Xe khách "rùa bò” trên phố để "bắt" khách

ANTĐ - Nhiều xe khách vẫn ngang nhiên "bò" trên đường để đón trả khách sau khi ra khỏi bến, gây mất trật tự an toàn giao thông Thủ đô.

Theo quy định từ ngày 8-8-2010, mọi hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24-6-2010 của Bộ GTVT. Thông tư số 14 đã cụ thể hóa các quy định của Luật GTĐB 2008 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Một trong những Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT quy định xe khách chạy tuyến cố định chỉ được đón trả khách tại bến xe 2 đầu tuyến, không đón trả khách dọc đường vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các chủ xe khách và hành khách. Tính đến thời điểm hiện tại sau 2 năm quy định được ban hành, tình trạng đón trả khách tại các tuyến đường vẫn diễn "bình thường”.

Có mặt trên đoạn đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, theo quan sát của chúng tôi, những chiếc xe sau khi rời bến Mỹ Đình đi với tốc độ “ rùa bò”, mặc dù trong giờ cao điểm, lực lượng chức năng phải đảm bảo trực 100% quân số để giảm thiểu nạn ùn tắc, tuy nhiên những chiếc xe vẫn “lững thững” đi.

 Xe khách mở cửa và đi với tốc độ “rùa bò” để “ vẫy” khách.

Đón khách trên đường Phạm Văn Đồng

Nhiều xe sau khi rời bến không thấy lực lượng chức năng vẫn đi chầm chậm để đón khách dọc đường. Thậm chí một số phụ xe còn mở cửa thoát hiểm quan sát và “vẫy” khách dọc đường, các đối tượng “cò” xe ngang nhiên hoạt động. Tóm lại là cứ có người xuống là xe dừng, có người “vẫy” là xe mở cửa đón. Điều này đã tạo thói quen xấu cho nhiều người không chịu vào bến mua vé. Đồng thời khiến quyền lợi hợp pháp của những hành khách thực hiện đúng việc mua vé tại bến xe.

 

Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng “thông tư số 14/2010/TT-BGTVT tại Khoản 1 Điều 19 quy định: Lái xe chỉ được đón khách tại bến xe nơi đi, trả khách tại bến xe nơi đến, không được đón trả khách dọc đường”, là không hợp lý phủ định tính cơ động vốn có của ngành vận tải, không phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân như hiện nay. Vì vậy cần phải điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực trạng và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Năm 2012 năm “An toàn giao thông”, “giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nhau có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, người thân, bạn bè và với toàn xã hội. Mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm báo trật tự và an toàn giao thông”, đó là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ tới tất cả người dân Việt Nam.

Với tình trạng như hiện nay, để chấm dứt tình trạng bắt khách dọc đường tại các tuyến đường cửa ngõ của Thủ đô, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cũng như lái phụ xe, cần phải có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn từ các lực lượng chức năng đối với các trường hợp vi phạm đang gây cản trở giao thông, mất an toàn giao thông.