Đối phó với nhóm khủng bố tàn độc IS

ANTĐ - Tổng thống Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ không bị “dọa dẫm” bởi những hành động bạo lực “tàn độc” của nhóm IS và thề tiêu diệt tận gốc nhóm IS sau khi nhóm này chặt đầu phóng viên Steven Sotloff. Tuy nhiên, ông Obama vẫn chưa đưa ra được một chiến lược thống nhất trong việc đối phó với nhóm khủng bố đang reo rắc kinh hoàng trên khắp thế giới này.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang trở thành mối đe dọa an ninh trực tiếp Mỹ và châu Âu - theo nhận định của tình báo phương Tây. Còn theo đánh giá của Washington, IS  nguy hiểm và tàn bạo hơn cả Al-Qaeda. IS tự xưng là đế chế Hồi giáo cai quản tất cả những người theo đạo này trên thế giới.

Trở thành mục tiêu đe doạ sắp tới của IS sau khi nhóm này tuyên bố sẽ chặt đầu một công dân Anh nếu tình hình không thay đổi, Thủ tướng David Cameron tuyên bố, Anh không phải là nước dễ bị hù doạ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố, nước này không loại trừ việc cùng Mỹ tham gia vào chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm IS. 

Mặc dù vậy, phía Lầu Năm Góc thừa nhận các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq nhắm vào IS, bao gồm cả các cuộc không kích, tiêu tốn khoảng 7,5 triệu USD/ngày. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu chống lại IS. Giới chức Mỹ hôm 3-9 đã bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra tấn công khủng bố hàng không trong khu vực nhân dịp tưởng niệm ngày 11-9 sau khi các phiến quân Hồi giáo đánh cắp 11 chiếc máy bay của Hãng Hàng không Quốc gia Libya khi nhóm chiến binh khủng bố tấn công sân bay quốc tế tại Thủ đô Tripoli. Chính quyền Mỹ đã phải ban hành các cảnh báo về tình trạng an ninh đang xấu đi ở Libya và lo ngại những kẻ Hồi giáo cực đoan có thể sử dụng chiếc máy bay đánh cắp tiến hành tấn công khủng bố trong khu vực trong dịp kỷ niệm sự kiện ngày 11-9.

Theo nhật báo Daily Mail, Cơ quan An ninh Anh đã thiết lập một “hàng rào thép” cao 2,7 m, dài 4,8 km cùng khoảng khoảng 9.500 cảnh sát cô lập trung tâm TP Cardiff và 12,8km bao quanh lâu đài Celtic ở thị trấn Newport, cách Cardiff 19 km - nơi 150 nguyên thủ quốc gia và hơn 1.000 nhà báo cùng nhân viên phục vụ tham dự Hội nghị Cấp cao NATO (trong 2 ngày 4 và 5-9). Tổng chi phí cuộc phòng thủ có quy mô lớn chưa từng thấy này - được cho là do ngân sách NATO và Phủ Thủ tướng Anh đài thọ - theo tờ báo địa phương South Wales Argus tiết lộ lên đến 50 triệu Bảng Anh.

Tuần qua, Quốc vương Ả-Rập Saudi Abdullah bin Abdul Aziz Al Saudi đã lớn tiếng khẳng định sau 1 tháng, IS sẽ tiến đến châu Âu và 1 tháng nữa là đến Mỹ nếu cộng đồng quốc tế không có phản ứng mạnh mẽ nhằm vào chủ nghĩa khủng bố sau khi IS đã mở rộng lãnh thổ ở Iraq và Syria. “Những kẻ khủng bố này không biết nhân đạo là gì, chúng ta đã chứng kiến họ chặt đầu người vô tội, dạy những đứa trẻ chiến đấu”, ông vua này nói.

Còn dưới mắt Mỹ và Anh, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rất mạnh, nguy hiểm hơn Al-Qaeda nhiều lần, lại còn rất xảo quyệt với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, tức dùng người phương Tây đánh lại phương Tây. Có khoảng 12.000 tay súng từ hơn 81 quốc gia tham gia các cuộc giao tranh ở Syria, trong đó ít nhất 3.000 người đến từ phương Tây. Các công dân Anh, Mỹ và một số nước châu Âu khác từ bỏ gia đình, bạn bè, quê hương để đến góp mặt trong cuộc chiến của IS, những tên khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi và kinh hoàng đang gia tăng.

Tuy nhiên, thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của IS lại chính là truyền thông, thứ khiến tiếng nói IS lan tràn trên mạng Internet, chất đầy trên Youtube và lưu truyền với tốc độ chóng mặt ở Twitter. Hình ảnh khủng khiếp của những vụ chặt đầu, các cuộc hành quyết được ghi lại chuyên nghiệp và đăng tải lên mạng. Sự tàn bạo phục vụ cho mục đích duy nhất: Làm đối phương hoảng hốt và khiếp sợ. Bọn khủng bố IS dường như đã coi hành vi chặt đầu như là chiến lược quan trọng để đe dọa Mỹ và "đánh bóng tên tuổi" của chúng.

Hoạt động của IS được duy trì dựa trên một đế chế tội ác. IS kiếm khoảng 1 triệu USD mỗi ngày, chủ yếu từ việc cướp ngân hàng, tịch thu hay ăn cắp các loại máy móc, thiết bị xây dựng, xe cộ rồi bán lại, chiếm đoạt tài sản của dân chúng bỏ trốn. Ngoài ra nguồn thu từ việc bán cổ vật chúng cướp từ những ngôi đền, chốn thờ cúng linh thiêng của người theo đạo cũng rất lớn. Hồ sơ giao dịch tài chính bị phát hiện gần đây cho thấy chỉ riêng ở một khu vực nhỏ tại Syria, IS bỏ túi khoảng 36 triệu USD nhờ buôn lậu cổ vật.

Tại những nơi mà IS kiểm soát, tổ chức này luôn bận rộn kiếm tiền để xây dựng thứ mà chúng gọi là một Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tiền thu được nhờ hành vi bảo kê, tống tiền, các loại thuế đánh vào người dân dưới quyền khiến IS trở nên giàu mạnh thêm. Chúng còn nắm quyền kiểm soát vài mỏ dầu nhỏ ở Iraq, một nhà máy lọc dầu ở Syria, và đang thực hiện các phi vụ buôn dầu lậu, bổ sung nhiều triệu USD vào ngân quỹ. 

Theo CBS News, IS đã mở một trang trong cuốn sách al-Qaeda nhằm dùng tiền chuộc như một nguồn thu nhập. Các vụ bắt cóc của IS chủ yếu nhằm vào công dân các nước châu Âu, đặc biệt là nhân sự của các tập đoàn và phía bị nạn thường lặng lẽ trả tiền chuộc theo yêu cầu để giành lại người của mình.