Vụ Ngân hàng Xây dựng: Rút hơn 5.000 tỷ không có chữ ký của chủ tài khoản?

ANTĐ - Ngày 20-7, buổi làm việc thứ hai xét xử “đại án” làm thất thoát hơn 9.000 tỷ tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần công bố cáo trạng. Cáo trạng này dài tới 123 trang.

Lập công ty “ma” để rút hàng chục tỷ đồng

Trong phần này cơ quan công tố cho biết, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank.

Trong khi đó ngân hàng này cũng đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát (thuộc Ngân hàng Nhà nước).

Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB, thực hiện các hành vi nhằm hỗ trợ cho ý định phạm tội của mình.

Bị cáo Phan Thành Mai - người đề xuất rút tiền thông qua nâng cấp hệ thống

Cụ thể, về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cáo trạng cho thấy vào khoảng tháng 5/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các đồng phạm tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, triển khai thực hiện khống để rút 63 tỷ đồng.

CoreBanking là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng, và thông qua đó, ngân hàng phát triển thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm và quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Theo đó bị cáo Danh đã nhờ Phạm Việt Thép đứng tên thành lập công ty An Phát, tuy nhiên sau khi thành lập công ty này không hoạt động và cũng không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.

Sau đó Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) đã hợp đồng với An Phát về việc cung cấp gói nâng cấp hệ thống CoreBanking trị giá 252 tỷ đồng, trong đó VNCB tạm ứng hai đợt với tổng giá trị 63 tỷ đồng.

Ngay sau khi VNCB chuyển tiền cho An Phát, Thép đã cho người đi rút tổng cộng 52,5 tỷ rồi chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo Danh. Ngoài ra Thép còn ký séc để một nhân viên đi rút 10,5 tỷ để chuyển vào tài khoản của Mai Hữu Khương, Phan Minh Tùng và Trần Anh Thi.

Nhận được tiền, bị cáo Danh đã dùng phần lớn để trả lãi vượt trần cho nhóm của Trần Ngọc Bích. Cho đến nay số tiền không thu hồi lại được.

Vay – trả, đáo nợ hàng chục nghìn tỷ đồng

Cũng theo cáo trạng được công bố, sau khi chi phối được VNCB bị cáo Danh thông qua Phạm Thị Trang (tên thường gọi là Trang “Phố Núi”, em ruột Phạm Việt Thép. Hiện Trang đã xuất cảnh ra nước ngoài) đã mời gọi ông Trần Quí Thanh, và con gái ông Thanh là bà Trần Ngọc Bích cùng một số người thân (nhóm Trần Ngọc Bích) gửi tiền vào VNBC.

Bị cáo Mai Hữu Khương

Trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 7/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNBC), Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn) lập hồ sơ cho nhóm Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này.

Sau khi hoàn thành thủ tục vay tiền, VNCB giải ngân và chuyển vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB Chi nhánh Sài Gòn.

Khi muốn vay tiền thì thông qua Phạm Thị Trang thỏa thuận, thống nhất với Trần Ngọc Bích việc điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định. Khi nào đến hạn trả nợ thì Trần Ngọc Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do Bích chỉ định.

Trong thời gian này, hai bên đã đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761 tỷ đồng, trong đó có 16.260 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh.

Sau khi nhận tiền, Danh sử dụng trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, chuyển lại cho Nhóm Trần Ngọc Bích 9.608 tỷ đồng để tất toán một số khoản vay trước đó, số còn lại được Danh chuyển qua nhiều tài khoản khác để trả nợ, đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân.

Tuy nhiên theo cáo trạng cho biết, trong các ngày 21 và 26/8/2013 có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong TK của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản là Trần Ngọc Bích, được chuyển đến các tài khoản của Phạm Công Danh.