Xử phạt 2.000 đơn vị, đề nghị xử lý hình sự hơn 300 doanh nghiệp nợ BHXH

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, giai đoạn 2016-2020, thanh tra chuyên ngành tại 35.060 đơn vị đã phát hiện, truy thu 405,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng thiếu của người lao động.

Thanh tra chuyên ngành giúp kéo giảm tỉ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội

Thanh tra chuyên ngành giúp kéo giảm tỉ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, kiểm tra của Bảo hiếm xã hôi Viêt Nam giai đoan 2016 - 2020.

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, ngành bảo hiểm xã hội đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại 35.060 đơn vị. Qua đó phát hiện và yêu cầu đơn vị lập hồ sơ đăng ký tham gia, đóng bổ sung thời gian cho 106.590 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu các loại bảo hiểm là 405,6 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.103 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị vi phạm pháp luật trong đóng bảo hiểm. Số tiền xử phạt đến nay khoảng 114,5 tỉ đồng.

Đặc biệt, tính đến tháng 12-2020, đã có 29 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện chuyển 302 hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Công tác thanh tra chuyên ngành đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc kéo giảm tỉ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội. Cụ thể, tỉ lệ nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc giảm dần tương ứng với 2,7% năm 2016; 2,2% năm 2017; 1,7% năm 2018; đến năm 2019 con số này chỉ còn là 1,6% so với số phải thu theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng số lượng doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt vẫn còn thấp so với các đơn vị chậm đóng, nợ tiền đóng bảo hiểm. Số đơn vị chấp hành quyết định số tiền xử phạt trong giai đoạn 2016-2020 cũng còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trốn tránh, cố tình chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực ngày 1-1-2016), tổ chức công đoàn được trao quyền khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.

Mặc dù được bổ sung quyền nhưng việc khởi kiện của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân, do quy định về việc ủy quyền của người lao động, quyền khởi kiện của các tổ chức công đoàn trong các văn bản pháp luật còn nhiều điểm chưa rõ. Nên đến nay chưa khởi kiện thành công vụ nào.

Đối với ngành bảo hiểm, thời gian qua đơn vị đã cung cấp hồ sơ kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay hầu hết chưa thực hiện xử lý hình sự với những lý do vướng mắc trong các văn bản quy định.

Để khắc phục những khó khăn trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đơn vị đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thanh tra theo hướng Luật hóa việc thành lập cơ quan thanh tra của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đồng thời, điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo hiểm xã hội để phù hợp với chức năng, vị trí pháp lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành bảo hiểm xã hội cần phải được sắp xếp, cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, thống nhất nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.