Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Xã hội hóa trong khám chữa bệnh, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu điều hành nội dung phiên họp sáng 13-6, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian để thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 9 nhóm vấn đề trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội như: Chính sách của Nhà nước về khám, chữa bệnh; thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề; các quy định liên quan đến người hành nghề khám, chữa bệnh... và các vấn đề được đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn): Cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

Cho ý kiến vào Điều 90 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, dự án Luật chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận ngày 25-4-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Kết luận nêu rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự án Luật này. Theo đại biểu, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do đó, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa; liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có hệ thống trang thiết bị hiện đại và sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền Y tế nước nhà.

Từ những ý nghĩa trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị:

- Một là, kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự án Luật này những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

- Thứ hai, kiến nghị bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm.

- Thứ ba, cần bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai): Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong mô hình bác sĩ gia đình

Quan tâm đến nội dung mô hình bác sĩ gia đình, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập. Không có cơ chế tài chính đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y học gia đình để duy trì, phát triển. Các cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu, nên chưa khuyến khích được sự tham gia…

Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đổi với một số quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện cho hoạt động khám chữa bệnh, đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình cho các nội dung sửa đổi này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang): Phải kiểm soát, quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh

Quan tâm về giá dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.

Do dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cần tổ chức lại hệ thống y tế

Góp ý về hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh dự thảo chia 3 cấp (cấp ban đầu, cấp cơ bản, cấp chuyên sâu), đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, nội dung sửa đổi phù hợp với Nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, quan tâm khám chữa bệnh ban đầu. Dự thảo Luật cũng chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có 1 trạm y tế. Dù có nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả do đó, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ song cần mô hình cụ thể.

Theo đại biểu, khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và trạm y tế, đặc biệt kết nối giữa khám chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến… Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về khám chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề. Đại biểu cũng góp ý về quy định xã hội hóa cần rõ cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh.

Đại biểu Đặng Văn Lẫm (Đoàn ĐBQH TP.HCM): Phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đánh giá năng lực hành nghề cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang

Về vấn đề tổ chức thi, đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề… của dự thảo Luật quy định, Hội đồng Y khoa quốc gia có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu Đặng Văn Lẫm cho rằng, việc tập trung thẩm quyền vào Hội đồng Y khoa quốc gia như vậy sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc, nhất là tác động đến công tác bảo đảm khách quan y tế trong quân đội quốc phòng.

Đại biểu nêu rõ, số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như: nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, y học quân chủng, binh chủng… Do đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội đồng Y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo dự thảo Luật là chưa phù hợp. Thêm vào đó, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật Nhà nước.

Từ những lý do trên, đại biểu kiến nghị phân cấp cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.