Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân còn thấp

ANTĐ - Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị giao ban của lãnh đạo TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về công tác xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường diễn ra sáng qua 24-6.

Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đang gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề môi trường

Áp lực lớn

Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng - UBND TP Hà Nội, công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải trên toàn TP trong thời gian qua đã đạt một số kết quả khá tốt. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... đang gây áp lực lớn đối với công tác vệ sinh môi trường cần tập trung giải quyết. 

Con số thống kê năm 2013 cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 98-100%. Tại khu vực ngoại thành, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 18 huyện ước khoảng 2.220 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ thu gom vận chuyển khá khiêm tốn (khoảng 85%). 

Đáng chú ý là, rác thải công nghiệp trên địa bàn TP phát sinh khoảng 750 tấn/ngày (khoảng 646 tấn không nguy hại và 104 tấn nguy hại). Tỷ lệ thu gom rác thải nguy hại đạt 60-70% (tương đương gần 62-73 tấn/ngày). Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8 tấn/ngày, trong đó có 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và tại các khu xử lý tập trung.

Bên cạnh rác thải, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt đang tạo ra một áp lực lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Lượng nước thải công nghiệp của TP vào khoảng 75.000 m3/ngày-đêm. Đã có 7/8 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên tại các cụm công nghiệp vẫn đang chờ đầu tư. 

Lượng nước thải sinh hoạt từ khu vực đô thị ở mức khá cao, ước khoảng 900.000m3/ngày-đêm, tuy nhiên mới chỉ được xử lý khoảng 213.000 m3/ngày-đêm tại cuối nguồn, chưa đạt ¼  tổng lượng nước thải sinh hoạt. Lượng nước chưa được xử lý chủ yếu xả vào các sông, mương thoát nước, ao hồ. 

Ưu tiên đầu tư các công trình thiết thực

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận định, trong thời gian vừa qua với việc nhận thức được việc xử lý rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường là vấn đề hết sức quan trọng, nên các cấp, các ngành cũng như cộng đồng, xã hội đã tập trung, chú trọng thực hiện. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư hạ tầng cũng như ý thức về việc chấp hành để bảo vệ môi trường của một bộ phận vẫn còn thấp. 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP - Nguyễn Thế Thảo đề nghị: “Các cấp, các ngành phải rà soát các dự án để điều chỉnh hợp lý, ưu tiên đầu tư các dự án công trình thiết thực. Đặc biệt phải tăng cường xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các công trình xử lý nước thải, rác thải”.

Cũng tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ rõ: “Những năm gần đây, TP đã có nhiều cố gắng không chỉ là chủ trương, cơ chế chính sách mà đã có nhiều biện pháp cụ thể, tập trung giải quyết vấn đề môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như môi trường sống của người dân. Nhờ đó đã có nhiều chuyển biến rất đáng kể, tiêu chí “Hà Nội - Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” thay đổi từng năm theo hướng tốt lên, mặc dù những áp lực là rất lớn”. 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về giữ gìn môi trường. Với các ý kiến, kiến nghị của các quận, huyện, Bí thư Thành ủy cho rằng cần phân cấp quản lý mạnh hơn nữa cho địa phương, tạo cơ chế chính sách hợp lý để thu hút các nguồn lực cùng tham gia đầu tư trong lĩnh vực giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, nước thải.