Việt Nam tham dự Khóa họp 51 Hội đồng Nhân quyền liên hợp quốc:

Xây dựng và hợp tác để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khóa họp thường kỳ lần thứ 51 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) đã khai mạc ngày 12-9, tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ). Tham dự khóa họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, nhấn mạnh, HĐNQ và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cần tôn trọng hoàn cảnh lịch sử và điều kiện văn hóa - xã hội đa dạng của các quốc gia, thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác hơn nữa nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo các nguyên tắc cơ bản của quyền con người.

Tham dự lễ khai mạc có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn 47 nước thành viên HĐNQ, trên 100 nước quan sát viên và đại diện nhiều cơ quan chuyên môn của LHQ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ. Khóa họp này của HĐNQ diễn ra ngay sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua quyết định của Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm ông Volker Türk (người Áo) đảm nhiệm vị trí Cao ủy Nhân quyền LHQ thay cho bà Michelle Bachelet (người Chile) đã kết thúc nhiệm kỳ Cao ủy Nhân quyền vào cuối tháng 8 vừa qua. Nhiều nước, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đã phát biểu chúc mừng tân Cao ủy Nhân quyền, khẳng định sẽ hợp tác với Cao ủy, Văn phòng Cao ủy và các cơ chế nhân quyền của LHQ để thúc đẩy các quan tâm chung về quyền con người.

Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Trước đó, ngày 30-8-2022, trước khi tiến hành phiên họp trù bị cho Khóa họp 51, HĐNQ đã tổ chức phiên họp chia tay bà Michelle Bachelet, trong đó đông đảo đại diện các nước đã bày tỏ cảm ơn những đóng góp và nỗ lực của bà trong nhiệm kỳ Cao ủy Nhân quyền LHQ (1-9-2018 / 31-8-2022).

Tại phiên khai mạc Khóa họp 51, Quyền Cao ủy Nhân quyền bà Nada Al-Nashif đã thay mặt Cao ủy Nhân quyền trình bày báo cáo của Cao ủy Nhân quyền của LHQ về tình hình nhân quyền trên thế giới, kêu gọi các nước đẩy mạnh phối hợp ở các diễn đàn đa phương, nâng cao cam kết chính trị triển khai các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, đề cao vai trò của các công ước, cơ chế nhân quyền quốc tế, khẳng định nhiệm vụ trung tâm của HĐNQ trong thúc đẩy đoàn kết quốc tế vì hòa bình, ổn định, công lý, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách toàn diện, hiệu quả trên toàn thế giới.

Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã phát biểu chúc mừng tân Cao ủy Nhân quyền Volker Türk và khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam với Cao ủy và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ trong thời gian tới. Đại sứ cũng chia sẻ các quan ngại của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền về 3 thách thức toàn cầu lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với việc thụ hưởng quyền con người là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động khẩn trương hơn nữa để ứng phó với 3 thách thức lớn này.

Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh HĐNQ và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cần tôn trọng hoàn cảnh lịch sử và điều kiện văn hóa - xã hội đa dạng của các quốc gia, thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác hơn nữa nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo các nguyên tắc cơ bản của quyền con người, bao gồm tính phổ quát, khách quan, không thiên vị và không chọn lọc.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tham dự Khóa họp lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Những thách thức toàn cầu cấp bách như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột vũ trang đã đẩy giá lương thực, năng lượng và lạm phát tăng cao kỷ lục, gây ra làn sóng bất ổn chính trị và kinh tế ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người. Trong số mối quan tâm về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được nêu trong ngày khai mạc và đối thoại về Báo cáo thường niên của Cao ủy Nhân quyền LHQ, nổi lên có sự quan tâm về bảo vệ thường dân, nhất là các nhóm thiểu số và yếu thế.

Khóa họp 51 HĐNQ sẽ diễn ra trong 4 tuần, từ ngày 12-9 đến 7-10-2022, với các điểm nhấn gồm: 5 phiên thảo luận chuyên đề, 10 phiên đối thoại về các báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, 28 phiên đối thoại với các cơ chế và Thủ tục Đặc biệt của LHQ về quyền con người; các phiên thảo luận riêng về tình hình nhân quyền tại một số nước. Khóa họp cũng sẽ thảo luận và thông qua gần 30 dự thảo nghị quyết về các chuyên đề và tình hình nhân quyền tại một số nước cụ thể.