Xin tạm rút đề án đổi mới sách giáo khoa

ANTĐ - Sáng 25-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Đó là ý kiến được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, diễn ra sáng nay 25-4. Bộ trưởng giải thích ngắn gọn lý do vì cần có thêm thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, chờ Chính phủ thẩm định dự thảo đề án trước khi trình Quốc hội.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, hồ sơ mà Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền trình sang Ủy ban chưa đầy đủ, chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình - SGK phổ thông giai đoạn trước, báo cáo tác động cũng rất sơ sài. Đây cũng là đánh giá của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội tại phiên họp Ủy ban Thường vụ trước đó: “Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động tới xã hội chỉ có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá...”.

Sách giáo khoa mới dự kiến được đưa ra giảng dạy từ năm học 2018-2019

Theo kế hoạch trước đó, sau khi Bộ GD-ĐT báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình- SGK giáo dục phổ thông tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (vào ngày 14-4) thì tại phiên họp toàn thể này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ thẩm tra chính thức về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình-SGK giáo dục phổ thông, chuẩn bị cho việc trình ra Quốc hội tại kỳ họp sẽ khai mạc vào tháng 5 tới.

Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT báo cáo tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề án về đổi mới chương trình-SGK giáo dục phổ thông đã bị dư luận xã hội phản ứng, đặc biệt là về thông tin cần tới trên 34.000 tỷ đồng để  đổi mới chương trình-SGK phổ thông. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó đã phải đăng đàn đính chính lại thông tin. Ông cho biết,  trong hồ sơ Bộ GD-ĐT gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không có con số nào về tiền nong. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc. Nếu cần phải có đến 34.000 tỷ đồng chỉ để biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì tôi cũng không đồng tình, cũng thấy là lãng phí, phi lý...”