Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào EU “đổi chiều” vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) tác động nhanh và hiệu quả rõ rệt vào nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, tiêu biểu là dệt may.
EVFTA giúp hàng dệt may Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU

EVFTA giúp hàng dệt may Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU

Đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đã giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đạt 1,68 tỷ USD, giảm 15,98% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giảm mạnh nhất là các mặt hàng quần, áo Jacket, đồ lót, áo sơ mi….

Từ ngày 1-8-2020, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu dệt may nhanh chóng “đổi chiều”. Từ đó đến hết quý I-2021, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam bắt đầu cải thiện. Mức giảm tăng trưởng xuất khẩu (tính lũy kế từ đầu năm) đã chậm lại kể từ tháng 8-2020 và bắt đầu ghi nhận tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường EU trong 5 tháng cuối năm 2020 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 6,4% so với 5 tháng cuối năm 2019. Bước sang quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.

Nói về diễn biến này, đại diện Bộ Công Thương cho biết: “Việc xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU từ tháng 8-2020 dần cải thiện phản ánh một phần là do sự phục hồi sau khủng hoảng của dịch Covid-19, một phần do tác động tích cực từ EVFTA và các doanh nghiệp EU cũng tăng cường đa dạng hóa thị trường”.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường thành viên khối EU trong quý I/2021 biến động mạnh ở các thị trường như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Trong đó, Hà Lan đã vượt Đức trở thành thị trường nhập khẩu nhiều hàng may mặc nhất của Việt Nam trong khối EU với tỷ trọng 22,73%.

Năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 6 vào thị trường EU, với thị phần đạt 3,06% về lượng và 4,02% về trị giá; tăng so với 2,79% về lượng và 3,90% về trị giá của năm 2019.

Vậy vì sao EVFTA lại giúp cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường EU “đổi chiều” trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp? Các chuyên gia cho biết, ngoại trừ Trung Quốc là nhà cung cấp lớn trong ngành, các thị trường khác như: Bangladesh, Campuchia hay Pakistan đều có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.

Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (viết tắt của chương trình Everything but Arms – Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí), Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+. Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn – Standard GSP” ở mức 9,6%.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc trung bình của Việt Nam sang EU trong 5 năm qua đạt gần 9%, nhưng tỷ trọng xuất khẩu dệt may vào EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới của Việt Nam trong những năm qua giảm từ 11,73% của năm 2016 xuống 10,81% năm 2019 và xuống 10,47% năm 2020. Thuế suất cơ sở đối với hàng may mặc là 12%.

Với Hiệp định EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới.

Do đó, EVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU, giúp đa dạng hóa thị trường, hạn chế bớt các rủi ro khi thị trường Mỹ biến động do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa kết thúc.