Vì sao Mỹ- EU- Ukraine "lặn mất tăm" trong vụ MH17?

ANTĐ - Hiện nay, Mỹ- EU- Ukraine không đưa ra tuyên bố hoặc động thái nào, chỉ còn Nga là vẫn quan tâm và tiếp tục đòi hỏi cuộc điều tra khách quan vụ Boeing của Malaysia rơi ở Ukraine.

Chỉ còn mình Nga là tiếp tục đòi điều tra “cho ra nhẽ” vụ MH17, trong khi đó Kiev không đưa ra bất kỳ một lời giải thích mạch lạc tại sao họ không cung cấp ghi âm hội thoại giữa nhân viên không lưu với các máy bay có mặt trong khu vực xảy ra thảm họa - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 25-8.

Máy bay chở khách Boeing-777 của Malaysia Airlines bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi vào ngày 17-7 xuống khu vực Donetsk, tất cả 298 người trên máy bay đã thiệt mạng. Kiev đổ lỗi cho dân quân tự vệ Donetsk bắn rơi chiếc Boeing 777, nhưng phía dân quân khẳng định không sở hữu phương tiện phòng không ở độ cao như vậy.

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã công bố những dữ liệu giám sát cho thấy vào ngày 17-7 có sự hoạt động tích cực của các trạm radar Ukraine và các hệ thống tên lửa phòng không Buk, đồng thời một chiến đấu cơ Su-25 của Ukraine đã bay cách Boeing khoảng 3 - 4 km tại thời điểm máy bay chở khách rơi.

Vì sao Mỹ- EU- Ukraine "lặn mất tăm" trong vụ MH17? ảnh 1

Ngay từ khi MH17 bị bắn rơi, Ukraine và phương Tây đã khẳng định thủ phạm
 là lực lượng dân quân Donetsk

Ông Sergei Mikheyev, Tổng giám đốc Trung tâm Cục diện chính trị đánh giá: “Thực tế, cuộc điều tra không xác nhận giả thiết mà phía Ukraine cùng với người Mỹ đã đưa ra từ những phút đầu tiên sau khi máy bay Boeing bị rơi, cáo buộc thủ phạm là dân quân tự vệ hoặc thậm chí lực lượng vũ trang Nga”.

Đầu tiên, Mỹ và Ukraine một mực khẳng định là lực lượng dân quân Donetsk đã sử dụng tên lửa phòng không Buk, do Nga cung cấp để bắn rơi MH17 và đưa ra những bức ảnh không ai chứng minh được tính thật- giả hoặc ai cũng có thể “chế” ra được, về các xe chở tên lửa Buk “chạy về hướng biên giới” với nước Nga.

Trong khi đó, có những chuyên gia độc lập phương Tây tuyên bố là chiếc Boeing 777 này bị bắn rơi bởi tên lửa không đối không và pháo trên máy bay cường kích Su-25 - loại vũ khí mà quân ly khai không sở hữu mà chỉ có trong biên chế không quân Ukraine.

Điều này có nghĩa là, chiến dịch “tung hỏa mù” của Ukraine và phương Tây đã đưa ra những thông tin giả mạo nhằm đổ lỗi cho Nga và lực lượng dân quân Donetsk. Mỹ và EU đã cố tình hạ thấp uy tín Nga trên trường quốc tế, đưa ra hàng loạt biện pháp bao vây, cấm vận Nga nhằm ép buộc Nga phải nhún nhường nhưng đã nhận được sự đáp trả thích đáng.

Vì sao Mỹ- EU- Ukraine "lặn mất tăm" trong vụ MH17? ảnh 2

Vụ MH17 bị bắn rơi sẽ lặng lẽ “chìm xuồng”?

Thế nên giờ đây, chẳng ai muốn nhắc đến những điều này, Mỹ-NATO và Ukraine đã đưa ra những con bài mới nhằm “đánh lạc hướng dư luận”, ví dụ như Moscow giấu vũ khí trong đoàn xe viện trợ nhân đạo, bắt được xe bọc thép của Nga ở đông nam Ukraine... và vụ MH17 trở nên im lặng một cách bất thường.

Thời gian gần đây, các thông tin truyền thông về MH17 ngày càng ít đi, những tuyên bố và kết luận của ủy ban điều tra cũng trở nên chung chung và chẳng gây được sự chú ý nào. Thời gian qua đi, rồi người ta sẽ nói không khẳng định được điều gì cụ thể và rất có thể MH17 sẽ lại trở thành “nghi án” giống như chuyến bay tội nghiệp MH370.

Điều này chỉ có thể giải thích được là, nhiều khả năng Mỹ và Ukraine chẳng có bằng chứng nào xác nhận cho giả thiết của họ. Hoặc tệ hơn là sự hiện diện những bằng chứng chứng minh Nga, lực lượng dân quân Donetsk vô tội và gây bất lợi đối với Ukraine và Mỹ. Thế là người ta không muốn công bố những bằng chứng này và rất có thể MH17 sẽ lặng lẽ “chìm xuồng”.