Xe máy “hết đát” tung hoành vùng sơn cước

ANTĐ - Xe máy cũ “nát”, không yếm, không đèn, không biển số, không giấy tờ, còn trơ mỗi “bộ xương khô”… ấy thế mà ở huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), hàng chục xe như vậy vẫn dọc ngang trên những cung đường mỗi ngày.  
Náo động trên mỗi cung đường đi qua

Chúng tôi đến Khánh Vĩnh vào một ngày đầu đông. Ở độ cao này không khí đã trở lạnh hơn nhiều so với Nha Trang, nhất là ở 5 xã cánh tây gồm: Khánh Thượng, Liên Sang, Cầu Bà, Sơn Thái và Giang Ly, càng lên cao những cơn gió càng lạnh se sắt.

Vừa dựng chiếc xe gắn máy bên cung đường “nối biển và hoa”, đoạn qua xã Liên Sang để vào quán nước uống ấm trà cho đỡ lạnh, chúng tôi bỗng giật mình vì tiếng nẹt pô ầm ĩ. Một tốp nam thanh niên “cưỡi” 3-4 xe máy rồ ga, lao nhanh về phía xuôi khiến ai nấy cũng phải chú ý, còn người đi đường thì hoảng hốt tránh đường. Tiếng nẹt pô càng thu hút sự chú ý của nhóm khách lạ vì nhóm thanh niên này đang cưỡi trên những chiếc xe máy, nhưng thực ra trông chẳng khác nào những khung sắt hoen gỉ, di động.

Xe máy “hết đát” tung hoành vùng sơn cước ảnh 1
Những chiếc xe máy "hết đát" tung hoành trên những cung đường huyện miền núi Khánh Vĩnh


Những chiếc xe máy này đều không có hộp đèn, không gương, không còi, không có biển số, không yếm, có cái dính đầy bùn đất… và những người điều khiển xe, chẳng có ai đội mũ bảo hiểm.

Thấy ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi, bà Chệ (61 tuổi), chủ quán nước ở ngã ba thôn Chà Liên cho biết: "Ở đây những chiếc xe như thế này thiếu gì”. Rồi như nước tràn bờ, bà bức xúc nói: “Ban ngày xe nó chạy vèo vèo điếc cả tai thế đấy. Đêm đến, mỗi khi những xe "hết đát" này đi qua đều khiến người dân sống bên đường đều phải giật mình, tỉnh giấc”. 

Rồi bà chỉ về ngã ba ngay gần đó nói: “Cách đây ít ngày, 2 thanh niên đi 2 chiếc xe máy cũ nát tông nhau khiến xe một nơi, bánh một nẻo. Nhìn 2 chiếc xe sau vụ đối đầu trực diện chẳng khắc nào một đống sắt vụn. Hỏi ra mới biết, họ tông nhau vì xe không có đèn, lại đi vào ban đêm nên mới xảy ra cơ sự ấy”.

Ra ngõ gặp xe “hết đát”

Sau tuần trà ở quán nước bà Chệ, chúng tôi đi đến những hộ dân sống hai bên đường. Thật dễ nhận ra là đời sống của đồng bào nơi đây, đa số là dân tộc như T’rin, Raglai đã thay da đổi thịt rất nhiều. Nhà ai cũng có ti vi, xe máy và con cái được học hành.
Xe máy “hết đát” tung hoành vùng sơn cước ảnh 2
Cận cảnh 2 chiếc xe cũ nát


Từ ngày con đường Khánh Lê - Lâm Đồng đi vào sử dụng thì không chỉ những người dân ở xã Liên Sang mà còn những xã cánh Tây huyện miền núi Khánh Vĩnh được hưởng lợi rất nhiều bởi hàng hóa được lưu chuyển với các huyện, tỉnh đã dễ dàng hơn.

Thấy chúng tôi đến, anh Cao Nhật (40 tuổi, trú thôn Bầu Sang, Liên Sang) đang dắt chiếc xe máy “hết đát” ra khỏi nhà để chuẩn bị đi làm rẫy, vội dựng chân chống vui vẻ đón khách. Khi được hỏi về chiếc xe máy đã cũ, nát, anh Nhật cho biết, chiếc xe máy này gia đình anh mua cách đây đã 12 năm, có xuất xứ từ Trung Quốc, giá gần chục triệu đồng. Từ ngày mua đến giờ anh rất hiếm khi sửa chữa, nếu có sửa cũng chỉ cốt là để chạy được chứ không chú trọng đến đèn, còi, công tơ mét. Anh phân bua “xe chỉ dùng để đi rẫy chở mì, bắp nên chả cần!” 

Sau vài cú đạp, chiếc xe máy của anh Nhật nổ phành phạch. Chạy thử được một vòng chúng tôi mới thấy chiếc xe của anh này quá mất an toàn vì đèn không có, phanh tay cũng không, còn phanh chân thì đạp mãi vẫn không thấy chiếc xe dừng lại! Và khi dừng lại được thì xe lại chẳng có chìa khóa. Thấy chúng tôi đang loay hoay tắt máy, anh Nhật chạy đến, cầm chiếc dây điện màu xanh ngay phía trước xe dí vào khung. Chiếc xe tắt ngủm. “Chiếc chìa khóa xe mất đã lâu, vì vậy sử dụng cách này là nhanh nhất để tắt máy” - anh Nhật khoe. 

Qua tìm hiểu nhiều ngôi nhà ở miền sơn cước này, chúng tôi nhận thấy, tình trạng xe cũ nát của người dân nơi đây là rất phổ biến. Đến nỗi, hầu như những căn nhà chúng tôi ghé qua ở xã miền núi này đều có xe “nát”. 

Hậu quả khó lường

Trong những cuộc họp dân hàng tháng, chính quyền địa phương đều tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như Luật giao thông đường bộ cho bà con nhân dân. Thế nhưng, đối với bà con thì “nghe tai phải lại chạy sang tai trái” mất. Bởi vậy, theo ông Cao Mui - Chủ tịch UBND xã Liên Sang thì vẫn không có cách nào khác ngoài chính sách “mưa dầm thấm lâu” này. Theo ông Mui, thì việc tuân thủ pháp luật của bà con trong xã là khá tốt. Tuy nhiên, do đặc thù là xã miền núi, vẫn còn đến 28% hộ nghèo thì việc bà con dùng xe quá cũ “nát” là điều hiển nhiên. 

Xe máy “hết đát” tung hoành vùng sơn cước ảnh 3
Sử dụng xe nát đi khai thác quặng ở Khánh Vĩnh


Ông Cao Minh, Trưởng công an xã Liên Sang cho hay, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn xã Liên Sang có khoảng 30 chiếc xe "hết đát", nhưng con số thực tế thì có thể nhiều hơn. Ba xã cánh tây còn lại thì ít hơn. Cũng theo ông Minh, những xe máy lưu hành trên địa bàn đôi khi còn của những người từ địa phương khác trong tỉnh như từ huyện Diên Khánh, Cam Lâm lên làm ăn. “Chúng tôi cũng băn khoăn về số xe máy quá cũ này lắm, nhưng người dân trên địa bàn một mặt nhận thức còn hạn chế, tiếp đến là do họ còn nghèo nên thấy xe của họ lưu thông trên đường thì chỉ chủ yếu vẫn là nhắc nhở bà con” - ông Cao Minh nói. 

Thực trạng người dân sử dụng xe nát, không đảm bảo an toàn và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại các tuyến đường là điều dễ nhận thấy ở không chỉ Liên Sang mà cả trên những cung đường ở miền sơn cước Khánh Vĩnh. 

Rời Liên Sang khi nắng chiều đã tắt, trên đường về lại phố biển, chốc chốc chúng tôi lại gặp những thanh niên “cưỡi” những “khung sắt di động”, phóng như bay trên đường Khánh Lê - Lâm Đồng…