Xả hàng, giảm giá vẫn không… đắt

ANTĐ - Thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, từ tháng 5-2011 đến nay, doanh số bán hàng nhóm điện, điện tử giảm mạnh: điều hòa nhiệt độ giảm 20,8%; tủ lạnh, tủ đá giảm 14,5%… chỉ số tồn kho các sản phẩm này tăng từ 33-63,1% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa. Ảnh: C.G


Đóng cửa hàng loạt

Ông Nguyễn Minh Thư, Phó TGĐ Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cho biết, tình hình kinh doanh khá khó khăn, lợi nhuận từ kinh doanh hàng điện máy, điện tử, công nghệ thông tin... giảm 50% so với trước đây, hàng hóa nhập về từ đầu năm bán cho dịp 30-4 và mùa hè cao điểm vẫn chất đầy trong các kho hàng, đặc biệt là lượng hàng điều hòa, tivi LCD, hầu như không bán nổi.

Cũng theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư Sở Công Thương TP.HCM, một số siêu thị như Home One, Ideas...  mở cửa luôn trong cảnh vắng tanh vắng ngắt, số nhân viên bán hàng nhiều hơn khách hàng. Hàng không bán được, hàng tồn nhiều song hàng loạt siêu thị điện máy ở TP.HCM vẫn buộc phải lên kế hoạch xả hàng, nhiều mặt hàng giảm giá, tặng quà, như Thái Hòa khuyến mãi tới 60%, Đinh Huy Hoàng giảm giá hầu hết các sản phẩm điện tử, điện máy từ 30-50% kèm rất nhiều quà tặng, phiếu dự thưởng giá trị hàng tỷ đồng nhưng không nhiều khách hàng quan tâm.

 Giới kinh doanh ngành hàng này cho rằng, 2011 là năm kinh doanh tồi tệ nhất. Nhiều hệ thống thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa một số cửa hàng, hàng hóa thì đã giảm giá đến mức không còn lãi, mà vẫn… “chết”. Một số doanh nghiệp không chịu nổi “nhiệt” phải bỏ cuộc, như WonderBuy lỗ 52 tỷ đồng và buộc phá sản; hệ thống điện máy điện lạnh Hoàng Linh đã “cửa đóng then cài” từ tháng 8-2011, không liên lạc được… Trước đó, một số siêu thị điện máy như Lộc Lê, Vietnamshop.com cũng âm thầm đóng cửa do quá vắng khách trong khi vốn đầu tư thấp.

Không chỉ dừng ở hệ thống hàng điện tử, điện máy, các loại hàng hóa thiết yếu khác cũng bán rất khó khăn. Chị Nguyễn Thanh Hà, nhân viên siêu thị Hà Nội, đường Cống Quỳnh, quận 3 cho biết, sức mua giảm trong khi các chi phí cho kinh doanh như điện, nước, lương nhân viên đều tăng nên lợi nhuận của siêu thị ngày càng giảm. Hiện, mức lãi bình quân những tháng gần đây chỉ đạt khoảng 3-5%. Mức lãi này chủ yếu nhờ các nhà cung cấp cho trả chậm, cho gối đầu. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết, doanh thu tại siêu thị sụt giảm mạnh ở các hàng công nghệ phẩm, giày dép, thủ công mỹ nghệ.

Ngay cả các doanh nghiệp có uy tín trong ngành dệt may, trước chẳng bao giờ đưa hàng vào giới thiệu ở siêu thị bình dân, thì nay cũng đổ hàng với giá đồng loạt 180.000 đồng/chiếc sơmi, các loại áo thun đồng giá 60.000 đồng… Động thái này cơ bản làm tăng sức mua trong dân, tuy nhiên thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã ở thế phải cùng nhau hợp tác để kích thích và giải phóng lượng hàng hóa tồn đọng.

Bài toán nan giải

Ở khu vực chợ truyền thống cũng tương tự. Ông Phạm Minh Trí, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Ánh Dương chuyên cung cấp rau hoa quả khu vực phía Bắc TP.HCM than thở: Khối lượng hàng 3 tháng nay bán rất chậm, chỉ được 30% so với cùng kỳ với số lượng nhỏ, lẻ và hầu như không có hợp đồng lớn. Hàng hóa của nhiều công ty kinh doanh cùng loại dù được TP.HCM hỗ trợ vốn để bình ổn giá song cũng trong tình trạng bấp bênh về giá. Rau củ quả được chúng tôi đưa tiếp thị các siêu thị mini, tới tận các cửa hàng nhỏ lẻ khắp thành phố bán chịu mà vẫn không triển vọng.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại Đức Anh cung cấp trứng gia cầm, thịt bao gói ở TP.HCM cho biết: Hàng tồn kho khiến việc trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh, điểm thuê kho bãi trở thành vấn đề đau đầu cho hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức… hàng nhiều, ổn định nhưng sức mua đã giảm mạnh. Để giúp tiểu thương giải quyết khó khăn, BQL chợ phải kéo dài thời gian mở cửa đến tận trưa song nhiều vựa hàng vẫn không bán hết hàng, đành phải thanh lý “hàng tồn” với giá rẻ, thậm chí không ít vựa phải đổ bỏ.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó TGĐ Saigon Co.op cho rằng, nỗ lực tìm đường thoát bằng khuyến mãi, bán hàng trả góp giá rẻ đang thành xu thế, song nếu khuyến mãi, giảm giá quá nhiều sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và có thể khiến thị trường trở nên tồi tệ hơn. Đại diện siêu thị điện máy chợ Lớn đường Cách mạng Tháng 8 quận Tân Bình, ông Lê Anh Dũng nhìn nhận: Nếu trước đây việc giảm giá tại các siêu thị chủ yếu do các nhà cung cấp thực hiện và siêu thị chỉ giảm một phần chiết khấu, thì hiện nay, với những chương trình có kinh phí thực hiện lên đến cả chục tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ, thì bản thân các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng đang chấp nhận tốn kém nhiều chi phí để thu hút khách hàng. Vì thế cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng, việc hoạch định chiến lược kích cầu nhằm cùng người dân vượt qua khủng hoảng, hỗ trợ chính sách thời buổi tăng giá đang là bài toán nan giải giữa lỗ và lãi đối với các nhà sản xuất kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng ở TP.HCM.