Vụ Trưởng khoa Nhi bệnh viện Thường Tín gây chết người:Lần thứ 2 gây hậu quả

ANTĐ - Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 20-11 vừa qua, cháu Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong khi đến khám tại phòng khám tư Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn. Theo những thông tin mới nhất, đây không phải là lần đầu tiên có bệnh nhi tử vong khi đến khám tại đây…

Phòng khám Hương Sơn vẫn treo biển hoạt động dù đã bị đình chỉ nhiều lần

Mới bị xử phạt 17,5 triệu đồng

Ngày 25-11, ông Nguyễn Hữu Luân, Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín đã trao đổi với báo chí những thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc nói trên. Theo đó, trong bản tường trình của bác sĩ Phạm Anh Sơn, chiều 19-11, bác sĩ này đã tiêm cho bé Nguyễn Đình Quân 2 loại thuốc: Ceftriaxon 1g x 1 lọ tiêm tĩnh mạch (đã thử phản ứng) và Solumedrol 40mg x 1/2 ống tiêm tĩnh mạch chậm. Đến chiều 20-11, bác sĩ Sơn tiếp tục tiêm 2 lọ thuốc này cho bé Quân, sau đó bé đã tử vong. Bác sĩ Phạm Anh Sơn hiện là Trưởng khoa Nhi của BV Đa khoa huyện Thường Tín. Vị bác sĩ này đã mở phòng khám tư tại nhà và hành nghề nhiều năm nay nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên vị bác sĩ này có liên quan đến việc gây chết người khi hành nghề không phép.

Theo ông Nguyễn Hữu Luân, hồi giữa tháng 6-2013, một bệnh nhi bị viêm phổi vào khám tại phòng khám Hương Sơn, được bác sĩ Phạm Anh Sơn tiêm 2 lọ thuốc giống 2 lọ thuốc vừa tiêm cho bé Nguyễn Đình Quân, đồng thời cũng bán thuốc cho về nhà uống. Sau khi tiêm, cháu bé này có biểu hiện gặp phản ứng thuốc, được đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Thường Tín rồi tiếp tục chuyển lên BV Nhi Trung ương, sau đó tử vong tại BV này. Do gia đình nạn nhân không có khiếu kiện, không đồng ý mổ tử thi cháu bé nên cũng không có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến tử vong, vì thế vụ việc chỉ bị chuyển sang xử lý hành chính. Ngày 13-6, Phòng Y tế huyện Thường Tín đã đề xuất với UBND huyện ra quyết định xử phạt phòng khám này 17,5 triệu đồng do hành nghề không phép và đề nghị phòng khám phải đóng cửa.

Phía Sở Y tế Hà Nội cũng đã nhận được báo cáo về vụ việc tại phòng khám Hương Sơn hồi tháng 6 vừa qua song tất cả cũng chỉ là xử lý nội bộ trước khi vụ việc “chìm” đi. Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua báo cáo của BV Thường Tín thời điểm đó, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã ký cam kết với lãnh đạo BV không tiếp tục hành nghề khi chưa được cấp phép hoạt động theo đúng quy định. 

Tiếp tục sai phạm nghiêm trọng

Trên thực tế, bác sĩ Phạm Anh Sơn vẫn hành nghề tại phòng khám tư của mình. Vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi có bệnh nhi tử vong vào cuối tuần qua tại phòng khám chui này. Hiện tại, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã bị tạm đình chỉ 15 ngày để phục vụ công tác điều tra. Trả lời báo chí chiều 25-11, ông Nguyễn Văn Dung nhấn mạnh, việc một bác sĩ Trưởng khoa của một BV công hành nghề chui liên tiếp 2 lần gây hậu quả (chết người) nói trên là một sai phạm nghiêm trọng. Quan điểm của Sở Y tế là xử lý nghiêm theo quy định, sau khi có kết quả điều tra từ phía cơ quan công an về nguyên nhân tử vong của cháu bé Nguyễn Đình Quân. Dự kiến kết quả này sẽ có trong 2 tuần nữa.

Tương tự, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân – Sở Y tế Hà Nội khẳng định, ngay cả trong trường hợp phòng khám của bác sĩ Phạm Anh Sơn đã được cấp giấy phép hoạt động đi chăng nữa thì vị bác sĩ này cũng đã hành nghề quá phạm vi chuyên môn gây ra hậu quả trong 2 vụ việc vừa qua. Lý do vì các phòng khám chuyên khoa Nhi theo quy định chỉ được khám các bệnh thông thường, bác sĩ kê đơn không được bán thuốc, cũng không được tiêm cho bệnh nhân trừ trường hợp cấp cứu. Trong khi đó, ở cả vụ  tử vong của cháu bé hồi tháng 6 cũng như cháu bé Nguyễn Đình Quân mới đây, theo báo cáo thì bác sĩ Phạm Anh Sơn đều đã tiêm kháng sinh cho các bé tại phòng khám và bán thuốc cho bệnh nhân về nhà uống. Với lỗi vi phạm này, bác sĩ sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề và xử phạt, đình chỉ hoạt động.

Trước câu hỏi với những sai phạm nghiêm trọng liên tiếp như vậy, liệu bác sĩ Phạm Anh Sơn có bị đình chỉ hành nghề vĩnh viễn hay vẫn có cơ hội hoạt động trở lại trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, do trong quy định không có điều cụ thể về trường hợp này nên Sở sẽ báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến xử lý. 

Nộp hồ sơ nửa năm chưa được cấp phép

Một thông tin đáng chú ý từ Phòng Y tế huyện Thường Tín, sau vụ việc bị xử phạt hồi tháng 6-2013, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã nộp hồ sơ lên Sở Y tế xin cấp phép hoạt động phòng khám nhi tư. Nhưng đến nay, đã gần nửa năm mà phòng khám vẫn chưa được Sở Y tế cấp phép.