Vỡ mộng vào rừng trúng trầm, đổi đời

ANTĐ - Sau nhiều năm “gắn bó” với rừng trầm nuôi mộng đổi đời, hiện nhiều nông dân ở xã Xuân Quang 1, đã giật mình tỉnh ngộ khi đàn gia súc, vật dụng trong gia đình “đội nón” ra đi. 
Vỡ mộng nghe theo “tiếng gọi” rừng trầm

Về xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) trong những ngày này, hình ảnh người người khăn gói lên rừng tìm trầm không còn náo động như những tháng trước đây. Trên các cánh đồng, hay khu vực trung tâm xã, mọi người tất bật, hăng hái lao động sản xuất, chăm sóc cây trồng.

Tuy nhiên, bên trong những ngôi nhà vẫn còn đó không khí u ám, buồn bã thể hiện trên nét mặt những người đàn bà vốn đã cơ cực, lại càng khốn khổ hơn vì các vật dụng, tài sản gia đình lần lượt “đội nón” ra đi. Chị Trương Thị Phương Yến, ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, nói trong phiền muộn: “Sau nhiều năm chắt chiu, dành tiền cho chồng con sắm chuyến đi trầm thất bại, giờ còn đàn heo 7 con và 1 con bò nghé trị giá hơn 25 triệu cũng “chắp cánh” bay cách đây vài hôm”.

Vì nghe theo “tiếng gọi” của rừng trầm, chồng chị Yến, anh Nguyễn Thái Hùng cùng 3 người con “mai phục” tại rừng Phú Mỡ có đến hơn 10 năm để tìm trầm,  trầm đâu không thấy mà thân hình anh Hùng ngày càng gầy guộc, đôi bàn tay sạm đen, chai sạn. Anh Hùng tâm sự: “Đã đi được gần 40 chuyến, năm thì mười họa mới trúng một lần nhưng cũng chỉ đủ để sắm chuyến đi sau. Biết rằng tiền thu vào không bao giờ bằng đồng tiền bỏ ra, nhưng lỡ “đâm lao phải theo lao” chứ nào đâu muốn vậy”.

Anh Hùng cho biết thêm, mỗi chuyến đi kéo dài 1 tuần, mỗi người phải bỏ một khoản phí tổn không dưới 500.000 đồng, tuy nhiên trên 80% người đi trầm đều thua lỗ. Chỉ thương vợ, sớm hôm lặn lội cắt từng bó rau muống, quần quật với đàn heo, giờ cũng theo trầm biến mất.

Anh Minh đang sửa chữa lại máy cày để cày thuê

Bi đát hơn, chiếc máy cày trị giá gần 100 triệu đồng của gia đình anh Trần Quang Minh cũng ở thôn Kỳ Lộ, đứng bánh và có nguy cơ hư hỏng do không hoạt động trong thời gian dài. Xưởng xẻ gỗ, từng là nguồn thu nhập phục vụ chi tiêu hàng ngày của gia đình cũng ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay.

Anh Minh bộc bạch: “Nghe đồn nhiều người trúng đậm, 4 cha con tôi bỏ luôn máy cày, nương rẫy đùm túm lên rừng tìm kiếm vận may. Đã đi hàng chục chuyến, mỗi chuyến mất ít nhất 2 triệu đồng, nhưng duy nhất chỉ một lần trúng được 1,5 triệu đồng vào cuối năm 2010. Từ khi nuôi mộng theo trầm đến nay thiệt hại hơn 20 triệu đồng, đó là chưa nói những khoản thất thoát từ việc cày thuê và rương rẫy. Từ nay tới già, xin được nói lời chia tay với rừng trầm”.

Nỗ lực khôi phục sản xuất

Sau nhiều năm đeo đuổi tìm trầm, hiện kinh tế nhiều hộ gia đình ở các xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) lâm vào cảnh túng quẫn, kiệt quệ. Một số hộ đã nhận thấy được hậu quả, chú tâm lao động, phục hồi sản xuất nhưng gặp phải không ít khó khăn do thiếu vốn. Quay trở lại với chị Trương Thị Phương Yến, được chị cho biết: sau nhiều tháng chuồng trại trống rỗng, tôi vừa góp tiền mua được 2 con heo trị giá hơn 3 triệu đồng để gây dựng lại, hy vọng heo chóng lớn, gỡ gạc phần nào thiệt hại do đeo đuổi trầm nhiều năm. Còn chồng tôi phải đi làm thuê cho một xưởng xẻ gỗ gần nhà kiếm ngày công lao động duy trì cuộc sống.

Chị Yến đang gầy dựng lại đàn heo sau một thời gian dài
trống chuồng do chồng con đi trầm

Còn gia đình anh Trần Quang Minh phải bán đổ bán tháo bộ ghế với giá 19 triệu đồng và một con bò được 18 triệu đồng lấy tiền khôi phục xưởng cưa, sửa chữa máy cày để tái sản xuất nương rẫy. Theo anh Minh, bình thường thu nhập từ cày máy thuê không dưới 40 triệu đồng/vụ; xẻ gia công gỗ cũng được hơn 10 triệu đồng/năm, đó là chưa nói đến khoản thu nhập từ sản xuất nương rẫy. Để khôi phục lại toàn bộ, phải vay mượn thêm ít nhất 20 triệu đồng.

Xưởng cưa gia công của gia đình anh Minh đã hoạt động trở lại

Ông Nguyễn Duy Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, toàn xã có 5 thôn buôn, trên 1.000 hộ, với hơn 4.800 nhân khẩu. Lúc cao điểm, có từ 50 – 60% số hộ đi tìm trầm, chủ yếu là ở các thôn Kỳ Lộ, Đồng Hậu và Suối Cối 1. Qua phối hợp truy quét, tuyên truyền, vận động, hiện lượng người đi trầm đã giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, số hộ bị thiệt hại về kinh tế là chưa thể thống kê được. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên vận động bà con trong các buổi họp thôn buôn, không nên nhất thời hám lợi hão huyền, chăm lo phát triển sản xuất, tái ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, ông Võ Cao Phi cho biết thêm, tuy lượng người đi trầm có giảm, song vẫn duy trì tổ công tác gồm: Lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, BQL rừng phòng hộ và các địa phương liên quan, cắm chốt 24/24 trên các tuyến đường, ngăn chặn mọi hoạt động ra vào rừng trái phép thuộc địa bàn xã Phú Mỡ. Đồng thời tiếp tục triển khai truy quét đợt 4, sớm chấm dứt tình trạng người dân đổ xô vào rừng đào bới đất tìm trầm.