“Vua đá cảnh” phố Động

ANTĐ - Dọc theo Quốc lộ 21 từ Phủ Lý (Hà Nam) đi Nam Định, không khó để nhận ra con đường đá cảnh mang tên phố Động (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam), nơi nổi tiếng với những tác phẩm tạo hình từ đá tự nhiên. Từ xa, các thế đá nhấp nhô, đủ hình dáng. Nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú nhờ những hòn đá vô tri vô giác.

“Vua đá cảnh” phố Động  ảnh 1
Ông Nguyễn Cảnh Hưng, người được xưng tụng là “vua đá cảnh” bên những bằng khen, giấy khen
về những thành tích làm kinh tế giỏi, khuyến học, khuyến tài tại địa phương

Người thương binh đầy lòng nhân ái

Người được cả khu phố Động phong là “ông tổ” nghề đá cảnh hoặc “vua đá cảnh” là ông Nguyễn Cảnh Hưng, thương binh hạng 2/4. Khi xuất ngũ trở về địa phương với một bên chân 6 lần bị cưa, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, ông đã nghĩ đến việc trồng hoa tươi để bán khi được huyện cấp đất cho gia đình chính sách. Nhưng trong tâm niệm của người cựu chiến binh đó vẫn đau đáu ý tưởng tạo nên những sản phẩm có giá trị từ chính nguồn đá tự nhiên ở quê hương mình. Vậy là ông lặn lội vào rừng Bồng Lạng (Thanh Liêm), vào Thung Trứng (Kim Bảng)… tìm cây, tìm đá về mày mò chế tác. Những sản phẩm đầu tiên được bày ra không ngờ lại được khách hàng hỏi mua nhiều. Ông quyết tâm gây dựng nghiệp làm đá từ vốn liếng và kinh nghiệm ít ỏi đó.

Trước đây, việc khai thác đá đều là thủ công, những người thợ phải lặn lội cả ngày trên núi tìm những thế đá đẹp, rồi đem về nhà tự mày mò sáng tạo. Nói về sự kỳ công của việc chọn đá, ông Hưng chia sẻ: “Nguyên liệu phải là những viên đá mịn, nhẵn mặt và đặc biệt không bị rạn nứt”. Việc ghép đá cũng hết sức cẩn thận và tỉ mỉ, có  những phiến đá to khó ghép nên mọi người phải tập trung phối hợp với nhau,  “nhiều khi phải mất đến cả chục ngày chúng tôi mới xong một sản phẩm, mệt thật nhưng khi nhìn lại tảng đá ấy có hồn ai cũng thấy vui”, một công nhân làm tại xưởng nói. 

Trừ đi các khoản, trung bình tổng thu của gia đình ông xấp xỉ từ 350 đến 400 triệu đồng/ năm tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xã với mức lương trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. Không phụ công ông sau nhiều năm tìm tòi, lăn lộn, giờ đây ông Hưng đã sở hữu gần một nghìn dáng đá to nhỏ các loại. Không ngại ngần, ông còn nhiệt tình hướng dẫn và chỉ lại kĩ thuật làm đá cho nhiều gia đình trong xã, mở ra một nghề mới cho phố Động.

Không ngừng lại ở đó, ông thường xuyên đứng ra giúp đỡ những người nghèo, người già cô đơn không nơi nương tựa, hay động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập.

“Phố nghề”… đá cảnh
“Vua đá cảnh” phố Động  ảnh 2
Những căn nhà cao tầng mọc lên san sát ở phố Động 

(Thanh Liêm, Hà Nam) nhờ việc kinh doanh và buôn bán đá cảnh

Đến nay, trong số hơn 300 hộ dân của phố Động đã có phần nửa các gia đình làm nghề chế tác đá cây cảnh non bộ, chậu đá… Nhiều hộ đã chuyển nghề như ông Nguyễn Văn Nam, thương binh nặng, trước đi buôn phế liệu, giờ cả ba anh em ông đều là nghệ nhân làm đá và sinh vật cảnh. Ông Nguyễn Văn Hạnh, một người làm đá ở đây cho biết: “Số tiền thu lãi hàng năm không thể giúp làm giàu nhanh chóng nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông trước đây”.

Từ chỗ tìm đá thủ công, hiện nay nguồn đá được người dân đặt những nhà máy xi măng trong vùng cung cấp. Đá được cọ rửa, mài dũa theo nhiều công đoạn, nhiều tảng được khoan để gắn sắt, gắn xi măng thành khối. Bột đá tạo ra trong quá trình khoan tiếp tục được sử dụng để đổ khay, ang, chậu... Từ hòn đá vô tri, qua bàn tay con người đã biểu cảm biết bao tâm trạng có sầu có vui như hòn vọng phu, hòn mẫu tử... Hiện nay, nhiều gia đình ở phố Động đã có thể tự mua cần cẩu, ô tô riêng, mở rộng sản xuất. Sản phẩm từ đá đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách. Có người thích đá trơn, người thích đá hoa văn, nhiều người còn mua đá theo tuổi, phong thủy... Hàng năm, khu phố thường tổ chức các lớp tập huấn không chỉ bó hẹp trong vùng mà còn nhân rộng ra trong huyện, tỉnh để mọi người nắm được những kĩ thuật trồng các loại hoa, triết ghép tạo dáng cây cảnh, dựng non bộ và phòng trừ sâu bệnh…

Từ việc kinh doanh phát triển, những người làm đá ở đây đã thành lập hiệp hội nghề cho riêng mình. Việc giao dịch mua bán nguyên vật liệu đều do hội chủ động lo liệu và phân bổ cho các gia đình, do đó mà tránh được việc thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng được mở rộng hơn. Điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình đã ổn định hơn nhờ phát triển mô hình này với thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 150 đến 200 triệu đồng/ năm. Đó cũng là mô hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo cần được nhân rộng hơn nữa. Góp phần cùng nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, giúp cho một vùng quê khởi sắc đi lên.