Bánh Trung thu vào mùa

ANTĐ - Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu đã trưng bày và bán sản phẩm từ gần 1 tháng qua nhưng đến thời điểm này, không khí mua sắm mặt hàng này mới thực sự sôi động. Tín hiệu từ thị trường khá lạc quan bởi người dân mua sắm nhộn nhịp.

Doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu lạc quan với tín hiệu thị trường

Người bán lạc quan

Từ cách đây khoảng 1 tuần, người dân đã mua bánh Trung thu tại cửa hàng tạp hóa hay  gian hàng lưu động trên các tuyến phố. Chị Hương (nhà ở phố Chùa Láng - Đống Đa) cho biết: “Tôi mua thử 2 chiếc bánh về cho gia đình dùng. Thấy giá cả, chất lượng cũng hợp lý nên sau đó đã mua thêm để làm quà biếu”. Theo chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), năm nào chị cũng nhập bánh Trung thu từ trước dịp 2-9, bởi nhiều người có nhu cầu mua bánh làm quà biếu dịp nghỉ lễ. Năm nay, chị vẫn nhập hàng từ các nhà sản xuất có tên tuổi như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội. Hàng bán chạy, có ngày cửa hàng này bán được gần 30 hộp bánh. So với sức mua cùng kỳ năm ngoái, đây là tín hiệu đáng mừng. 

Theo đại diện của Tập đoàn Kinh Đô, năm nay, Kinh Đô đưa ra thị trường 2.100 tấn bánh Trung thu, tăng 5% so với năm ngoái. Giá của dòng bánh bình dân dao động khoảng 100.000 - 400.000 đồng/hộp (4 bánh). Còn loại bánh cao cấp giá từ 1 đến 2,2 triệu đồng/hộp, chia ra nhiều phân khúc phù hợp với mục đích sử dụng của khách hàng. Nhiều ngày nay, trên các tuyến phố lớn: Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Cừ… các gian hàng lưu động trưng bày và bán sản phẩm của các hãng đã hoạt động tấp nập. Với mức giá tăng trung bình 10-15% so với năm ngoái, phổ biến từ 40.000-70.000đồng/chiếc bánh, người tiêu dùng có thể chấp nhận được. 

Điểm nhấn của thị trường bánh Trung thu năm nay là sự cải tiến mẫu mã. Phá bỏ sắc đỏ vàng truyền thống trên hộp bánh, doanh nghiệp Thu Hương đưa ra thị trường nhiều loại vỏ hộp với màu sắc phong phú như: nâu, vàng, cam… Hình dạng hộp cũng được cải tiến đáng kể, không chỉ có hộp vuông cứng nhắc, hãng này còn thiết kế hộp quà tặng theo kiểu túi sách của phụ nữ, rất bắt mắt. Với những hộp bánh để biếu tặng có giá vài triệu đồng thì ngoài chiếc bánh có hương vị độc đáo, nhà sản xuất còn đóng gói kèm theo chai rượu ngoại. Tuy nhiên, trên thị trường, các loại bánh có giá bình dân vẫn hút khách hơn cả. 

Nhớ hương vị truyền thống

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, mặc dù các hãng đưa ra thị trường nhiều loại bánh với hình thức hấp dẫn và hương vị khác nhau nhưng phần lớn không còn giữ được hương vị truyền thống. Anh Minh (đường Giải Phóng) chia sẻ: “Trước kia, cứ đến Trung thu, nhà tôi lại làm bánh bán. Đó được coi như một nghề gia truyền. Nhưng hiện nay, do điều kiện công việc, gia đình tôi không làm nữa. Mua bánh của các hãng lớn, tôi không còn cảm nhận được hương vị truyền thống”. Theo anh Minh, vị bánh đậu xanh, vị bánh thập cẩm - 2 vị phổ biến nhất không còn vị thơm ngon riêng của nhân bánh. “Tất cả đã được trộn lên nháo nhào, bằng các loại hương liệu nên nhìn thì đẹp mà ăn không ngon” - khách hàng này nhận xét.

Tìm hiểu thị trường cũng cho thấy, các cửa hàng bán bánh Trung thu sản xuất theo phương thức thủ công gia truyền trên phố Thụy Khuê rất đông khách. Bánh Trung thu được bán tại đây thường có mức giá trung bình, không có dòng bánh cao cấp tiền triệu nhưng hương vị truyền thống lại là thế mạnh của họ. Chị Nga (đường Lạc Long Quân - Tây Hồ) cho biết: “Tôi vẫn chọn mua bánh Trung thu do làng nghề sản xuất. Vị thơm dẻo của gạo nếp ở vỏ bánh, vị bùi của nhân bánh rất rõ rệt, không như bánh của các công ty lớn”. 

Một số khách hàng khác lại cho rằng, mặc dù rất nhớ hương vị bánh Trung thu truyền thống, muốn mua bánh Trung thu từ các làng nghề: Xuân Đỉnh, La Phù nhưng họ lại lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm.