Trung Quốc rao quảng cáo cưới một cô dâu Việt Nam chỉ mất vài mâm cỗ

Xúc phạm phụ nữ Việt và có dấu hiệu buôn bán người

ANTĐ - Dư luận đang hết sức bất bình và phản ứng về việc nhiều trang mạng của Trung Quốc đăng quảng cáo: “3 vạn tệ (100 triệu VNĐ) mua một cô vợ Việt Nam, chạy 1 cô đền 1 cô”; “Miễn phí các chuyến đi tới Việt Nam tìm tình duyên!”, “Đến Việt Nam tìm vợ không cần nhà, không cần xe hơi, chỉ cần vài mâm cỗ”… Nhiều ý kiến cho rằng đây  là sự xúc phạm đối với người phụ nữ Việt Nam, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hôn nhân và gia đình…

Ảnh minh họa

Trung Quốc hiện nay đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số lượng đàn ông không thể lấy vợ đang tăng nhanh chóng mặt do tục lệ trọng nam khinh nữ của đất nước này, cùng với chính sách 1 con khiến các gia đình buộc phải cố gắng sinh con trai. Mới đây, trên kênh truyền hình Blue Ocean Network (BON) đăng tải một phóng sự dài hơn 4 phút, có tựa đề “Đàn ông Trung Quốc nhập khẩu vợ Việt Nam”. Theo kênh truyền hình này, có khoảng 11 triệu đàn ông Trung Quốc từ 30-39 tuổi không lấy được vợ và bị coi là ế. Ở xã hội Trung Quốc hiện nay, nếu một nam thanh niên ở thành phố không có nhà và xe hơi thì rất khó có thể lấy một cô gái Trung Quốc làm vợ. 

Từ lâu, chuyện lấy vợ Việt Nam được đưa ra bán tán nhiều nhất tại các vùng đô thị và nông thôn Trung Quốc. Nhiều trang mạng quảng cáo chỉ cần bỏ ra 35.000 NDT là có thể lấy được một cô vợ Việt Nam. Nhiều người đàn ông Trung Quốc cũng đến các công ty môi giới hôn nhân để kiếm vợ và đặc biệt là tìm vợ Việt Nam. Để cưới được một cô vợ Việt Nam qua các trung tâm môi giới, các ông chồng Trung Quốc chỉ phải trả không quá 30.000 nhân dân tệ (5.000 USD) gồm cả các chi phí đi lại qua biên giới, chi phí đám cưới và phí trung gian. Trong khi đó, nếu lấy vợ ở Trung Quốc họ cần số tiền gấp nhiều lần. 

Có nhiều ý kiến cho rằng việc người đàn ông chỉ cần bỏ ra một số tiền để mua một người vợ thực chất là buôn người trá hình dưới hình thức kết hôn. Vì hôn nhân đó không có tình cảm, cô dâu được môi giới không biết mặt chồng của mình. Không những thế, những cô gái Việt Nam được đưa tới gặp những người “chồng” tương lai của mình và được xếp hàng để họ chọn bán mua như ở chợ. Thậm chí, nhiều màn chọn vợ, các cô gái Việt Nam còn phải cởi bỏ quần áo để cho những người ngoại quốc lựa chọn. Cuộc sống sau hôn nhân cũng chả mấy dễ chịu khi với thân phận “vợ mua” họ phải chịu biết bao đắng cay, ngược đãi và tủi nhục nơi xứ người. Theo một thống kê, có khoảng hơn 2000 cô dâu Việt Nam đã đến thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến trong những năm qua nhưng tỷ lệ bỏ trốn khỏi nhà chồng lên đến 25%. Bên cạnh đó, còn không ít các cô gái Việt Nam được dụ sang Trung Quốc để lấy chồng nhưng thực tế thì lại bị đưa vào nhà thổ làm gái bán dâm.

Các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định, họ không cấm kết hôn với người nước ngoài, miễn là cả 2 bên đều phải thực hiện đúng những yêu cầu đối với các cuộc hôn nhân. Mặc dù từ năm 1994, Trung Quốc đã cấm các loại hình dịch vụ giới thiệu hôn nhân thu phí, nhưng với nhu cầu rất lớn của thanh niên nước này, đã có nhiều công ty môi giới trá hình lợi dụng việc mai mối để kiếm tiền bất chính. Còn các cô dâu Việt Nam rõ ràng đã trở thành một món hàng hóa để người ta đem ra mua bán. 

Dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng  nhanh chóng ngăn chặn tình mua bán người trá hình dưới hình thức kết hôn này. Từ các trang mạng này lần ra các đường dây mua bán người, môi giới hôn nhân bất hợp pháp để bắt giữ xử lý nghiêm. Việc quảng cáo rao bán cô dâu trên mạng là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phụ nữ Việt Nam, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng của hai nước cần có những biện pháp can thiệp hoặc hình thức xử lý không để các trang mạng rao quảng cáo mua bán phụ nữ Việt một cách rẻ mạt, bừa bãi, thiếu văn hóa… Hành vi quảng cáo như vậy phải được lên án mạnh mẽ.

GS.TS  Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển): Môi giới hôn nhân là bất hợp pháp

Xúc phạm phụ nữ Việt và có dấu hiệu buôn bán người ảnh 2

Hiện nay xuất hiện hệ thống môi giới cô dâu, kết nối giữa một số người Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động bất hợp pháp, không được chính quyền 2 bên cho phép. Họ đã lừa được rất nhiều phụ nữ Việt Nam sang tìm nghề hoặc tìm chồng. Có thời kỳ chúng tôi làm dự án Phòng chống buôn bán phụ nữ Việt Nam qua biên giới từ 1996-2000 ở biên giới phía Bắc có cả những trường hợp bắt cóc bà già sang làm vợ những ông già. Nhiều người bị lừa sang lấy chồng già, khuyết tật, tâm thần… Đây là hiện tượng có màu sắc của buôn bán phụ nữ. Đường dây buôn bán người sang Trung Quốc có hai hình thức: một là làm mại dâm, hai là làm vợ bắt buộc. Chúng tôi đã làm rất nhiều nghiên cứu  truyền thông để ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam từ năm 1995. Ngay từ những năm đó chính quyền và Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là ở biên giới đã có những chính sách chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Để ngăn chặn tình trạng này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng điều quan trọng là  phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc về các mặt nghiên cứu và chính sách để cùng chống lại nạn này. Chúng ta đã ra luật phòng chống buôn bán người. Đó là những việc chúng ta đã làm, đang làm và tiếp tục làm. Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền 2 nước cần ngồi lại để bàn các phương án giải quyết, bắt tội phạm hay để cứu trợ nạn nhân. Còn về mặt môi giới cả Việt Nam và Trung Quốc đều coi là bất hợp pháp. 

PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội: Hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự phụ nữ Việt Nam

Xúc phạm phụ nữ Việt và có dấu hiệu buôn bán người ảnh 3

Quảng cáo kiểu như “100 triệu lấy một cô dâu Việt Nam, chạy trốn một đổi một”, “phụ nữ Việt Nam còn trinh, dễ bảo, chiều chồng...” là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm phụ nữ Việt Nam. Hôn nhân có yếu tố nước ngoài được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, cá nhân có quyền tự do quyết định kết hôn. Trên cơ sở thực tiễn hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ năm 2000 trở lại đây, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng cần rà soát lại các văn bản pháp lý, điều chỉnh và bổ sung cho thích hợp. Đồng thời, cũng cần có sự hợp tác song phương và đa phương ở cấp Chính phủ, Bộ ngành để hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Các tổ chức đoàn thể xã hội, trong đó Hội LHPN có vai trò rất quan trọng đối với việc trợ giúp hôn nhân quốc tế như: hỗ trợ pháp lý, dạy ngoại ngữ, mở các lớp học về văn hóa, phong tục, tập quán và pháp luật nước mà phụ nữ muốn lấy chồng; đặc biệt là kỹ năng ứng xử khi làm dâu nước ngoài… Các cơ quan an ninh, luật pháp cần phối hợp với các tổ chức xã hội tăng cường giáo dục người dân cảnh giác trước những cá nhân môi giới hôn nhân quốc tế, chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước. Phải nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tổ chức môi giới hôn nhân bất hợp pháp hoặc lợi dụng hôn nhân vì mục đích kinh doanh tình dục, cưỡng bức lao động.

TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): Đây là sự kỳ thị phụ nữ Việt Nam

Xúc phạm phụ nữ Việt và có dấu hiệu buôn bán người ảnh 4

Trong những lời quảng cáo “3 vạn tệ (100 triệu VNĐ) mua một cô vợ Việt Nam, chạy 1 cô đền 1 cô” rõ ràng đã bộc lộ sự phân biệt dân tộc, quốc gia, kỳ thị người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam được đưa ra làm món hàng mua bán với giá trị rẻ mạt.

Những năm gần đây, nhiều cô dâu Việt Nam khi sang Trung Quốc đã phải làm vợ cho cả gia đình nhà chồng, bị coi thường, đánh đập, làm việc nặng nhọc hoặc sinh con nhưng không được nuôi con, khi về nước thăm thân không được mang con theo… 

Hôn nhân phải dựa trên cơ sở tình yêu, không phải là mua bán. Nhưng ở đây, người phụ nữ Việt Nam đã trở thành một thứ hàng hóa, đồ chơi để thỏa mãn đời sống tình dục, để sinh con cho người đàn ông quốc gia khác. Chúng ta cần phải có ý kiến về vấn đề này. Các cơ quan truyền thông, Hội phụ nữ, đoàn thể, chính quyền cần có sự tuyên truyền đến các gia đình để giảm thiểu những rủi ro trong việc kết hôn với người nước ngoài.

Theo một kết quả khảo sát, những người đàn ông trên địa bàn tỉnh Chiết Giang - một tỉnh tương đối giàu có ở vùng duyên hải miền Đông của Trung Quốc thường phải trả hơn 24.000 USD - gấp hơn ba lần thu nhập bình quân hàng năm của họ - cho gia đình một cô gái mà họ muốn cưới về làm vợ. Ở những tỉnh khác, người đàn ông cũng phải trả một khoản tiền lớn cho việc lấy vợ của họ là người Sơn Đông (20.800 USD), Thượng Hải (16.000 USD), Hồ Bắc (12.800 USD) và Tây Tạng (12.800 USD).