Xử lý đến đâu cần báo cáo kết quả cho dân

ANTĐ - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, nóng nhất vẫn là những nội dung liên quan tới vấn đề chống tham nhũng, quản lý thị trường, giao thông vận tải và giáo dục đào tạo…

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực hành chính công vẫn diễn ra phổ biến, thể hiện qua việc người dân vẫn phải “lót tay”, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền.

Đặc biệt, một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực thực hiện chế độ chính sách người có công, hay trong một số doanh nghiệp công ích cũng gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng lại chậm được khắc phục. Đó là việc kê khai tài sản mang tính hình thức; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, cử tri còn lo lắng trước tình trạng bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, thực phẩm, đồ chơi trẻ em có nhiều hóa chất độc hại. Việc kiểm soát, quản lý chất lượng còn bị buông lỏng, xử lý vi phạm chưa nghiêm gây thiệt hại cho người dân và ô nhiễm môi trường sống. Cử tri và nhân dân đề nghị cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh và thông báo công khai, định kỳ cho nhân dân biết kết quả.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, dù đánh giá cao ý thức trách nhiệm và những cố gắng của Bộ GTVT trong thời gian qua, nhưng cử tri vẫn phản ánh về tình trạng hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi xuống cấp do vẫn còn xe quá tải, quá khổ lưu thông. Vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng với số người thương vong lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải và người điều khiển phương tiện. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp quyết liệt, xử lý nghiêm cán bộ được giao nhiệm vụ nhưng có tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm, siết chặt hơn nữa công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.

Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri và nhân dân nhiều nơi phản ánh chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp, xu hướng thương mại hóa giáo dục đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thời gian gần đây, nhân dân rất quan tâm đến phương án kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố ngày 9-9. Có ý kiến đề nghị đối với những thay đổi lớn ở quy mô quốc gia, cần làm thí điểm ở quy mô nhỏ trước, rút kinh nghiệm rồi mới làm toàn quốc. Ngoài ra, tình trạng lạm thu vào đầu năm học tuy có được kiểm soát nhưng tại nhiều trường ở các địa phương vẫn tiếp tục xảy ra gây khó khăn cho các gia đình nghèo. Cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp tốt hơn, triệt để hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này và thông báo cho nhân dân biết về kết quả khắc phục.

Trong phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  Nguyễn Văn Hiện đã đọc báo cáo thẩm tra của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 và đánh giá số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán vẫn chưa đúng với tình hình thực tế. Một số địa phương tổ chức nhiều cuộc thanh tra, phát hiện ra nhiều sai phạm với giá trị vi phạm lớn, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng.