Xe đạp điện thật ít - giả nhiều

ANTĐ - Vào đầu năm học mới, thị trường xe đạp điện càng “nóng” hơn do nhu cầu mua xe của các gia đình tăng cao. Tuy vậy, nếu không lựa chọn kỹ người tiêu dùng rất dễ mua phải sản phẩm kém  chất lượng.

Đi xe đạp điện “kẹp” ba, không đội mũ bảo hiểm

Đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng

Dạo một vòng qua các tuyến phố bán xe đạp điện như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn… chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán xe tại các cửa hàng khá nhộn nhịp. Năm nay, nhiều loại xe đạp điện mới được tung ra thị trường với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc khá đa dạng. Thông thường, dòng xe kiểu dáng cổ điển có kết cấu giống xe đạp với phần yên sau tách rời, nhìn khá chắc chắn được người cao tuổi, trung niên lựa chọn, còn kiểu xe yên liền, có lắp giỏ xe khá giống với xe máy được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Trung bình, giá xe đạp điện dao động từ 8-15 triệu đồng, được phân thành 2 loại: Xe dùng ắc quy và xe chạy bằng pin sạc. Hầu hết thời gian bảo hành đối với xe đạp điện tại các cửa hàng là 1 năm.

Chị Nguyễn Thị Lan ở ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình mua chiếc xe đạp điện với giá 11.500.000 đồng cách đây ít ngày. Sau 2 ngày đầu đi thử, chị Lan phải mang chiếc xe này ra cửa hàng đề nghị kiểm tra lại do khi di chuyển đầu xe bị rung lắc mạnh nên rất khó điều khiển. Được khoảng 3 ngày, chiếc xe lại tiếp tục gặp sự cố với ắc quy vì sạc điện không vào. “Mặc dù, chủ cửa hàng khá thiện chí khi tôi mang xe đến sửa nhưng tôi thấy quá nản. Bỏ  thì tiếc mà đi thì không yên tâm, chỉ sợ đang đi trên đường xe đột ngột trục trặc thì rất nguy hiểm” - chị Lan chia sẻ. 

Tại một cửa hàng bán xe đạp điện trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của chiếc xe đạp điện, chủ cửa hàng cho biết, phần lớn linh kiện được nhập từ Trung Quốc, lắp đặt tại Việt Nam. Có một số loại xe được gắn mác Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng phần lớn linh kiện của xe lại là “made in China”. Thậm chí, có những chiếc xe ở lớp sơn bên ngoài mác chữ Nhật nhưng khi sơn bong ra thấy toàn chữ… Trung Quốc.

Vào đầu năm học, xe đạp điện được nhiều người tìm mua

Nguy cơ tai nạn cao

Mặc dù, chất lượng “phập phù” nhưng một số dòng xe đạp điện đời mới lại có tốc độ khá cao, vận tốc tới 30 - 40km/h. Em Nguyễn Thu Thủy – học sinh trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, không ít bạn học sinh dù mới sử dụng xe đạp điện nhưng khi đi đường luôn vặn hết ga, tốc độ vượt cả… xe máy. Đáng ngại nhất là khi đến ngã tư hay cần sang đường, do xe không được thiết kế đèn xi nhan nên rất dễ bị va chạm với các phương tiện giao thông khác. Ngoài ra, tình trạng điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm của học sinh cũng là một trong những lý do làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Về cách sử dụng xe đạp điện an toàn, Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt – Trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, khi đi xe đạp điện, người sử dụng không nên chủ quan bởi loại phương tiện này tuy có tốc độ ngang với xe máy nhưng lại có trọng lượng rất nhẹ nên trong trường hợp xảy ra va chạm, người điều khiển xe có nguy cơ bị chấn thương nặng do độ văng xa hơn. Do vậy, tốc độ cho phép tối đa cho người sử dụng xe đạp điện là 25km/h. Bên cạnh đó, hệ thống phanh, còi của xe đạp điện chỉ tương đương xe đạp, khi di chuyển không phát ra tiếng động nên khi đến gần các phương tiện khác rất khó phát hiện, đặc biệt là khi trời tối.

Về cấu tạo, trong xe đạp điện, bộ phận quan trọng nhất là ắc quy (hoặc pin) và hệ thống mạch điều khiển. Để ắc quy có độ bền cao người sử dụng cần chú ý đến tải trọng của xe khi vận hành. Ngoài ra, khi trời mưa, đường ngập, chủ phương tiện không nên đi xe đạp điện vào khu vực ngập sâu, tránh trường hợp động cơ bị nước  ngấm vào gây hỏng mạch điều khiển và IC. 

Theo đại diện của Chi cục QLTT Hà Nội, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện một số loại xe đạp điện nhập khẩu vi phạm về nhãn mác (chủ yếu là nhái các thương hiệu lớn). Do vậy, khi mua xe đạp điện người mua nên đến những cửa hàng chính hãng có uy tín và bảo hành dài hạn, không nên tham rẻ mua hàng giảm giá “sốc”, hàng thanh lý tại những cửa hàng nhỏ lẻ và của một số đối tượng bán hàng qua mạng…