng các hình phạt như thời trung cổ.

Uất ức vì thái độ bàng quan đó, gần 400 cha mẹ đã cùng viết một bức thư bằng máu, trình bày chi tiết sự việc, công khai trước báo chí, kêu gọi chính phủ ra tay. Bức thư cùng một số nhân chứng sau đó được đưa lên truyền hình, thu hút sự chú ý cao độ của toàn xã hội. Lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc ra chỉ thị điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan.

Triệt phá “trại tập trung”

Bắt đầu từ cuối tháng 5-2007, công an tỉnh Sơn Tây cùng một số cơ quan hữu quan bắt đầu lập chuyên án điều tra trên quy mô rộng, phát hiện và xử lý nhiều sai phạm ở các lò gạch không phép trên địa bàn. Ngày 13-8, kết quả điều tra của lực lượng đa ngành được công bố: Trên toàn tỉnh Sơn Tây có 3.186 lò gạch không giấy phép với số lượng công nhân làm thuê 81.000 người, trong đó có 17 lò gạch vi phạm luật nghiêm trọng, 13 lò có sử dụng lao động trẻ em.

359 công nhân bị ngược đãi đã được giải cứu và đưa về quê an toàn. Sau đó, cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc đã được tiến hành. Trong số hơn 12 triệu lò gạch có hành vi vi phạm, đã giải cứu 1.340 công nhân với 367 người khuyết tật, lập 53 án hình sự, tạm giữ, tạm giam 147 đối tượng.

Tháng7-2007, các phiên tòa xét xử 69 bị can liên quan đến chuỗi vụ án “lò gạch đen” đã liên tục được mở ở thành phố Lâm Bồn, Vận Thành. Các đối tượng là chủ lò, đốc công, cựu quan chức huyện được đưa ra trước vành móng ngựa với các cáo buộc về tội giam giữ trái phép, cố ý gây thương tích, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Song song với các phiên tòa, nhiều quan chức huyện Hồng Động cũng nhận các mức kỷ luật tương xứng, trong đó 2 cấp cao nhất là phó huyện trưởng và trưởng công an bị cách chức.

Bảo Trâm

(Theo Sina)