Vui buồn chuyện trọng tài FIFA thổi trên sân...“phủi”

ANTĐ - Các sân bóng đá “phủi” xuất hiện ngày càng nhiều trọng tài “xịn”. Và trọng tài futsal FIFA Hoàng Đức Hiếu là một trong số đó. Đằng sau công việc của một trọng tài đẳng cấp quốc tế, thì chuyện cầm cân nảy mực trên sân bóng “phủi” có không ít chuyện dở khóc, dở cười.

Vui buồn chuyện trọng tài FIFA thổi trên sân...“phủi” ảnh 1Trọng tài Hoàng Đức Hiếu (trái) đang sống với nghề cầm còi chuyên nghiệp vì lòng đam mê

Nhập môn: Học câm, học điếc

Gần 10 năm làm nghề cầm còi sân cỏ, được công nhận là trọng tài futsal FIFA từ năm 2012 (hiện Việt Nam mới chỉ có 3 trọng tài nhận vinh dự này), Hoàng Đức Hiếu thường được tín nhiệm giao làm nhiệm vụ tại nhiều giải đấu trong nước và quốc tế. “Có người nghĩ rằng điều khiển một trận đấu chuyên nghiệp mới khó, nhưng thực tế “bắt” một trận đấu “phủi” còn khó hơn nhiều”, anh Hiếu chia sẻ. Nguyên nhân bởi ở các giải phong trào, tính ăn thua rất cao, cách hành xử của các thành viên còn rất nghiệp dư trong khi hiện nay ở Việt Nam chưa có chế tài xử phạt các vi phạm ở các giải bóng “phủi” này. Từ sự thiếu chặt chẽ này mà những hành vi thiếu văn hóa, phi thể thao vẫn xuất hiện nhan nhản trên các sân cỏ phong trào và trọng tài là đối tượng đầu tiên phải hứng chịu.

Tình huống trọng tài bị cầu thủ trên sân đến thành viên đội bóng và khán giả ngoài sân chửi bới, dọa đánh hoặc đe…đốt nhà thường xuyên xảy ra. “Nhiều trọng tài bị đánh ngay trên sân. Có trận, tôi điều khiển, cầu thủ đội thua cuộc còn đi xe máy đuổi theo đòi đánh ngay trên đường về nhà”, anh Hiếu kể. Theo trọng tài FIFA này, cũng bởi đặc thù công việc như thế nên bài học nhập môn dành cho các trọng tài khá đặc biệt. “Nếu cầu thủ, lãnh đội chửi bới, dọa đánh mà trọng tài lại bốc đồng đáp trả thì trọng tài là người trước tiên chịu hậu quả, khiến trận đấu bị vỡ. Thế nên bài học đầu tiên với trọng tài là học câm, học điếc sau đó là học dũng cảm để không bị dao động trước những lời đe dọa khi đưa ra quyết định công tâm cho mỗi tình huống”, trọng tài Hiếu chia sẻ về nghề.

Nổi tiếng nhờ nghề tay trái

Rất ít người biết rằng, với các trọng tài Việt Nam, nghề này chỉ xem như nghề tay trái. Cụ thể như, CLB trọng tài Hà Nội (Liên đoàn Bóng đá Hà Nội) có 65 thành viên, trong đó 90% hiện là công chức, giáo viên thể chất tại các trường học trên địa bàn. Trọng tài Hoàng Đức Hiếu chia sẻ: “Hầu hết anh em làm thêm nghề trọng tài chỉ vì niềm đam mê, chứ không phải nghề thu nhập chính vì trung bình thù lao cho trọng tài mỗi trận phong trào chỉ 200.000 đồng/trận, chưa trừ xăng xe, trà nước. Nếu không có đam mê thì chẳng ai lại đi đội nắng mưa trên sân hàng giờ, rồi còn đối mặt nhiều may rủi khác nữa. Trong khi, các trọng tài nữ có vẻ ngại công việc này vì hao mòn nhan sắc rất nhanh. Sự thực là nhiều nữ trọng tài “mải” theo đuổi đam mê nghiệp thổi còi, nên đến giờ trên 30 tuổi vẫn chưa có gia đình”. 

Có một điểm khá thú vị được anh Hiếu chia sẻ đó là dù chịu nhiều áp lực trên sân nhưng khi về nhà, các trọng tài sẽ tự lấy lại thăng bằng, vui vẻ với vợ con, gia đình chứ không có chuyện “giận cá, chém thớt”. Hay như chuyện ở CLB trọng tài Hà Nội, sau mỗi trận đấu các trọng tài dù bắt chính hay bắt phụ cũng đều được chia đều thù lao như nhau, không có chuyện ganh tỵ hay đố kỵ ai ít, ai nhiều. Vì theo họ, quan trọng nhất với mỗi người là được ra sân, sống với niềm đam mê. Thú vị hơn, nhờ nghề tay trái này mà nhiều trọng tài trở nên nổi tiếng, không chỉ ở làng bóng Việt mà còn vươn ra quốc tế trong những lần làm nhiệm vụ điều hành các giải chuyên nghiệp khu vực, châu lục.