Xử lý khoảng 2.000 khiếu nại mỗi năm liên quan đến giao dịch online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sự phát triển của công nghệ và đại dịch Covid-19 khiến mua sắm trực tuyến (online) bùng nổ. Hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) vì vậy cũng diễn biến phức tạp.
Lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện hàng hóa vi phạm

Lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện hàng hóa vi phạm

Ông Cao Xuân Quảng- Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, trung bình mỗi năm, Cục xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại từ người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online.

Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc lộ lọt thông tin của khách hàng, hàng hóa không đúng như quảng cáo, lừa đảo qua mạng…

Cùng nhận định này, ông Lê Đức Anh- Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS - Bộ Công Thương) cũng cho hay, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng có thể khởi tạo gian hàng và chỉ chạy trong một đợt, sau đó có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng... Khi hết chương trình, họ đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo không chỉ nhằm vào người mua mà chúng còn lợi dụng lừa đảo cả đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như sàn TMĐT và đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa.

Đáng chú ý, theo ông Lê Đức Anh, theo quy định, các sàn TMĐT khi đăng ký website TMĐT với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên sàn TMĐT sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả rất nhiều.

Chưa kể, lực lượng chức năng còn phát hiện một số lượng lớn doanh nghiệp có website chưa đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương nên hệ lụy rất nhiều.

Theo bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, mua sắm online bùng nổ trong đại dịch đã khiến hàng giả, hàng nhái, lừa đảo trực tuyến gia tăng. Do đó, cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.

Bên cạnh việc thường xuyên khuyến cáo, năng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong giao dịch điện tử, ông Lê Đức Anh cho hay, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đang đề xuất phương án và đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an), nhằm hợp tác triển khai ứng dụng liên quan đến công nghệ để có thể định danh một chủ thể khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT.

Bên cạnh đó, Cục TMĐT&KTS cũng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước triển khai nền tảng liên quan đến hệ thống đảm bảo giao dịch với đối tác phối hợp các trung tâm thanh toán để hạn chế tỷ lệ lừa đảo, giúp môi trường TMĐT tốt hơn.