"Vỡ" chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông

ANTD.VN - Trong tháng 11-2016, TNGT trên địa bàn cả nước tăng đột biến trên cả 3 tiêu chí. Dù nhiều giải pháp đã được triển khai và thực thi nhưng TNGT vẫn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp khi mà chỉ tiêu về giảm số người chết không đạt được như Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra mổ xẻ.

"Vỡ" chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông ảnh 1Tai nạn giao thông tăng đột biến trong tháng 11 vừa qua

Tăng đột biến trong tháng 11

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nhìn nhận, tình hình trật tự ATGT trong tháng 11 có chiều hướng diễn biến phức tạp với 2.180 vụ TNGT, làm chết 787 người, bị thương 1.965 người. So với tháng 10-2016 tăng 342 vụ (18,6%), tăng 107 người chết (15,7%) và 219 người bị thương (12,5%). Như vậy, trong 11 tháng của năm (tính từ ngày 16-12-2015 đến 15-11-2016), toàn quốc xảy ra 19.429 vụ TNGT, làm chết 7.907 người, bị thương 17.184 người.

Ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: “Tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải lại tăng một số tiêu chí. Đặc biệt, xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người liên quan đến môtô, xe máy, xe ôtô dưới 9 chỗ, phương tiện thuỷ dân sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM luôn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn phức tạp, đặc biệt về cuối năm.

Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), xe điện gắn động cơ xăng chạy trong khu vực hạn chế nhưng nhiều người nhập xe có kết cấu khung, gầm, động cơ khác so với thiết kế ban đầu; không có mui xe, dây bảo hiểm, chở trên 10 người nên rất dễ gây TNGT. Thậm chí, loại xe này còn ngang nhiên hoạt động ngoài vùng được cấp phép, quy định.

Trong khi đó, Chính phủ đang cho một số tỉnh, thành phố nhập loại xe điện 4 bánh chở người về chạy du lịch thí điểm. Do vậy, Cục CSGT kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại việc cấp phép và phát triển loại phương tiện này. Tại các địa phương đang được thí điểm chở khách ở khu du lịch cũng cần siết chặt, không để loại xe này chở khách chạy trên đường giao thông. Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đồng tình với kiến nghị của Cục CSGT và cho biết, ngay trên địa bàn Hà Nội, dù xe điện 4 bánh chở người mới được cho phép thí điểm chở khách du lịch, có cung đường hoạt động nhưng vẫn chạy tràn ra đường, bắt và trả khách ở khắp nơi.

Không xử lý được vì “quan hệ”

Một trong những bất cập nữa là tình trạng đào tạo, cấp và tước bằng lái xe khi lái xe vi phạm. Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho hay, hiện nay số lượng lái xe bị tước GPLX rất nhiều, lên tới hàng triệu chiếc. Nhưng có nhiều trường hợp, CSGT thì thu giữ bằng lái xe do vi phạm, nhưng người dân lại báo mất bằng lái xe để được các Sở GTVT cấp lại. Vô hình trung, một người có 2-3 bằng lái xe, rất khó quản lý và khiến việc xử phạt mất tính nghiêm minh. 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, câu chuyện xử lý vi phạm qua bằng lái xe vẫn tồn tại kiểu “một ông thu, một ông cấp” mà không có sự kết nối. “Rồi hệ thống biển báo trên đường quốc lộ, trên đường cao tốc phải có tiêu chuẩn cụ thể, có quy định về cự ly như thế nào để không dẫn đến việc xe chạy lùi trên đường cao tốc”, ông Trương Quang Nghĩa bày tỏ.

Một vấn đề nữa gây nhức nhối trong đảm bảo trật tự ATGT là tình trạng xe quá tải có xu hướng hoạt động mạnh trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có 31 tỉnh, thành phố bỏ trạm kiểm soát tải trọng lưu động. “Có một thực tế tồn tại ở nhiều địa phương, là thanh tra Sở GTVT không xử lý được xe quá tải trên địa bàn của mình vì “lằng nhằng nhiều mối quan hệ”, chỉ khi lực lượng của Tổng cục Đường bộ vào cuộc thì mới xử lý được”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thông tin.

Theo đó, đến nay vẫn có khoảng 10% lượng xe chở quá tải, xe cơi nới thùng hoạt động nhưng khó dẹp. “Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tải trọng xe làm cương quyết, kéo giảm xuống ở mức 10% số lượng xe quá tải. Tuy nhiên, 10% còn lại là vô cùng khó khăn. Nếu thực sự các địa phương không vào cuộc quyết liệt thì khó kéo giảm. Nhiều địa phương mong liên ngành xuống làm vì ở dưới “vướng víu” các mối quan hệ, chưa nói đến tiêu cực trong công tác kiểm soát”, ông Trương Quang Nghĩa cho hay.