Xấp xỉ 40.000 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai

ANTD.VN -Năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích, gần 5.500 ngôi nhà bị đổ, sập trôi, hơn 360.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 820.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại,… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 39.700 tỷ đồng.

Là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào chiều nay 17/4.

Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, trong năm 2016, thiên tai trên cả nước đã diễn biến vô cùng phức tạp, dồn dập từ đầu năm tới cuối năm, từ hạn hán, xâm nhập mặn đến mưa, bão thất thường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão năm 2017 vào chiều nay 17/4

Đặc biệt, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 mới chấm dứt. Đây được nhận định là đợt khô hạn, xâm nhập mặn kỷ lục trong vòng 90 năm qua tại Việt Nam, là nguyên nhân khiến nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016  tăng trưởng âm.

“Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016, làm giảm tăng trưởng quốc gia”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Trong khi đó, thiên tai ngày càng cực đoan, quy mô xã hội ngày càng lớn cả về dân số và nên kinh tế nên nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, đòi hỏi công tác phòng chống tiên tai phải nỗ lực rất lớn mới đáp ứng được yêu cầu.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2017, có khoảng 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Nền nhiệt trong cả năm 2017 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, đặc biệt ở phía Bắc. Lượng mưa trên cả 3 miền đều có xu hướng giảm và đến muộn, tại miền Bắc nhiều khả năng còn mất lũ tiểu mãn trên hệ thống sông Hồng, Lô, Thái Bình…

Ông Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong bối thiên tai ngày càng diễn biến khó lường thì công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế, các bản tin dự báo, cảnh báo chưa được cụ thể, rõ ràng dễ hiểu.  Bộ máy PCTT tại các địa phương, bộ ngành phần lớn là kiêm nhiệm, nên công tác tham mưu hỗ trợ chỉ đạo điều hành chưa đạt kết quả cao. Hơn nữa, ý thức chấp hành luật pháp trong PCTT tại một số cơ quan, tổ chức và người dân còn chưa cao dẫn đến nguy cơ rủi ro thiên tai gia tăng.