Xuất hiện nhiều chiêu lừa “độc”

ANTĐ - Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP.HCM gần đây diễn biến phức tạp, thủ đoạn lừa dối ngày càng đa dạng, tinh vi và xảo quyệt. Nhiều vụ án lừa đảo có quy mô lớn với giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng cao đã và đang gây ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, đời sống nhân dân, TTATXH. 

Công an TP.HCM liên tiếp triệt xóa nhiều ổ nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao khá tinh vi

Thủ đoạn tinh vi

Tháng 6-2014, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Minh Huy, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh vui mừng khi nhân viên thông báo, có 2 người khách muốn thuê xà lan chở cát từ Vĩnh Long về TP.HCM với tỷ lệ ăn chia: Minh Huy hưởng 30%, bên thuê xà lan hưởng 70%... Thời buổi khó khăn, ông Sang đồng ý ngay và tiến hành các thủ tục hợp đồng. Minh và Sựng - 2 người thuê xà lan cung cấp các giấy tờ liên quan và ông Sang giao cho họ xà lan trị giá 4 tỷ đồng… Một tháng trôi qua, đến hạn phải trả xà lan vẫn không thấy các vị khách liên lạc, ông Sang điện thoại hỏi thì được biết do tàu kéo hỏng, đang sửa chữa, chưa kéo xà lan về được. 10 ngày sau ông Sang tiếp tục gọi điện thì Minh, Sựng… bặt vô âm tín. Nhận được đơn trình báo của ông Sang, Cơ quan CSĐT CAH Bình Chánh đã khẩn trương xác minh và bắt Lê Ngọc Thảo (SN 1972, quê Tiền Giang). Thấy việc thuê xà lan dễ dàng, Thảo đã sử dụng CMND nhặt được, làm giả bằng thuyền trưởng, chủ sở hữu tàu kéo để lừa đảo Công ty Minh Huy, sau đó kéo xà lan về huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu thuê người cắt chiếc xà lan bán sắt phế liệu lấy 1 tỷ đồng.

Ngày 7-7, ông Nguyễn Nam, chủ cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ ở đường Hùng Vương, quận 10 nhận được cuộc gọi đề nghị mua 2 chiếc điện thoại iPhone 5S thanh toán bằng USD. Hôm trước người này đã mua 1 chiếc và trả tiền sòng phẳng nên ông Nam không nghi ngờ, sai nhân viên đem đến phòng 501, khách sạn C, phường Bến Thành, quận 1.  Nhân viên của cửa hàng đến khu vực lễ tân và gọi cho người khách. Khách hàng trạc 50 tuổi, ăn mặc lịch sự, trên tay cầm một gói nilon trong suốt lộ ra tập tiền toàn tờ mệnh giá 500.000 đồng. Sau khi kiểm tra kỹ 2 chiếc điện thoại, người khách định mở bọc tiền đưa cho cô nhân viên, nhưng chợt nhớ: “Quên, phải thanh toán bằng đôla Mỹ, chứ đâu phải tiền Việt”. Vị khách đặt túi nilon xuống bàn, nhờ cô nhân viên của cửa hàng điện thoại trông giúp rồi bảo lên phòng lấy tiền… Vị khách đã “không quên” mang theo luôn 2 chiếc điện thoại. Chờ mãi không thấy vị khách xuống, nhân viên này gọi điện song điện thoại của vị khách mất tín hiệu, hỏi lễ tân khách sạn mới té ngửa, phòng 501 chẳng có ai thuê phòng, và họ cũng không biết vị khách vừa rồi là ai… Ông Nam nhanh chóng trình báo cơ quan công an. Số tiền vị khách để lại là sấp giấy báo được cắt xén gọn ghẽ và chỉ có duy nhất 1 tờ tiền thật 500.000 đồng. 

Người nghèo cũng không tha

Ngày 1-7, anh Hoàng ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nhận được điện thoại số 0164517667.... Một người đàn ông cho biết đang làm việc ở một tổ chức từ thiện tại TP.HCM, có đọc báo biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh có 2 con bị bệnh vảy nến rất nặng. Theo người đàn ông này, nếu chữa khỏi cho 2 bé, phải lọc máu, chi phí khoảng 50 triệu đồng và muốn nhận được khoản tài trợ đó, anh Hoàng phải nộp cho tổ chức từ thiện 6 triệu đồng để làm các thủ tục nhập viện. Thương con bị bệnh nhiều năm, anh Hoàng chạy vạy, làm các thủ tục xác nhận gia đình khó khăn, sau đó thế chấp đất vườn, lấy tiền gửi vào TK 1902206273240 mang tên Lê Như Ngọc. Sau khi chuyển tiền, anh Hoàng gọi liên tục vào số máy của “tổ chức từ thiện” do người đàn ông để lại nhưng không liên lạc được… 

Tháng 6-2014, anh Trần Văn Kiệm ở Đông Hưng, Thái Bình có con bị Rubella đã biến chứng, mặc dù được các GS, bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị song bệnh không thuyên giảm, cháu bé thường xuyên phải chạy thận. Nghe giới thiệu, anh Kiệm điện thoại cho phòng khám Hoa Đà có bác sỹ Đông y Trung Quốc ở quận 12, TP.HCM hỏi xem có thể chữa được bệnh cho con anh. Vị lương y này khoe chữa được bách bệnh và chi phí để chữa khỏi là 500 triệu đồng, chuyển tiền ngay vào tài khoản… Do nhà khó khăn không thể xoay được số tiền quá lớn như vậy, anh Kiệm liên tục điện thoại cầu cứu lương y này. Họ bảo cứ chuyển tiền và sớm vào TP.HCM, họ sẽ giúp chỗ ở, kiếm chân chạy “xe ôm” ở bến xe, phụ bàn ở quán ăn để 2 vợ chồng có chi phí chữa bệnh cho con… Nghe xuôi tai, anh Kiệm quyết định thế chấp mảnh vườn, ao cá đưa con đi chữa. Nghi ngờ có dấu hiệu không bình thường, người bác anh Kiệm quyết định vào tận nơi. Chui sâu trong những con hẻm lầy lội, phòng khám Hoa Đà là căn nhà xập xệ lủng củng các bể ngâm đầy táo mèo, mật nhân, ba kích... Không dám kết hợp cùng phòng khám Bệnh viện Chợ Rẫy chụp chiếu xác định mức độ bệnh để kiểm chứng tiến triển bệnh, vị lương y lơ lớ tiếng Việt vùng vằng bảo: “Không chữa thì thôi, không phải bắt bẻ”… Sự việc được trình bày với Cơ quan CSĐT CAQ 12. Khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra, vị lương y lặn mất tăm. Chủ căn nhà bảo, ông này thuê đất rồi xây mấy bể ngâm rượu thuốc bán cho các nhà hàng, chủ nhà cũng không hề biết ông ấy có tài…chữa bệnh.

Thiếu tá Vũ Hoàng Phước, cán bộ điều tra CAQ Gò Vấp cho biết: Tội phạm lừa đảo hiện nay rất tinh vi, chúng trà trộn làm quen với người nhà bệnh nhân trong các bệnh viện, dò la thông tin, tìm hiểu số điện thoại cũng như khả năng tài chính, khi đã chọn được con mồi, chúng giở chiêu dụ dỗ, người nào không tỉnh táo sẽ mắc bẫy. Qua bảng đầu số do các hacker bán lại giá rẻ trên mạng, nhiều kẻ lừa đảo cũng giả danh nhân viên các công ty, điện thoại thông báo khách hàng đã trúng thưởng các tài sản có giá trị như máy tính bảng, tivi xe SH… Chúng còn nói chính xác tên tuổi, địa chỉ, số nhà và đề nghị “lại quả” tiền hoa hồng hoặc chi phí vận chuyển khi giúp đỡ khách hàng nhanh chóng nhận giải thưởng.

Để tránh trở thành nạn nhân của các trường hợp lừa đảo này, người dân cần cảnh giác, bình tĩnh suy xét, báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm mới tinh vi và mức độ ngày càng nguy hiểm này.