Xu hướng báo chí thế giới trong tương lai gần

ANTD.VN - Khảo sát các xu hướng báo chí thế giới thường niên năm 2016 của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) đã tiết lộ nhiều thông tin giá trị và xu hướng phát triển của lĩnh vực truyền thông trong năm nay và tương lai gần.

Số người đọc báo điện tử đang tăng lên, nhưng báo in vẫn giữ được độc giả nhất định

Khoảng 2,7 tỷ người đang đọc báo giấy

Theo đó, nghiên cứu về các xu hướng báo chí thế giới cho thấy, báo chí đã tạo ra khoảng 168 tỷ USD từ doanh thu phát hành và quảng cáo trong năm 2015. 53% doanh thu này, tương đương 90 tỷ USD, đến từ nội dung của sản phẩm in ấn và kỹ thuật số, trong khi phần còn lại là từ tiền quảng cáo. Tuy nhiên, tổng doanh thu ngành báo chí toàn cầu năm 2015 sụt 1,2% so với năm 2014 và giảm 4,3% trong 5 năm qua.

Hơn 2,7 tỷ người trưởng thành đang đọc báo in trên toàn cầu, trong khi số độc giả đọc báo điện tử cũng đang tăng lên và ở một số nền kinh tế phát triển nhất, lượng độc giả tiếp cận tin tức qua các nền tảng kỹ thuật số đã vượt số người đọc báo in. Phân tích các xu hướng báo chí thế giới ước tính, ít nhất 40% người sử dụng Internet trên hành tinh này đọc báo trực tuyến.

Phương thức tiếp cận và thu lợi nhuận

Theo nghiên cứu trên, thách thức đối với ngành công nghiệp báo chí hiện vẫn là phương thức để tạo ra sự tiếp cận và ảnh hưởng của báo chí trên nhiều nền tảng như: thiết bị di động, phương thức phát hành kỹ thuật số thu tiền.

Nhiều nhà xuất bản đã chọn cách truyền tải tin bài qua thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng). Hiệp hội Báo chí Mỹ cho biết, hơn nửa số độc giả báo điện tử của nước này chỉ sử dụng thiết bị di động để đọc tin hàng ngày. Theo trang cung cấp số liệu ComScore, 10 hãng truyền thông kỹ thuật số của Mỹ có 37% độc giả “ghé thăm” hãng tin bằng thiết bị di động và 31% khác đọc tin bằng cả thiết bị di động lẫn máy tính bàn. Tại các thị trường như Pháp, Đức, Nhật Bản, 

Australia và Canada, hơn 1/3 số người trưởng thành sử dụng thiết bị di động để đọc tin tức. Đặc biệt, số lượng ngày càng tăng của điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng dữ liệu lớn trên báo điện tử, chẳng hạn video. Được biết, 

8-9 tỷ video mỗi ngày được theo dõi trên Facebook, 8 tỷ video/ngày được xem qua Snapchat và 4 tỷ được xem qua Youtube. Trong khi đó, con số độc giả đọc tin tức bằng máy tính bàn tiếp tục giảm.

Nhờ xu hướng tiếp cận tin tức qua mạng, phương thức thu lợi nhuận từ phát hành kỹ thuật số cũng phát triển theo. Doanh thu phát hành kỹ thuật số thu tiền từ độc giả tiếp tục tăng trưởng 2 con số, tăng 30% trong năm 2015 và 547% trong 5 năm qua. Trong số những độc giả thường đọc tin trực tuyến, khoảng 1/5 người sẵn sàng trả tiền để được theo dõi tin tại nhiều quốc gia trong chương trình nghiên cứu của WAN-IFRA.

Tuy vậy, bên cạnh sự bùng nổ của thiết bị di động và tiềm năng của phương thức phát hành kỹ thuật số thu tiền độc giả, phát hành dạng in ấn vẫn có chỗ đứng nhất định. Như đã nói, năm 2015, ngành báo chí tạo ra 90 tỷ USD nhờ nội dung của báo phát hành in ấn và kỹ thuật số, 78 tỷ USD đến từ quảng cáo dạng in ấn và kỹ thuật số.

Các con số về thị trường báo chí toàn cầu cho thấy, hơn 92% tất cả doanh thu báo chí vẫn đến từ dạng phát hành in ấn. Thành tựu này một phần nhờ sự lớn mạnh của phát hành tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số nơi khác ở châu Á, do nhu cầu mở rộng hiểu biết và tăng trưởng kinh tế tăng, cũng như chi phí in ấn thấp thúc đẩy lượng tiêu thụ báo.

Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 62% lượng phát hành báo ngày dạng in ấn trong năm 2015, tăng hơn so với con số 59% năm 2014. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc lại là 2/7 thị trường báo chí lớn nhất thế giới (5 thị trường còn lại là: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Brazil). 7 thị trường này chiếm hơn một nửa số doanh thu báo chí trên toàn cầu. 

Nguy cơ tiềm ẩn

Teemu Henriksson, một điều phối viên dự án tại WAN-IFRA, cho hay, việc đọc báo trên toàn cầu đang tăng, đặc biệt là phiên bản điện tử và trên các thiết bị di động. Sự tăng trưởng trên có phần do các bài báo được xuất bản trực tiếp trên Facebook thông qua tính năng đọc báo tức thì (Instant Articles), cũng như trên Google, Twitter và các nền tảng công nghệ khác. Xu hướng trên dẫn đến cái gọi là “distributed content” (nội dung được phân phối bởi bên thứ ba).

Ông Henriksson  nói: “Một số người cho rằng, “distributed content” là một trong những bước phát triển lớn nhất của ngành công nghiệp tin tức. Những người khác thì nói đó là một yếu tố nguy hiểm bởi bên thứ ba sẽ có quyền kiểm soát lớn đối với việc phân phối nội dung cũng như thu lợi nhuận từ nội dung”.

Trong khi đó, ông James Breiner, một nhà phân tích xu hướng truyền thông, cảnh báo sự gia tăng của “distributed content” đang khiến báo chí mất đi sự kiểm soát đối với thương hiệu của họ. “Độc giả thậm chí không biết bài báo thuộc tổ chức truyền thông nào.

Trong khi, điểm quan trọng của truyền thông chính thống chính là thương hiệu mạnh, mọi người có thể tin tưởng, đặc biệt là trong thế giới thông tin khổng lồ trên mạng” - ông Breiner cho biết.

Theo ông Breiner, việc tập trung vào tăng cường mối quan hệ với độc giả là biện pháp tốt nhất đối với các nhà xuất bản tin tức. Báo chí cần phát triển cộng đồng độc giả trung thành. Ông nói: “Những gì bạn thực sự muốn là mọi người quay trở lại đọc nội dung của bạn. Nếu bạn có ứng dụng di động riêng, độc giả dùng ứng dụng của bạn thì có nghĩa là bạn đang thực sự “sỡ hữu” họ”.

WAN-IFRA chuyên phân tích và dự báo những bước đột phá và cơ hội quan trọng đem lại lợi ích của ngành truyền thông trên khắp thế giới. Tài liệu các xu hướng báo chí được WAN-IFRA xuất bản từ năm 1989.