Y đức không thể nói suông

ANTĐ - Ngày 8-1, tại buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề xuống cấp y đức một lần nữa lại trở thành tâm điểm bàn luận. Các chuyên gia y tế cho rằng, mức lương của y bác sĩ hiện quá thấp và muốn nâng cao y đức thì trước hết cần cải thiện được đời sống cho họ.

Việc giáo dục y đức sẽ hiệu quả nếu đời sống của y bác sĩ được quan tâm hơn

Không để bác sỹ bị phân tâm

Tại cuộc tọa đàm do Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Y tế tổ chức nói trên, GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nếu chỉ kêu gọi người thầy thuốc hy sinh vì người bệnh thì không phù hợp. Dù thu nhập thực tế của một số y bác sĩ hiện nay không thấp nhưng trên bình diện chung thì lương của bác sĩ chỉ đứng thứ 17 trên 18 ngành nghề. Trong khi đó, người thầy thuốc hiện nay không những chỉ hy sinh mà còn phải mưu sinh. Vấn đề ở đây là giải quyết mối quan hệ giữa hy sinh và mưu sinh như thế nào để đảm bảo được đời sống cho người thầy thuốc, giúp họ yên tâm công tác mà không bị phân tâm đến những chuyện khác. 

Theo GS Phạm Mạnh Hùng, nghề y là một nghề cao cả, nghề phục vụ người bệnh và những người xác định theo nghề này phải đặt lợi ích của người bệnh cao nhất chứ không thể coi đây là một nghề kiếm sống, càng không thể là một nghề làm giàu. Thế nhưng thực tế hiện nay, y đức đang có chiều hướng giảm sút mà minh chứng là hàng loạt vụ việc liên quan đến y đức khiến dư luận hết sức bất bình xảy ra trong thời gian qua, chẳng hạn như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. GS Phạm Mạnh Hùng phân tích, thực trạng đó khiến chúng ta phải thừa nhận có một bộ phận không nhỏ các bác sĩ không hiểu hết mục đích hành nghề của mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người bệnh, coi thường tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bài toán giữa vấn đề đảm bảo lợi ích của người bệnh và lợi ích của cá nhân người thầy thuốc chưa được giải quyết tốt. 

“Ngày xưa y tế là phục vụ, đã là phục vụ thì làm việc vô điều kiện. Thời chúng tôi làm gì nghĩ đến chuyện đòi tiền, chỉ biết làm, lệnh là đi. Nhưng ngày nay y tế không chỉ là phục vụ mà còn là dịch vụ, đã là dịch vụ thì phải làm rõ được quan hệ trao đổi hàng hóa dịch vụ như thế nào, lợi ích các bên ra sao... Nếu chỉ kêu gọi cán bộ y tế hy sinh mà không quan tâm đến đời sống của họ thì việc giáo dục đạo đức y bác sĩ sẽ không hiệu quả“ - GS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ. 

Cần được đối xử đặc biệt

Cũng tại tọa đàm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thừa nhận, bên cạnh vấn đề quá tải bệnh viện thì đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế cũng rất nổi cộm trong ngành y thời gian gần đây. Vẫn còn một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng trung tâm, tỏ thái độ ban ơn khi giao tiếp với người bệnh. Một số y bác sĩ còn vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả và phải cảm ơn, thậm chí công khai gợi ý bồi dưỡng “phong bì” ngay cả trước khi thực hiện kỹ thuật. Bằng chứng là khoảng 2 tháng nay, đường dây nóng y tế của Bộ Y tế đã tiếp nhận được một số vụ việc tiêu cực do người dân phản ánh.

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến y đức vẫn chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê phân tích, chất lượng nguồn nhân lực y tế hiện còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Chẳng hạn, mới chỉ khoảng 30% điều dưỡng trên cả nước đạt trình độ cao đẳng trở lên. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đồng tình với ý kiến của GS Phạm Mạnh Hùng khi cho rằng mức thu nhập của thầy thuốc còn thấp và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực. “Nghề y là nghề đặc biệt, thời gian đào tạo một bác sĩ trong trường đại học mất tới 6 năm, lâu nhất so với các ngành khác. Tuy nhiên chúng ta đã đối xử đặc biệt với nghề y hay chưa? Lương khởi điểm của bác sĩ hiện cũng chỉ xếp tương đương với cử nhân, không có gì đặc biệt. Trong khi đa số các nước tiên tiến trên thế giới đều xếp bậc lương bác sĩ thuộc loại cao nhất” – ông Lương Ngọc Khuê nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu lại một nội dung trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về y tế, trong đó nêu rõ: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. “Tuy nhiên, thực tế là chúng ta mới tuyển chọn, đào tạo đặc biệt chứ chưa đãi ngộ đặc biệt. Nhiều lần Bộ Y tế đã trình việc này song chưa được chấp thuận” - Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra, việc giáo dục đạo đức trong các trường y có những khoảng thời gian chưa thật quyết liệt, không được chú ý đúng mức. Do đó, để nâng cao y đức trong bối cảnh hiện nay cần đổi mới vấn đề giáo dục đạo đức gắn với vấn đề y nghiệp, tính chuyên nghiệp ngay từ các trường đại học.