"Vua mi chọi" trứ danh vùng Tây Bắc

ANTĐ - Ông Triệu Hồng Tắc sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi họa mi từ nhiều đời. Khi mới 7 tuổi ông đã được ông nội và cha giao cho một trọng trách của gia đình - đó là chăm sóc bầy chim họa mi. Từ khi còn nhỏ ông đã mang chim họa mi đi “chinh chiến” khắp nơi và nổi như cồn. Và cho đến bây giờ dù đã ở vào cái tuổi lên lão, người ta vẫn gọi ông là “lão nghệ nhân”, là pho từ điển sống về loài chim được mệnh danh là “chúa tể” các loài biết… “hát” - chim họa mi.

Người nghệ nhân già dù có đi đâu cũng mang theo lồng chim một cách đầy tự hào như “báu vật”. Ông bảo: “Chỉ thiếu có không biết nói chứ không một thứ tiếng gì trên đời là họa mi không “họa” theo được. Tiếng gà mái đẻ cục tác, tiếng gà trống gáy o o, tiếng ếch kêu ồm ộp, tiếng chó con sủa... đều giống y hệt. Thế nhưng không chỉ có tiếng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm mà cái làm nên vị trí độc tôn của họa mi chính vì chúng là những “võ sĩ” đích thực của rừng xanh. Truyền thuyết của người Nùng kể rằng, họa mi là hóa thân của võ tướng nên còn được gọi là “Hùng Điểu”, “Vương Điểu”. Điều này biểu thị cho tính chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng mất mạng để bảo vệ tổ ấm, lãnh thổ của mình. Họa mi luôn sống có đôi, mỗi cặp “vợ chồng” chim chiếm cứ riêng từng quả đồi.

Tưởng như với ông không đêm ngày nào có thể thiếu được tiếng hót lanh lảnh của họa mi núi rừng. Chậm rãi nhấp chén trà mạn ông kể rằng: “Không biết thú chơi chim họa mi có từ bao giờ nhưng trẻ con phố núi huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai quê tôi sinh ra là đã biết theo cha lên rừng bẫy chim, đã biết ra đồng bắt châu chấu, cào cào cho chim ăn. Mỗi dịp hoa đào nở hồng những triền núi, đồng bào vào lễ hội xuân Gầu Tào thì cuộc thi chọi chim lại diễn ra. Con chim thắng cuộc được gọi là khôi nguyên và người có chim vô địch được cả làng, cả bản vô cùng kính nể”. Năm 10 tuổi, ông Tắc đã sở hữu một con chim họa mi riêng, không lúc nào ông rời mắt khỏi nó, đi đâu cũng xách theo chiếc lồng bằng nan tre để chở che cho “báu vật” của mình. Con chim của ông đã đánh thắng nhiều chim của bạn bè cùng trang lứa nhưng chưa bao giờ dám tham dự một cuộc tỉ thí trên võ đài trong ngày hội. 

Hội Gầu Tào năm xưa, con chim họa mi mắt xanh của ông Vàng Kim Thịnh đã nhiều ngày làm chủ sới, con này cũng đã 2 năm liền đoạt chức vô địch. Ông Thịnh tự đắc lắm và cho rằng con chim của mình thực sự bất khả chiến bại. Ngày thi cuối, sau khi đã đánh bại đối thủ cuối cùng, ông ta ra giá: “Nếu con chim của ai có thể đánh thắng con họa mi “thần sầu” của ông ta thì ông sẽ nhường giải khôi nguyên và không bao giờ còn chơi chim nữa”. Một tiếng nói phát ra từ đám đông, cậu bé Tắc khi ấy lấy hết can đảm xách lồng chim tiến lên. Mọi người xì xào bàn tán cho rằng con chim của thằng trẻ con làm sao đấu lại được con chim của cao thủ, có mà nó xé xác luôn trong lồng. Còn ông Thịnh thì nhìn cậu bé đang tuổi cháu mình bằng nửa con mắt. “Trận đấu diễn ra, con mắt xanh của ông Thịnh rõ ràng tỏ ra ưu thế về vóc dáng, lao vào tấn công đối thủ “non choẹt” tới tấp. Con của ông Tắc sau vài phút choáng váng trước đối thủ nặng ký lập tức thay đổi chiến thuận né tránh những đòn tấn công trực diện. Cuộc chiến ngày càng căng thẳng khi “nhà vô địch” đã tỏ ra đuối sức, con chim của ông Tắc khi đó mới bất ngờ dáng đòn quyết định vào họng đối thủ khiến con chim gục tại chỗ. Lúc đó, tôi đứng ngoài quan sát mà trống ngực đập liên hồi, nín thở theo dõi, đến khi nó dành chiến thắng mới hét lên sung sướng” - ông Tắc nhớ lại. 

Rút lưỡi mi tướng phỉ

Cũng nhờ lần “ăn gan hùm” mà ông Tắc lẫn “báu vật” của mình bỗng dưng… nức tiếng gần xa. Danh tiếng về con chim họa mi “bất khả chiến bại” của ông Tắc đến tai tướng phỉ Châu Quán Lồ. Lúc đó, Châu Quán Lồ là quan châu úy Pha Long được sự giúp sức của người Pháp đã trở thành tướng phỉ khét tiếng, tụ tập hàng trăm tên phỉ biến vùng đất biên ải Si Ma Cai, Mường Khương thành “lãnh địa” riêng của hắn. Châu Quán Lồ khi ấy được ví “mê chim hơn mê gái” nên hắn quyết chờ dịp thách đấu với con chim của… “thằng Tắc”.

Tên tướng phỉ cho quân đi khắp Mường Khương, sang cả Bát Xát, Lai Châu, Vân Nam (Trung Quốc) lùng chim. Cuối cùng hắn cũng kiếm được một con vừa ý. Con này được mua ở Vân Nam và phải đổi bằng một khẩu mút-cơ-tông (là từ cổ trong tiếng Pháp chỉ súng trường ngắn) 5 phát, 200 viên đạn với 2 tạ đường. Con chim này “ngoại hình” đầu xà, móng mèo, mắt sắc, chân dài, mỏ thanh mỏng, đúng chuẩn của chim “chiến” nên Châu Quán Lồ ngay lập tức cưỡi ngựa xách chim xuống nhà ông Tắc thách đấu mà rằng: “Nếu con của thằng Tắc thắng tao sẽ mất khẩu mút-cơ-tông 20 phát”. 

Hai chiếc lồng được đặt áp sát vào nhau, lập tức 2 “dũng sĩ” lao vào trận quyết một phen sống mái. Chúng thẳng thừng tung ra những ngón đòn hiểm hóc như lấy móng, khóa cánh, dùng mỏ nhọn hoắt mổ thẳng vào những chỗ hiểm như đầu, mắt. Bên ngoài nghe rõ tiếng mổ bứt lông phựt phựt. Thấy con của mình tỏ ra đuối sức, Châu Quán Lồ liền xách lồng nhảy phắt lên lưng ngựa nói với lời lẽ đầy vẻ uy nẹt: “Bây giờ con của tao chưa thích đánh, chiều đánh tiếp”. Sau khi trở về, Châu Quán Lồ sai người đi khắp nơi tìm con chim khác, sẵn sàng mua bằng bất cứ giá nào chứ “không thể thua con của thằng Tắc được”. Buổi chiều hắn lại xách lồng đến thách đấu. Bên ngoài cuộc chiến, Châu Quán Lồ còn mang theo 2 cái lồng là 2 họa mi mái vừa bay nhảy vừa cất tiếng lảnh lót, thúc giục chim trống đánh trận. Cuộc chiến giữa 2 đấu thủ kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, khi cả chiếc lồng đã phủ kín lông chim, con của ông Tắc mới tung ngón đòn hiểm “thông nòng”, dùng mỏ rút lưỡi đối thủ, đánh bại họa mi của tướng phỉ. Lúc này, Châu Quán Lồ uất ức đến tận họng, hắn vùng vằng bỏ đi không nói không rằng và cũng quên luôn cả lời thách đấu.

Kỹ nghệ luyện hoạ mi

Suốt thời gian dài đi khắp rừng núi Mường Khương bẫy chim họa mi, chọn lọc, thuần mi và giao lưu trong các cuộc thi với người chơi chim họa mi ở khắp nơi, lão nghệ nhân già Triệu Hồng Tắc đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý. Chính ông cũng đã truyền lại cho nhiều hậu thế ở Mường Khương nghệ thuật chơi họa mi. Tuy thời gian không có nhiều nhưng những gì nghệ nhân nói về họa mi đều rất lạ lẫm và mới mẻ so với những gì chúng tôi đã biết về họa mi trước đây. Có lẽ ông thấu hiểu mọi đặc tính của loài họa mi  vì ông coi chúng như những người bạn, như con người vậy. “Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để luyện trí” - ông Triệu Hồng Tắc bảo - “Cả đời chơi chim họa mi đã từng đấu không biết bao nhiêu trận, lúc nào ông cũng coi những con chim như những người bạn tâm giao và nếu con chim của mình hay của đối thủ gục ngã đều khiến ông buồn lòng. Hỏi vế bí quyết để có những con chim họa mi chọi bách chiến bách thắng ông bảo có 2 điều quan trọng nhất là chọn chim và nuôi dưỡng chúng.

Để có được một con chim “máu chiến”, người chơi phải tuyển lựa từ khi chim còn non, phải trông tướng chim, bao gồm cả năm yếu tố là mỏ, mắt, đầu, chân, cánh. Họa mi có loại mắt màu xanh, màu đỏ, màu vàng nhạt và màu đục như nước vo gạo nhưng loại dữ nhất là loại có con mắt màu xanh, mỏ vàng quặp như búp đa, lông cánh đan thật khít, lông đuôi dây, nặng, chúc xuống như cái thìa. Khi xem chim thấy lỗ mũi thông từ bên này sang bên kia thì đó là con có giọng hót “miễn chê”. Việc nuôi chim, chăm sóc chim cũng phải rất cẩn thận. Ông Tắc thường xuyên bắt cào cào, châu chấu cho ăn, nếu sang hơn nữa thì cho chúng ăn ăn gạo rang trộn lòng đỏ trứng gà. “Điều cốt tử là hàng ngày phải cho chúng tắm rửa sạch sẽ. Ngoài ra để có con chọi hay còn phải tìm được con mái “ăn ý”, chính con mái lao vào tấn công đối phương, quyết một trận sống mái để lấy le với “người đẹp” - ông Tắc tâm sự - “Rồi đến việc phải luyện cho con chim dù nhốt lồng nào, mang đi đâu cũng vẫn sung thì phải làm sao cho nó coi cái lồng mới, nơi treo mới nào cũng như là ngôi nhà của nó chứ không phải chỗ ở trọ. Chuyện coi thần sắc con chim (kể cả xem kỹ phân chim) để biết lúc nào thì nó sẵn sàng cho thi đấu. Đem đi đấu không đúng lúc, một con mi hay có thể đấu rất dở. Rồi việc có nhất thiết phải ốp mi mái cho họa mi chọi hay không, làm sao chọn con mi chọi không cần ốp mái... 

“Tôi mua được trâu, được ngựa, xây được ngôi nhà, đi nay đây mai đó cũng nhờ tiền bán chim, đổi chim. Thậm chí lấy được vợ cũng nhờ tài chọi chim bất khả chiến bại. Ngày ấy, bà nhà tôi “ngất” lên “lịm” xuống vì tôi cũng vì phục những miếng đòn đánh hay tài tình của những con họa mi tôi huấn luyện. Nhưng cả đời tôi chưa bán chim đắt cho ai, mình bán chim vì đồng tiền một phần nhưng cái chính là để người ta biết yêu, biết quý trọng loài chim không chỉ có tiếng hót hay tuyệt vời mà còn vì chúng là những dũng sĩ của rừng xanh” - lão nghệ nhân già Triệu Hồng Tắc bộc bạch. 

Trong giới chơi chim vẫn hay truyền lại cho thế hệ tiếp nối câu nói: “Cuộc đời cũng giống như một hồi chuông, đánh càng mạnh thì tiếng vọng lại càng dữ dội”. Bởi thế nên mà mấy ai theo nghiệp chim trời cá nước mà đề cao tiền bạc. Và với lão nghệ nhân Triệu Hồng Tắc, gia sản lớn nhất được coi là “báu vật” với ông cũng chỉ là những chú họa mi - Thế mới hiểu vì sao người ta mới khẳng định rằng tình yêu của họa mi là bất diệt.