Vinh dự và trọng trách nặng nề của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

ANTD.VN - Làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách nặng nề với Việt Nam khi phải tham gia vào công việc tại cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên hợp quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay.

Vinh dự và trọng trách nặng nề của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Đại diện các quốc gia chúc mừng Việt Nam ngay sau khi được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục và gần như tuyệt đối 192/193

Thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Cách đây hơn 6 tháng, ngày 7-6-2019, việc Việt Nam trúng cử làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193, cao nhất từ trước tới nay trong các lần bầu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, đã cho thấy uy tín của Việt Nam cũng như sự tín nhiệm của các quốc gia thành viên tổ chức lớn nhất hành tinh này đối với chúng ta. Tín nhiệm giao phó trọng trách cho Việt Nam đã thể hiện sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam không những có truyền thống trong quá khứ về đấu tranh vì những mục tiêu của Liên hợp quốc là nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, độc lập dân tộc, mà còn là sự nhìn nhận về nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập, thúc đẩy quan hệ quốc tế, về đường lối đối ngoại của Việt Nam theo hướng ủng hộ những vấn đề chung được cộng đồng quốc tế quan tâm.  

Sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với Việt Nam không phải tự nhiên mà có. Trước hết là những nỗ lực, đóng góp bền bỉ của chúng ta vào  các công việc chung của thế giới, của tổ chức Liên hợp quốc, của những nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh… Trong đó, Việt Nam ngay lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại những dấu ấn. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên Liên hợp quốc để xây dựng Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an thực chất, toàn diện hơn. Sáng kiến này được các nước đánh giá cao và tiếp tục áp dụng thực hiện trong những năm sau đó. Việt Nam cũng đã có một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng Bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia và biểu quyết tại Hội đồng Bảo an về các vấn đề chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp… đã góp phần bảo đảm lập trường nguyên tắc cũng như các lợi ích quốc gia. 

Bên cạnh nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam còn tham gia nhiều ủy ban, cơ quan và các công việc chung khác của Liên hợp quốc, trong đó có tham gia vào Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban của LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL)… Đặc biệt, Việt Nam từ năm 2018 đã lần đầu tiên cử các quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Nam Sudan đồng thời tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình với việc sẵn sàng cử đội công binh tham gia lực lượng này. 

Tất cả những nỗ lực trên của Việt Nam là bằng chứng thể hiện rất rõ ràng cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong hòa nhập với cộng đồng quốc tế như là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn phấn đấu cho các mục tiêu cao cả. Đó chính là cơ sở để các thành viên Liên hợp quốc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối.

Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng bảo an ngay trong tháng 1-2020

Vinh dự và trách nhiệm càng thêm lớn với Việt Nam khi vừa đảm đương nhiệm vụ được 193 thành viên Liên hợp quốc tin cậy giao phó làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an từ ngày 1-1-2020, chúng ta đã lập tức đảm đương trọng trách Chủ tịch luân phiên của cơ quan quan trọng nhất này của tổ chức Liên hợp quốc theo thứ tự   alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên. Theo quy tắc về tổ chức của Hội đồng Bảo an, vai trò của Chủ tịch Hội đồng Bảo an bao gồm triệu tập cuộc họp của hội đồng, chấp thuận nghị trình dự kiến của cuộc họp, chủ trì cuộc họp, đại diện cho hội đồng trước Liên hợp quốc. Cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an bất cứ lúc nào cũng có thể đưa những đề xuất, sáng kiến, nhằm tìm kiếm biện pháp hóa giải xung đột giữa các bên, ngăn ngừa, giảm bớt phức tạp, duy trì an ninh trên toàn cầu… và nước Chủ tịch phải dẫn dắt công việc của cơ quan này sao cho hài hòa và hiệu quả.

Với hàng loạt vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh, hàng loạt điểm nóng xung đột hiện nay với những lợi ích đan xen, giằng xéo giữa các quốc gia… khối lượng công việc mà Hội đồng Bảo an phải xem xét, xử lý là rất lớn và khẩn trương. Tại cuộc họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 12-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, trong chương trình nghị sự khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an, trong đó có cuộc thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của tổ chức khu vực trong hợp tác với Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam cũng sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan của Iraq, một số vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông, hoạt động của Lebanon...

Như vậy, chỉ sau 6 tháng trúng cử, Việt Nam chỉ còn hơn nửa tháng nữa là bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với trách nhiệm nặng nề của Chủ tịch cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, với trách nhiệm cũng như trải qua một nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 thành công, chúng ta tự tin hoàn thành tốt trọng trách của mình, đáp ứng sự trông đợi và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước

Việt Nam đảm đương trách nhiệm Ủy viên Hội đồng Bảo an trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường như quan hệ giữa các nước lớn đang chia rẽ ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa đa phương gặp thách thức chưa từng có, xung đột ở nhiều khu vực,chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hành động đơn phương, xu hướng muốn đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực gia tăng... Song dù tình hình thế giới có biến động thế nào thì chúng ta vẫn kiên trì mục đích xuyên suốt tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam là xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực. 

Việt Nam sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để đóng góp vào Hội đồng Bảo an dựa trên cơ sở là những chương trình nghị sự của Hội đồng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong đó, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và xây dựng. Việt Nam không có chủ trương phát triển vũ khí hàng loạt, Việt Nam chống khủng bố dưới mọi hình thức và mong muốn giải quyết các căng thẳng, bất đồng quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. 

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nêu rõ: “Việt Nam rất mong muốn có hòa bình, phấn đấu vì hòa bình. Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ góp phần vào phát huy vai trò của Hội đồng, để tạo môi trường thuận lợi, quốc tế, khu vực hòa bình, ổn định hơn, điều này sẽ rất thuận lợi cho phát triển của Việt Nam... Qua đó, Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương, quan hệ với các tổ chức, khu vực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo điều kiện giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về thành tựu, năng lực của Việt Nam, vị thế quốc tế, tạo niềm tin trong cán bộ, nhân dân về đường hướng đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.