Yêu cầu thanh tra, kiểm toán việc sử dụng nguồn tiền phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2-Quốc hội khóa XV được thông qua sáng nay nhấn mạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế…
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn

Với tỉ lệ 96,19% ĐBQH biểu quyết tán thành, cuối phiên làm việc sáng 13-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV.

Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Đặc biệt, Quốc hội đề nghị trước ngày 1/1/2022 phải ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng trong lĩnh vực y tế, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế.

Cùng đó, khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm COVID-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh.

Mặt khác, Nghị quyết yêu cầu, trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực lao động thương binh và xã hội, Nghị quyết nêu rõ đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Nghị quyết cũng đề nghị, cuối năm nay phải ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương.

Ngoài ra, có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm…