Xem tranh khỏa thân không nên chỉ vì tò mò và dục tính

ANTD.VN - Điều cốt lõi của một tác phẩm khỏa thân nằm ở giữa tục và thanh. Nếu thanh hoàn toàn thì không cần đến loại nghệ thuật này, nếu phần tục nhiều hơn phần thanh thì không còn nghệ thuật nữa.

Tác phẩm của họa sĩ Lưu Công Nhân

Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa có buổi trò chuyện với khán giả Thủ đô về đề tài “Tranh khỏa thân trong mỹ thuật Việt Nam” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VCCA. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ triển lãm “Nét” với bộ sưu tập tranh đồ sộ nhất từ trước đến nay của danh họa Lưu Công Nhân.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Có thể chia dòng chảy phát triển của tranh khỏa thân trong mỹ thuật Việt Nam thành 3 giai đoạn: trước thế kỷ XX; quãng thời gian từ khi trường Mỹ thuật Đông Dương (hiện là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) ra đời đến trước năm 1986; từ 1986 đến nay”.

Xưa cởi mở hơn bây giờ

Đề tài khỏa thân đã xuất hiện trong mỹ thuật Việt Nam từ lâu. Khoảng 2.500 năm trước, trên nắp chiếc thạp đồng Đào Thịnh (được tìm thấy ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái năm 1961) có miêu tả bốn đôi trai gái đang làm tình, được thể hiện ở khối đơn giản nhưng rõ ràng. Đáng chú ý, các dân tộc thiểu số ở miền Trung, người Bana, Gia Rai, Cơ Tu… cũng có các tác phẩm điêu khắc khoả thân.

Lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ Lý, Trần, Lê, Mạc đến cuối thế kỷ XIX còn rất nhiều hiện vật với các chất liệu gỗ, gốm, đất nung... lấy đề tài khỏa thân làm nguồn cảm hứng. Người yêu mỹ thuật sẽ vô cùng ấn tượng khi đến ngôi đình Phù Lão, Bắc Giang (vào khoảng thế kỷ XVI) có một mảng chạm khắc một đôi nam nữ đang làm tình, đó là dấu ấn độc đáo của đề tài khỏa thân trong nghệ thuật truyền thống của người Việt.

Nó cũng chính là điểm khác của đề tài khỏa thân trong mỹ thuật Việt Nam so với cùng đề tài trong mỹ thuật các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản... Vì đình là nơi thiêng liêng, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng, nhiều người đến tụ họp, tổ chức lễ hội. Các nước khác chỉ mang tranh khỏa thân về để xem trong nhà, xem riêng với nhau. Điều đó cho thấy, người Việt Nam xưa đã rất cởi mở với khỏa thân trong mỹ thuật truyền thống.

Nhắc đến các họa sĩ lứa đầu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại (tính từ khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương) không thể không nhắc đến các họa sĩ bậc thầy như Nghiêm, Liên, Sáng, Phái. Họ vẽ khỏa thân rất nhiều. Họa sĩ Lê Thiết Cương đùa: “Đố khán giả tìm được một họa sĩ nào không quan tâm đến đề tài khỏa thân. Gần như tất cả họa sĩ đều vẽ, có thể hiện và tìm mình trong đề tài này”.

Và đề tài khỏa thân còn cuốn vào trong nét bút tài tình của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm... Lứa sau của Mỹ thuật Đông Dương có họa sĩ Trần Lưu Hậu vẽ khỏa thân nhiều. Nổi bật là họa sĩ Lưu Công Nhân, khỏa thân là một đề tài lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ khỏa thân trên nhiều chất liệu, sơn dầu cũng có, song chủ yếu là màu nước trên giấy, mực nho trên giấy dó... Đặc biệt, vì có điều kiện kinh tế, Lưu Công Nhân mới có khả năng mời mẫu vẽ khỏa thân.

Nét là căn cước hội họa của ông. Ký họa đã phải nhanh, bản thân ông phải là người cực kỳ vững hình để đi các nét. Bản chất của mực nho trên giấy là không xóa được, khi vẽ người thiếu nữ, Lưu Công Nhân đi nét từ gáy xuống phần lưng thành một nét đẹp. Một bức tranh của ông là tổ hợp của những điều tương phản: có lúc ở phần gáy buông, có lúc không có nét; nét đậm nhạt, nét thanh; nét chấm bằng bút nhỏ, bằng gợi ý của sáng tối; hay ông quyết ấn mạnh bút vào; lúc nhiều mực, ít mực, lúc nhòe...

Tác phẩm của họa sĩ Doãn Hoàng Lâm

Biến nhục cảm thành mỹ cảm

Khỏa thân là một đề tài, đề tài chỉ là đề tài thôi, nó không to bé không cao thấp gì cả, vấn đề là các họa sĩ có cách thể hiện đề tài đó thế nào. Bức “Tháng tư” của họa sĩ Trịnh Tú với chất liệu acrylic trên vải khắc họa một cô gái ngồi bên lọ hoa loa kèn là một cách khác thể hiện đề tài khỏa thân, khỏa thân không cứ là chỉ vẽ một cô gái. Trịnh Tú không vẽ các cô gái đứng cạnh nhau như họa sĩ Trần Lưu Hậu hay là một nhóm các cô gái đang nhảy múa trên bờ biển của Picasso mà kết hợp cả tĩnh vật tạo nên cái lạ.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm lại đi tìm một phương pháp mới, anh không vẽ đằng trước cô gái mà vẽ lưng. Không nhiều họa sĩ hiện thời đang vẽ đề tài khỏa thân -  khi nó là một đề tài bị xã hội cho là nhạy cảm, một đề tài chưa được đối xử công bằng như các đề tài khác. Họa sĩ Lê Thiết Cương kể: “Có một nữ họa sĩ từng tâm sự với tôi, cô vẽ được khoảng 10 bức, nhưng ở nhà chồng nên mỗi lần đang vẽ mà bố mẹ chồng lên thì cô phải lấy chân đẩy bức tranh vào gầm giường”. 

Muốn phân biệt rạch ròi giữa tranh nghệ thuật với tranh khiêu dâm thì nghệ sĩ điêu khắc, nhiếp ảnh, họa sĩ phải đủ nghề, đủ tài và biết hài hòa. Gần đây, trên thị trường mỹ thuật Việt Nam đã có những ảnh, tranh nghệ thuật chỉ có dục mà không có đẹp, đấy là tác phẩm của những người lạm dụng đề tài khỏa thân để đánh bóng tên tuổi và gây scandal. Dục cảm là đặc điểm riêng của đề tài khỏa thân.

Dục cảm sinh ra mỹ cảm và tạo cảm hứng sáng tạo. Người họa sĩ khi vẽ tranh khỏa thân trước tiên phải rung động trước vẻ đẹp nam nữ. Bởi tranh nghệ thuật nên họa sĩ phải biến được dục tính, nhục cảm ấy thành mỹ cảm. Người xem tranh khỏa thân cần học, không nên đi xem tranh chỉ vì tò mò và dục tính đơn thuần.

Cốt lõi, điểm bắt đầu và cái đích của nghệ thuật là cái đẹp. Xem tranh phải thấy đẹp, rung động trong tâm hồn, sau đó mới đến tính dụng, tính thiêng, tính sinh... Dục vọng nếu như nó có ở trong đề tài khỏa thân thì nó nên là ở trong tranh vọng ra người xem, chứ không phải ở trong đầu người xem.