“Cái ngàn vàng” có giá bao nhiêu?

(ANTĐ) - Những cuộc tranh cãi xung quanh chủ đề “đấu giá trinh tiết”, “mua cái ngàn vàng” hay “vá màng trinh” không những thu hút sự quan tâm, chú ý tại các nước có quan niệm nghiêm túc về vấn đề này, mà ở nhiều quốc gia phương Tây, lĩnh vực này cũng được lưu tâm.

“Cái ngàn vàng” có giá bao nhiêu?

(ANTĐ) - Những cuộc tranh cãi xung quanh chủ đề “đấu giá trinh tiết”, “mua cái ngàn vàng” hay “vá màng trinh” không những thu hút sự quan tâm, chú ý tại các nước có quan niệm nghiêm túc về vấn đề này, mà ở nhiều quốc gia phương Tây, lĩnh vực này cũng được lưu tâm.

Tranh cãi đã diễn ra ngay sau cáo buộc của công tố viên đối với ông chủ kênh truyền hình Tabu TV của Hungary tội dẫn khách mại dâm sau khi phát chương trình (đầu tháng 8-2010) cùng tuyên bố, sẽ trao trinh tiết của “Cô gái mùa xuân” (Miss Spring) cho người trả giá cao nhất. Trong khi “Cô gái mùa xuân” 18 tuổi tóc vàng muốn thông qua Tabu TV để rao bán “vốn tự có” thì chủ nhân của kênh truyền hình này có thể phải bóc lịch trong tù vì chương trình này, theo cáo buộc của công tố viên.

Lãnh đạo kênh truyền hình Tabu TV cũng thẳng thắn tuyên bố, việc làm của họ chỉ rơi vào hình phạt nhẹ nhất của tội dẫn khách mại dâm - phạt 290 bảng và “Cô gái mùa xuân” sẽ trả số tiền này sau khi vụ giao dịch thành công. “Cô gái mùa xuân” cũng cho rằng, việc làm của mình không có gì sai trái - đơn giản là để trang trải việc học hành tại trường Đại học Y và giúp gia đình thoát khỏi tình trạng vô gia cư. Được biết, “Cô gái mùa xuân” từng rao bán trinh tiết trên trang web Ebay, nhưng bất thành cho dù có người đã trả 200.000 bảng Anh.

Cô Evelyn Duenos, người Tây Ban Nha gốc Ecuador đang theo học ngành y đã bán đấu giá “cái ngàn vàng” để kiếm tiền chữa bệnh mất trí nhớ (chứng Alzheimer) cho mẹ. Vì theo học ngành y nên Evelyn Duenos đã đưa ra các điều kiện chặt chẽ cho vụ mua bán này - phải có giấy khám sức khỏe để chứng minh không mắc bệnh truyền nhiễm, phải đồng ý dùng bao cao su và chấp nhận để một người tin tưởng của cô đưa đến điểm hẹn. Tuy được trả tới gần 3,4 triệu USD, nhưng Evelyn Duenos vẫn từ chối vì người thắng cuộc muốn quan hệ tình dục thường xuyên với cô.

Từ trái sang: Cô Alina Percea, Natalie Dylan và Evelyn Duenos

Từ trái sang: Cô Alina Percea, Natalie Dylan và Evelyn Duenos

Alina Percea, 18 tuổi, người Romania đã thành công trong việc bán “cái ngàn vàng” với giá 50.000 bảng Anh để có tiền học đại học. Người thắng cuộc là một doanh nhân người Italia, 45 tuổi đã chấp nhận trả số tiền trên sau khi Alina Percea trải qua 2 cuộc khám sức khỏe để chứng minh sự trong trắng của mình. Alina Percea đã quyết định bán mình sau khi đọc thông tin về trường hợp của Natalie Dylan ở Mỹ.

Cô Natalie Dylan, 22 tuổi, ở thành phố San Diego, bang California đã thất bại trong việc bán trinh tiết cho dù được trả với giá 3,7 triệu USD vì vợ của người đàn ông này cấm chồng tới gặp cô. Natalie Dylan bắt đầu đăng tin đấu giá “cái ngàn vàng” từ tháng 9-2008 để lấy tiền học Thạc sỹ. Trước khi có người trả giá 3,7 triệu USD, có khoảng 10.000 người tham gia cuộc đấu giá với Natalie Dylan.

Việc Natalie Dylan công khai đấu giá trinh tiết để trả tiền học phí đã khiến cộng đồng mạng rộ lên cuộc tranh luận về tình dục và đạo đức. Nhưng Natalie Dylan tuyên bố, không thấy có vấn đề đạo đức trong quyết định này và sẵn sàng đón nhận việc đàm tiếu. Natalie Dylan khẳng định, chuyện học hành là nghiêm túc và chỉ đấu giá trinh tiết nhưng không bán thân. Mẹ đẻ  Natalie Dylan không đồng ý với quyết định của cô. Vì bị mạng Ebay từ chối nên Natalie Dylan phải tới nhà đấu giá Moonlite Bunny Ranch ở Nevada để đấu giá.

Tuyên bố đấu giá trinh tiết trên mạng để lấy tiền đóng học phí hôm 3-2-2010 của cô gái có biệt danh Unigirl, 19 tuổi đã thực sự gây sốc đối với dư luận New Zealand. Mẩu quảng cáo của  Unigirl trên trang web ineed.co.nz đã thu hút trên 30.000 người xem và hơn 1.200 người tham gia đấu giá. Unigirl đã chấp nhận bán cái ngàn vàng cho người trả 36.000 USD. Tuy New Zealand là quốc gia cho phép hoạt động mại dâm - là hợp pháp, nhưng việc làm của Unigirl cũng khiến nhiều người quan tâm. Sau khi kết thúc cuộc đấu giá, Unigirl, cô sinh viên trường Đại học Waikato ở Hamilton đã nói, 36.000 USD là số tiền vượt quá điều tôi mơ ước.

Quốc hội Ai Cập đã có một phiên thảo luận căng thẳng sau khi chính phủ nước này cho phép nhập khẩu màng trinh nhân tạo (tháng 10-2009). Nhiều giáo sĩ cao cấp cho rằng, phải ngăn chặn, không để mặt hàng độc hại này xâm nhập thị trường Ai Cập vì sẽ làm gia tăng tình trạng mại dâm lén lút trong xã hội và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về hôn nhân và gia đình. Tiến sĩ thần học Abdull Muate  Biyoumi đã yêu cầu ban hành giáo lệnh và coi những người nhập khẩu mặt hàng này là phản đạo.

Giáo sĩ Yusef al-Badri ủng hộ giáo lệnh này và đề nghị, phạt người sử dụng một trong các hình thức: đánh 10 roi da, tù giam hoặc trục xuất khỏi địa phương. Trinh tiết là phẩm hạnh vô cùng hệ trọng đối với phụ nữ chưa chồng ở Ai Cập và nếu dùng màng trinh giả đi lấy chồng là sự lừa đảo vô luân. Khi bị phát hiện, người mang màng trinh giả sẽ bị giết theo tục lệ bảo vệ danh dự gia đình vẫn tồn tại ngoài pháp luật ở Ai Cập.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)