Vinalines "cậy" đến lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ

ANTĐ - Sau khi nhờ lực lượng phòng vệ Nhật Bản dùng trực thăng tìm kiếm thất bại, Vinalines đã phải nhờ phía Mỹ hỗ trợ thiết bị cho chương trình tìm kiếm 22 thủy thủ mất tích cùng tàu Vinalines Queen.

Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng trở về từ Con tàu Vinalines Queen
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng trở về từ Con tàu Vinalines Queen.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) cho biết: Sau chuyến bay tìm kiếm 22 thủy thủ mất tích trên tàu Vinalines Queen không có kết quả, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã dừng tìm kiếm bằng phương tiện chuyên dụng.

Việc tìm kiếm được triển khai trên vùng biển rộng lớn, và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không phát hiện thấy các thủy thủ cũng như dấu vết liên quan đến tàu Vinalines Queen.

Phía Nhật Bản đã liên lạc với Việt Nam MRCC cho biết: Lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản đã thực hiện bay tìm kiếm nhưng không phát hiện dấu hiệu nào của các thủy thủ và tàu Vinalines Queen. Đây được coi là nỗ lực cuối cùng của các cơ quan tìm kiếm cứu nạn đối với 22 thuỷ thủ mất tích.

Chiều ngày 8-1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Việt Nam MRCC nói: "Sau khi nhờ Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dùng máy bay trực thăng tìm kiếm không mang lại hiệu quả. Chúng tôi đã nhờ đến Lực lượng phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ, dùng Chương trình quản lý tàu thuyền (Amver) hỗ trợ kỹ thuật, quan sát cảnh giới, cung cấp thông tin cho chúng tôi trong quá trình tìm kiếm".

"Đồng thời, chúng tôi cũng nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ về thiết bị tăng cường liên lạc với tất cả các tàu thuyền qua lại trong khu vực mà con tàu Vianlines Qeen bị chìm để phát hiện những vật thể và những thủy thủ liên quan đến tàu bị chìm mang theo 22 thủy thủ", ông Vũ nói.

Căn cứ thông tin từ thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người sống sót trở về Việt Nam ngày 4-1 từ con tàu Vianlines Queen nói, trước khi tàu Vinalines Queen bị chìm, các thủy thủ đã mặc quần áo chống mất nhiệt và áo phao.

Căn cứ vào thông tin này, Lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản nhận định: Nếu các thủy thủ vẫn sống sót, có thể sẽ trôi dạt lên đảo trong số bảy đảo san hô thuộc vùng biển đảo Luzon. Hòn đảo gần nơi tàu gặp nạn nhất khoảng cách 167 km, nên Lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản quyết định dừng dùng phương tiện máy bay tìm kiếm ngoài biển.

Các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines sẽ ra thông báo tìm kiếm và phát tới các tàu, thuyền hoạt động trong khu vực.

Trước đó, ngày 5-1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã trực tiếp tới Đại sứ quán Nhật Bản chính thức trao công hàm đề nghị Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam tiếp tục tìm kiếm 22 thủy thủ trên chuyến tàu Vinalines Queen trong vùng tìm kiếm cứu nạn của Nhật Bản.