Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam

ANTĐ -52 kỷ lục Việt Nam này được ghi nhận và xác lập từ tháng 1-10/2011. 

1. CÔNG TRÌNH DỊCH THUẬT, HIỆU ĐÍNH VÀ CHÚ GIẢI SÁCH CHỮ HÁN CỔ LỚN NHẤT DO MỘT NGƯỜI THỰC HIỆN

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 1

Lê Quý Đôn tuyển tập trọn bộ 8 tập dày hơn 5.000 trang cân nặng 10kg (mỗi tập có khổ 16 x 24cm). Bộ sách được Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cân nhắc dịch thuật, hiệu đính, chú giải một cách cẩn thận, công phu từ năm 2007 đến 2008.

Bộ sách gồm các tác phẩm sau của Lê Quý Đôn (1726-1784): Đại Việt Thông SửPhủ Biên Tạp LụcKiến Văn Tiểu LụcVân Đoài Loại Ngữ. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho biết: Nếu ông không phải là người đang có may mắn sở hữu cả một kho thư tịch cổ lớn, ông sẽ không thể nào dám dịch và nhất là dám tiến hành chú giải. Lê Quý Đôn tuyển tập do NXB Giáo Dục xuất bản từ tháng 9.2007 đến tháng 8.2010.

2. CÔNG TRÌNH LỚN NHẤT VỀ LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM DO MỘT NGƯỜI BIÊN SOẠN

Bộ sách Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam được Nhà Sử học Nguyễn Khắc Thuần biên soạn từ năm 1998 đến năm 2005, gồm 5 tập dày 2.000 trang do NXB Giáo Dục in và xuất bản. Đây là bộ sách về lịch sử văn hóa Việt Nam do một người biên soạn khảo cứu công phu vì chứa đựng khối lượng thông tin phong phú với những yếu tố quan trọng làm cơ sở xây dựng nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Ở đây, tác giả cho thấy thành tố nội sinh quan trọng nhất chính là chủ nghĩa yêu nước, ngỡ như vô hình nhưng lại hiện hữu khắp mọi nơi, mọi thời và mọi thế hệ.

3. TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG NHIỀU BỘ GIA PHẢ NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 2

Từ năm 1992 đến năm 2010, Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã đến các chi họ ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng trên 100 bộ gia phả. Mỗi bộ có độ dày từ 100 đến 300 trang khổ A4. Đó là các bộ gia phả của các chi họ ở Việt Nam. Qua việc làm này phục hồi ngành gia phả và góp phần xây dựng dòng họ văn hóa.

4. NGƯỜI SƯU TẦM CHÂN DUNG VÀ BÚT TÍCH CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM NHIỀU NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 3

Ông bà Trần Thanh Phương và  Phan Thu Hương từ năm 1976 đến nay (2011) đã sưu tầm 700 chân dung và bút tích gốc các nhà văn Việt Nam. Đó là các nhà văn Phạm Huy Thông, Huy Cận, Hữu Chỉnh, Nguyễn Tuân, Đoàn Giỏi, Chế Lan Viên, Thép Mới, Nguyễn Ngọc Tư... Cuốn sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam tập 1, 2 được nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành.

5. NGƯỜI SỞ HỮU THƠ THIỀN VỀ NÚI YÊN TỬ NHIỀU NHẤT

Thi Vân Yên Tử của nhà thơ Hoàng Quang Thuận tích hợp từ 2 tập thơ Thi Vân Yên Tử và Ngọa Vân Yên Tử, gồm 143 bài thơ. Qua những dòng thơ này, người đọc vừa nhìn thấy phong cảnh đẹp, đặc sắc của vùng núi thiêng Yên Tử, vừa theo dõi những chặng đường mà vua Trần Nhân Tông đã đi qua để xây dựng Thiến Phái Trúc Lâm của Việt Nam cách đây trên 700 năm. Tập thơ in bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp. Có thể xem đây là tập thơ viết về Yên Tử một cách hệ thống và phong phú. Tập thơ Thi Vân Yên Tử do NXB Giáo Dục ấn hành tháng 9.2011.

6. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - HỒ CHÍ MINH CON ĐƯỜNG CÓ ĐỘ CAO, CAO NHẤT VÀ ĐỘ DÀI, DÀI NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 4

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh nằm trên dãy Trường Sơn. Dãy núi này kéo dài qua lãnh thổ ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng tại Việt Nam, đỉnh cao nhất là 2178 m. Những con đường trên dãy Trường Sơn được khai phá vào các thời vua như Lê Đại Hành (thế kỷ 10), Quang Trung (thế kỷ 18), Hàm Nghi (cuối thế kỷ 19)... Nhưng đặc biệt nhất là thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đường Trường Sơn được mở nhiều ở phía Bắc và các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam Quảng Ngãi... kể từ tháng 2 năm 1942 đến đầu năm 1945.

Cuối năm 1947, Uỷ ban kháng chiến Trung bộ cho xoi đường lên Tây Nguyên và xoi đường Trường Sơn Ninh Thuận, Bình Thuận-Miền Đông Nam Bộ. Trước ngày mở chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đường Trương Sơn có 6 trục dọc với tổng chiều dài la 7710 km + 5980 km đường ngang và 5020 km đường vòng tránh. Tổng cộng đường Trường sơn có độ dài 18.710 km 

Năm 1973, đường vận tải Trường Sơn chính thức được Trung ương Đảng Cộng Sản  Việt Nam đổi tên là ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH.

7. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - HỒ CHÍ MINH NƠI CÓ NHIỆT ĐỘ THẤP NHẤT, LƯỢNG MƯA NHIỀU NHẤT, ĐỘ BỐC HƠI ÍT NHẤT

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh ở độ cao 1.000m - 1.800m mang tính chất khí hậu "á nhiệt đới điển hình". Ở đây nhiệt độ trung bình dưới 13 độ C, tháng lạnh nhất 3 - 6 độ C, tháng nóng nhất cũng chỉ 14 độ C. Lượng mưa hàng năm khoảng 2500mm và lượng bốc hơi không quá 500mm. Đường Hồ Chí Minh quanh năm có mây mù che phủ, do đó mặt đường đất luôn luôn ẩm ướt, trơn trượt rất khó khăn cho di chuyển bằng xe hoặc đi bộ khi leo và tuột dốc

Hàng năm, mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 (dương lịch). Trời mưa như trút nước, tới 300 - 400mm/ngày. Tháng 7 thường có lũ lớn làm tắt nghẽn giao thông, đến cuối tháng 9 mới ngớt mưa, hết lũ. Và đầu tháng 11 chuyển sang mùa khô kéo dài hơn 6 tháng.

8. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - HỒ CHÍ MINH CON ĐƯỜNG "CÓ MỘT KHÔNG HAI" ĐƯỢC BÁO CHÍ, VĂN, THƠ, ÂM NHẠC TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC NÓI ĐẾN NHIỀU NHẤT

Có 105 chính khách gồm các nhà văn, sử gia, giáo sư, tiến sĩ khoa học, luật gia, tiến sĩ xã hội học, nhà báo, nhân chủng học... phương Tây đã nói nhiều về con đường "mòn Hồ Chí Minh" (đường Trường Sơn).

Các nhà xuất bản lớn trên thế giới đã phát hành hàng trăm tác phẩm nói về cuộc chiến tranh Việt Nam với con đường "mòn" huyền thoại, rất nhiều tờ báo, tạp chí ;ớn ở phương Tây đã đăng tải những thiên phóng sự nói về hoạt động ngăn chận con đường "mòn" ở Việt Nam của Mỹ bị thất bại. Sự tàn phá con đường vô cùng khốc liệt nhưng tất cả đều vô vọng trước sức bền bỉ lạ lùng của nó.

Tại Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt xảy ra ở đường Trường Sơn, hàng ngàn bài báo, bài thơ, truyện ngắn, truyện dài... Hàng chục ca khúc nổi tiếng viết về con đường này  để ca ngợi sức chiến đấu kiên cường, bền bỉ... quyết giành thắng lợi của quân và dân Việt Nam.

9. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - HỒ CHÍ MINH CON ĐƯỜNG GIỮ VAI TRÒ CHIẾN LƯỢC TRỌNG YẾU NHẤT TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC

Là một công trường lao động vĩ đại, một chiến trường tổng hợp đánh bại cuộc chiến tranh dài ngày ác liệt nhất với vũ khí hiện đại nhất. Hoàn thành 3 nhiệm vụ chiến lược, góp phần có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước. Vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam phát động mọi lực lượng trên tuyến đều là lực lượng chiến đấu chống địch. Đã có trên 4 vạn công binh, TNXP... đào đắp trên 28 triệu m3 đất đai kiến thiết một hệ thống cầu đường gần 20.000km đường ô tô, 500km đường sông, 1.400km đường ống xăng dầu... như trận đồ bát quái xuyên rừng núi,

Từ đó, chi viện 1,3 triệu tấn vũ khí, vật chất thiết yếu, đưa trên 2 triệu lượt người chi viện cho Miền Nam. Cơ động 3 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn, gồm lực lượng binh khí kỹ thuật: xe tăng, pháo binh hạng nặng, tên lửa, xe máy công trình...  Căn cứ chiến lược trực tiếp của 3 chiến trường Miền Nam, đông bắc Campuchia, Hạ Lào. 

10. ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - HỒ CHÍ MINH CON ĐƯỜNG THỰC HIỆN MỆNH LỆNH THẦN TỐC, TÁO BẠO NHẤT ĐỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC

Nhận rò đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch của cách mạng Việt Nam, đối phương tập trung đánh phá ngăn chặn quyết liệt. Chúng tập trung 70% lực lượng phương tiện vũ khí kỹ thuật hiện đại. Nơi đây đã có 111.135 trận không kích, kể cả B 52, 1.263 cuốc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao như điện tử, tự động hóa, hóa học, vi trùng với các loại vũ khí như bom lade, cây nhiệt đới, bom từ trường, máy phát hiện mục tiêu khuếch đại ánh sáng mờ, tia hồng ngoại.

Nêu cao tư tưởng cách mạng tiến công, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống gần hai vạn tên địch, bắn rơi 2.458 máy bay các loại. Bảo đảm giao thông thông suốt, làm thất bại thủ đoạn ngăn chặn của địch. Với khẩu hiệu chiến đấu: Nhằm thẳng quân thù, bắn, quay nòng pháo theo bánh xe lăn; Máu có thể đổ, đường không tắc; Còn người, còn xe, còn hàng; Tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Hồ Chí Minh, như Đại tường Võ Nguyên Giáp nhận định, đã bảo đảm cho đại quân cả bộ binh và binh khí kỹ thuật nặng, bí mật bất ngờ từ Bắc tiến vào Nam, tạo ưu thế đột biến của đòn chiến lược quyết định 

11. NHÀ VĂN ĐẦU TIÊN VIẾT BẰNG CHÂN

Ông Nguyễn Ngọc Ký, quê ở Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định, năm 4 tuổi, một cơn bệnh khiến bị liệt cả hai tay. 7 tuổi đi học ông dùng chân để viết. Cuốn tự truyện Những nămtháng không thể nào quên (sau taí bản nhiểu lần đổi tên thành Tôi đi học) viết khi ông là sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội được NXB Kim Đồng ấn hành tháng 6.1970. Trong suốt 35 năm gắn bó với bục giảng, thầy Nguyễn Ngọc Ký vừa dạy học vừa viết văn làm thơ. Đến nay, ông đã có 22 tác phẩm đã xuất bản, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Ngày 12.01.2006, ông được kết nạp là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

12. NHÀ THƠ NỮ CÓ THƠ IN TRÊN LỊCH NHIỀU NHẤT

Năm 2004, bài thơ Còn gặp nhau của Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã được Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News in trên lịch 7 tờ với thư họa của họa sĩ Vũ Hối. Vào mỗi dịp đầu xuân, Trí Việt lại "đưa" thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lên lịch và đều do nhà xuất bản Trẻ cấp giấy phép xuất bản. Các công ty như Công ty văn hóa Hương Trang, Công ty An Hảo, Công ty TNHH một thành viên 789 (Bộ Quốc Phòng)... đã in Còn gặp nhau, Hãy cho nhaucùng những bài thơ khác của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lên các cuốn lịch Bloc, lịch 7 tờ, lịch năm, lịch để bàn, Agenda... phát hành rộng rãi trong nước, thông qua các nhà xuất bản Trẻ, Văn Nghệ, Hội Nhà văn... Ngoài ra, còn nhiều nơi in thơ bà trên lịch.

13. "VIỆT NAM - NHỮNG NẺO ĐƯỜNG" - CUỐN SÁCH ẢNH NHỎ NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 5

Đó là sách ảnh Việt Nam - Những nẻo đường. Sách dày 520 trang in ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp với 2 loại ấn bản: khổ lớn và khổ nhỏ. Khổ lớn kích thước 28 x 28cm, dày 4,5cm và khổ nhỏ 6 x 6cm, dày 3,5cm. Cuốn sách khổ nhỏ rất thích hợp với du khách nước ngoài ưa thích vì nhỏ gọn, ấn loát trang nhã, đẹp mắt. Cuốn sách như một hướng dẫn giới thiệu con người, văn hóa Việt Nam đồng thời như một vật lưu niệm.

14. NGHỆ NHÂN THÊU TAY BÀI THƠ "CÁO TẬT THỊ CHÚNG" BẰNG NHIỀU NGÔN NGỮ NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 6

Ông tên là Lê Văn Kinh, Nghệ nhân dân gian, năm nay 80 tuổi. Từ tháng 4.2005 ông bắt tay vào thực hiện và hoàn tất tháng 6.2011. Ông thêu 21 tranh thơ dựa vào bài thơ Cáo Tật Thị Chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác Thiền Sư với 18 ngôn ngữ: Việt (2 tranh), Hàn - Triều (2 tranh), Nhật (2 tranh), Các tiếng sau đều 1 tranh: Nga, Hoa, Đức, Pháp, Anh, Ý, Thái Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Campuchia, Tây Ban Nha, Ba Lan, Lào, Do Thái, Hungary. Mỗi bài trên một bức tranh có nền tranh 0,64m x 0,40m (nếu kể cả bì lụa gấm có kích cỡ 0,72m x 0,48m) đặt trong một khung gỗ 0,82m x 0,58m.

15. NỮ HỌA SĨ VẼ TRANH LỤA VỀ TRUYỆN KIỀU NHIỀU NHẤT

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 7

Họa sĩ Ngoc Mai đã "sống cùng nàng Kiều" trong 12 năm (từ 1999 đến 2011), với những khúc quanh nhiều cay đắng, có lúc cũng ngọt ngào của Thúy Kiều trong 28 bức tranh. Bộ tranh lụa Kiều được thể hiện trên chất liệu lụa Hà Đông, vẽ bằng màu nước, kích cỡ từng bức 60cm x 85cm.

Họa sĩ Ngọc Mai đã triển lãm bộ tranh nầy tại Nhà Trưng bày triển lãm thành phố Hồ Chí Minh từ 17.09 đến 26.09.2011, chị đã nhận đươc  nhiều sự khen ngợi từ báo chí và giới thưởng lãm trong và ngoài nước.

16. TÂN KINH CA - TÁC PHẨM ĐẦU TIÊN THI HÓA KINH THÁNH TÂN ƯỚC

Ông Trần Lưu Nguyễn (tên thật Ngô Văn Vệ) nguyên là giáo viên tại một số trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã dựa vào Kinh Thánh Tân Ước và sử dụng nghệ thuật thơ ca để thi hóa tác phẩm này. Ông đã dùng các thể thơ như thơ mới, lục bát, song thất lục bát, năm chữ, bốn chữ,... để thể hiện. viết từ ngày 8.3 đến ngày 8.8.2010. Sau khi hoàn thành, tác phẩm được đặt tên là Tân Kinh Ca. Tác phẩm chia thành 157 khổ thơ, diễn tả lại cuộc đời của Chúa Giêsu từ lúc sinh ra đến khi đi rao giảng và bị đóng đinh trên thập tự giá.

17. NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN SỬ DỤNG XE CHALY ĐI KHẮP 63 TỈNH THÀNH KÝ HỌA CHÂN DUNG CÁC MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG

Vietkings công bố 52 kỷ lục Việt Nam ảnh 8

Họa sĩ Đặng Ái Việt, nguyên giảng viên trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, sau khi về hưu mong muốn của bà là được ký họa chân dung các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở 63 tỉnh thành trong nước. Từ ngày 19.2.2010 đến ngày 21.7.2011 Bà đã dùng chiếc xe Chaly có biển số 50RC.2857; số máy CF50E315699; số khung CF50-3315801; dung tích 49cc; đăng ký sử dụng ngày 18.8.1995; làm một cuộc hành trình dài 16.670 km đến 63 tỉnh thành của cả 3 miền Nam Trung Bắc. Bà đã ký họa chân dung 560 Mẹ Việt Nam anh hùng.

18. NGƯỜI CÓ NHIỀU CUỘC TRIỂN LÃM VỀ ẢNH HOA SEN NHẤT

Từ tháng 3.2009, ông Trần Bích đến với nhiếp ảnh và ông nhận ra có "duyên" với hoa sen. Ông đã chụp nhiều ảnh về loài hoa này. Ông cảm nhận dù trong hoàn cảnh nào hãy sống và vươn cao như sen, để tỏa hương thơm ngát cho đời. Sau đó, ông đã tổ chức 8 cuộc triển lãm lấy hoa sen làm chủ đề, tại nhiều thành phố như Pleiku, Hà Nội, Huề, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Từ cuộc triển lãm đầu tiên ngày 19.9.2009 đến cuộc triển lãm gần nhất vào ngày 14.5.2011.

19. BỘ TÁC PHẨM CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT CÓ Ý NGHĨA ĐỘC ĐÁO NHẤT VỀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG LỊCH SỬ

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Là người gắn bó nghệ thuật cây cảnh, anh Phạm Đức Thịnh nhận ra cần đưa những chiến tích hào hùng đến với người hôm nay. Anh đã cùng các nghệ nhân cây cảnh làm nên bộ tác phẩm Chiến thắng Bạch Đằng. Bộ tác phẩm này gồm 5 con thuyền làm từ gỗ lũa sao đen có tuổi thọ hàng ngàn năm. Mỗi chiến thuyền mang một tên như Nhị thập bát tú (dài 9,30m, rộng 1,35m, nặng 6,8 tấn); Ngũ đại thập quốc (dài 8,35m, rộng 1m, nặng 4,8 tấn); Ô long tuyền (dài 5,1m, rộng 1,7m, nặng 4,5 tấn); Cổ tùng sơn (dài 3,9m, rộng 1,25m, nặng 2,4 tấn); Thạch thụ tương sinh (dài 6,1m, rộng 1,25m, nặng 3,5 tấn) tượng trưng cho 5 chiến thuyền trong trận chiến lịch sử do Ngô Quyền chỉ huy.

20. "KỲ THẠCH VI NGOẠN ẢNH" - VIÊN ĐÁ GHI NHIỀU HÌNH ẢNH NHẤT

Ông Võ Văn Hải ở 253 tổ 9, khối 6, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột là hội viên chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk. Năm 2003, ông mua được một viên đá nặng 1.750 gram. Từ viên đà này, ông "tình cờ" phát hiện là khi đưa vào máy scan đã hiện lên những tấm ảnh độc đáo. Vì trên mặt những tấm ảnh là vệt màu, là hoa văn lung linh ẩn hiện. Ông đã dùng máy scan tìm ra được 243 tấm ảnh tiềm ẩn trong đá.

21. Ý CHÍ KỶ LỤC

Cậu bé tên Bùi Ngọc Thịnh (11 tuổi) bị mù bẩm sinh, hiện đang sinh hoạt tại Hội Người mù thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Bằng nỗ lực, Thịnh có thể chơi 5 loại nhạc cụ trống, đàn ghi-ta, đàn organ, đàn sến, đàn cò.

22. NHÀ SẢN XUẤT PHIM TƯ NHÂN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN SẢN XUẤT PHIM NHIỀU NHẤT

Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Lý Huỳnh là người có trên 40 năm làm diễn viên điện ảnh. Vào cuối thập niên 1980, ông thành lập hãng phim Lý Huỳnh và trở thành nhà sản xuất phim. Từ năm 1989 đến năm 2010, ông đã thực hiện 26 bộ phim nhựa và video. Đó là các bộ phim Lửa cháy thành Đại La (1989), Thằng Long đệ nhất kiếm(1990), Thanh gươm để lại (1991), Nước mắt học trò (1992), Sài Gòn trong trái time m (1996),...Kinh phí thực hiện một bộ phim lên đến hàng tỷ đồng.

23. NGƯỜI THỰC HIỆN CHIẾC NHẪN BẠC LỚN NHẤT

Anh Trần Văn Anh (Ngọc Minh) là một người thợ kim hoàn, từ tháng 1 đến tháng 6.2011, anh đã dành công sức làm một chiếc nhẫn bằng bạc, đường kính 21cm, trọng lượng 1,2 kg bạc. Anh đặt tên là Quảng Nam Nhị TúDo đặc điểm của chiếc nhẫn bạc này chạm trỗ điêu khắc hình ảnh chùa cầu Hội An và đền tháp Mỹ Sơn  ở hai bên và nằm trên đỉnh của chiếc nhẫn chạm khắc dòng chữ song ngữ Anh - Việt "Quảng Nam một điểm đến hai di sản văn hóa thế giới".

24. HỌA SĨ VẼ BỨC TRANH SƠN DẦU "TOÀN CẢNH LĂNG TỰ ĐỨC" LỚN NHẤT

Ông Bùi Văn Ngọ năm nay đã 80 tuổi (sinh năm 1931) nhưng tình yêu dành cho hội họa, cho mỹ thuật rất lớn. Bức tranh mà ông Ngọ dành nhiều tâm huyết và cả hoài bão là Toàn cảnh lăng Tự Đức. Đây là bức tranh được ông dồn tâm sức trong 13 năm, từ năm 1992 đến năm 2005. Bức tranh có kích thước 20,10m x 2,90m (diện tích 58,29 m2) thuộc thể loại tranh phong cảnh. Do ông Ngọ nắm vững kiến thức và kỹ thuật cơ khí nên mặt tranh được căng rất phẳng và vững vàng, vì vậy tranh Toàn cảnh lăng Tự Đức được thể hiện bằng phong cách chân xác đem đến cho người xem nét cổ kính trong sự xanh tươi, nhẹ nhàng của cây cỏ thiên nhiên.

25. CHỦ HỘ CÓ SỔ HỘ KHẨU DÀY VÀ DÀI NHẤT

Đó là cuốn sổ hộ khẩu của gia đình họ Huỳnh mà chủ hộ là chị Huỳnh Tiểu Hương với số nhân khẩu cùng họ Huỳnh và cùng chữ lót (Tiểu) lên đến 162 người. Thời gian đăng ký từ năm 1999 đến nay (2011). Địa chỉ sổ hộ khẩu tại số 17/15/13 A Gò Dầu, phường Tân Qúy, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Nếu dùng phép tính đo lường cuốn sổ hộ khẩu này dày 2cm, dài 330cm.

26. NHẠC SĨ VIẾT NHIỀU TRƯỜNG CA NHẤT

Nhạc sĩ Minh Châu viết các Trường ca Bức tranh non nước thực hiện từ năm 1998 đến 2003 phát hành CD gồm 4 phần: Lời ru đất Bắc; Tiếng vọng miền Trung; Giọng hò phương Nam; Việt Nam gấm hoa. Trường ca Người Việt thực hiện năm 2003 đến tháng 11.2009 phát hành CD gồm 5 phần Chàng trai nước Việt; Cô gái Việt; Duyên Việt; Trẻ thơ Việt; Hồn Việt.

27. NGƯỜI LÀM ĐỒNG HỒ PHONG THỦY VẠN NIÊN LỚN NHẤT

Ông Huỳnh Tấn Thành đã nghiên cứu đồng hồ phong thủy vạn niên có kích thước 1.050 x 1.050mm (lọt lòng), 1.200 x 1.200mm (phủ bì). Để làm chiếc đồng hồ phong thủy vạn niên, ông Thành dùng khung bằng gỗ, số làm bằng mica, in decal, máy và kim đồng hồ. Chiếc đồng hồ này nhằm ứng dụng kết hợp giữa mỹ thuật trang trí và kiến thức phong thủy nhằm nâng cao giá trị của một chiếc đồng hồ bình thường thành 1 đồng hồ độc đáo sinh động.

28. NGƯỜI SỞ HỮU NHIỀU MÁY THU THANH CỔ NHẤT

Từ năm 1992, anh Phạm Ngọc Trường tìm kiếm và sưu tập các loại máy thu thanh (radio) cổ. Hiện nay, anh đã sưu tập được 1.300 chiếc máy thu thanh trong đó có nhiều chiếc có tuổi đời 70, 80 năm như những chiếc máy hiệu Excelsior, Erres, Philips... ra đời từ những năm thập niên 20, 30, thế kỷ 20.

29. BỘ TÁC PHẨM CÂY CẢNH NGHỆ THUẬT LÀM BẰNG GỖ SAO ĐEN LỚN NHẤT

Là bộ tác phẩm cây cảnh mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử nên Chiến thắng Bạch Đằng đã được anh Phạm Đức Thịnh và 4 nghệ nhân cây cảnh cùng 7 công nhân đã dành 9 năm để tạo hình tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Được làm từ gỗ lũa sao đen có tuổi thọ hàng ngàn năm, được tìm ra và khai thác ở các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Đồng Nai... Cùng đá trầm tích được mang về từ Đảo Yến (Khánh Hòa).

Bộ tác phẩm là sự kết hợp giữa gỗ, đá và cây Bonsai với lối tạo hình độc đáo, tạo nên những cánh rừng nghệ thuật mà mang dáng vẻ tự nhiên. Vì trên các chiến thuyền là các cây bon sai chọn lọc từ các nhà vườn nổi tiếng ở miền Tây và cực Nam đất nước. Tuy được làm bằng cây cảnh nhưng 5 chiến thuyền vừa đem đến một giá trị nghệ thuật đặc sắc đồng thời chứa đựng ý nghĩa lịch sử thiêng liêng.

30. NGƯỜI SƯU TẬP NHỮNG VIÊN ĐÁ THIÊN NHIÊN CÓ HÌNH DẠNG GIỐNG QUẢ (THẠCH QUẢ) NHIỀU NHẤT

Bắt đầu từ năm 1996, ông Vũ Văn Hải (Hải Nam) đã đến nhiều vùng miền miền đất nước để sưu tập những viên đá tự nhiên có màu sắc và hình dáng giống như những loại quả thật vậy. Bộ sưu tập đến nay đã lên đến hơn 1000 viên đá đủ hình dáng và kích thước khác nhau. Từ viên đá lớn nhất trong bộ sưu tập có hình quả bí xanh, cao 1,5m nặng 220kg, đến viên đá hình quả dưa chỉ to hơn quả trứng cút một chút. Bộ sưu tập bao gồm rất nhiều loại quả: dưa hấu, mãng cầu, chuối, cam, cà, bầu, saboche, dừa, đu đủ, xoài, chanh...

31. NGƯỜI DÙNG ĐẦU ĐẨY XE 5 TẤN ĐI ĐOẠN ĐƯỜNG DÀI NHẤT

Đó là anh Nguyễn Quang Hiển, ngụ tại 108 đường Phạm Đình Hổ, P.2, Q. 6, TP.HCM, đã dùng "thiết đấu công" để đẩy chiếc Huyndai mang biển số 61P - 2960 chạy một đoạn dài 80m trong khuôn viên chùa Vạn Phước, Q.6, vào ngày 25.1.2011 trước sự chứng kiến của nhiều người. Hiển xuống tấn, vận lực, kê "chiếc đầu thép" của mình vào phía sau xe. Người và xe đứng yên vài giây, rồi bỗng xe chuyển bánh nhè nhẹ lăn đi, một thước... hai thước... đến mười thước. Xe vẫn tiếp tục di chuyển tới phía trước theo lực đẩy từ đỉnh đầu của "thiết đầu công" Quang Hiển

32. NGƯỜI CHỤP ĐƯỢC NHỮNG BỨC ẢNH HOA SEN KỲ LẠ NHẤT

Vào tháng 3.2009, ông Trần Bích cùng vài người bạn đến hải đăng Khê Gà để chụp phong cảnh, ông nhận ra những hồ sen ven đường. Nhìn dưới lòng hồ có nhiều sen, nào sen khô, sen úa, sen tàn, lá, gương sen đan xen vào nhau. Ông đã chụp rất nhiều. Sau đó, ông đến Hóc Môn, Củ Chi, Long An, Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Bắc Ninh... chỉ để chụp sen. Từ đây, ông đã "sở hữu" nhiều bức ảnh hoa sen kỳ lạ, độc đáo. 

33. CHIẾC NEM CUA BỂ LỚN NHẤT

Nem cua bể là món ăn yêu thích của người dân thành phố biển Hải Phòng. Ngày 23.10.2011, nhà hàng Phúc Đình Quán 2 đã thực hiện chiếc nem cua dài 86cm, rộng 86cm, cao 65cm. Nguyên liệu gồm cua bể, thịt nạc xay, miến, mộc nhĩ, nấm hương, trứng gà, cà rốt, giá... Chiếc nem cua bể này do 7 người làm.

34. NỒI BÁNH ĐA CUA LỚN NHẤT

Bánh đa cua là đặc sản dân dã của Hải Phòng. Nồi nấu bánh đa cua có bán kính 60cm, sâu 45cm, thể tích nồi 175 lít. Nguyên liệu gồm 30kg cua xay, 10kg thịt nạc xay, 30kg xương ống, 50kh bánh đa ướt, giò sống, giá, rau cần, rau rút, hành hoa, hành khô, lá lốt, hạt nêm, mắm, bột canh...

35. CON ĐƯỜNG NHIỀU CÂY HOA PHƯỢNG VĨ NHẤT

Hải Phòng, từ lâu được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ. Đối với mỗi người dân Hải Phòng, vẫn luôn giữ trong tâm trí về những con đường trồng nhiều cây hoa phượng vĩ tỏa bóng xanh mát, màu hoa đỏ rực vào mỗi độ hè về. Đặc biệt là con đường Phạm Văn Đồng kéo dài (còn gọi là đường Hải Phòng - Đồ Sơn). Trên đoạn đường dài 20km này trồng nhiều cây hoa phượng vĩ với số lượng 3.068 cây.

36. CHAI NƯỚC MẮM LỚN NHẤT

Cơ sở sản xuất nước mắm Đỉnh Hương (An Giang) từ ngày 1.3 đến 15.3.2011 đã làm một chai nước mắm cao 2,57m, chu vi 1,92m làm bằng nhựa có ép tôn bảo vệ, thành bằng inox, chân đế bằng sắt có 4 bánh xe để di chuyển. Chai chứa được 350 lít nước mắm.

37. NHÀ HÀNG BÒ 7 MÓN LÂU ĐỜI NHẤT

Nhà hàng Au Pagolac thành lập năm 1930 tại cạnh chùa Bảy Bà và ao sen thuộc ấp Rẩy, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thập niên 1940, nhà hàng này dời lên Sài Gòn. Và từ năm 1930, nhà hàng Au Pagolac nổi tiếng với thực đơn "bò 7 món'. Món này do ông ông Nguyễn Thanh Đam (tự Babi) và bà Huỳnh Thị Huệ đã nghiên cứu, tìm ra món ăn này.

38. CÔNG TY VBĐQ TỔ CHỨC HỘI CHỢ QUỐC TẾ TRANG SỨC ĐẦU TIÊN VÀ LIÊN TỤC 20 NĂM (PHÁ KỶ LỤC VIỆT NAM)

Hội chợ quốc tế trang sức Việt Nam do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tổ chức lần đầu vào năm 1992 và từ dó được mở thường kỳ hàng năm, trở thành ngày hội truyền thống của ngành kim hoàn. Hội chợ lần thứ 20 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 14.11.2011 với quy mô 150 gian hàng, quy tụ nhiều thương hiệu như SJC, Zela, PNJ, Cao, Golden, Sacombank, Unique,... và những thượng hiệu lớn đến từ Bỉ, Ý, Mỹ, Hồng Kông, Thái Lan...

39. GIẢI THI ĐẤU VÕ THUẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM CÓ SỰ THAM DỰ CỦA NHIỀU ĐƠN VỊ NHẤT

Giải quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam, lần 2, tổ chức từ ngày 24.7 đến 28.7.2010 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Lãnh Binh Thăng (quận 11, thành phố Hồ Chí Minh) với sự tham dự của 34 đoàn trong và ngoài nước. Giải thi đấu nội dung thi quyền thuật và đấu luyện, các đoàn vận động viên tranh tài các bộ huy chương; đồng thời tổ chức thi đai, đẳng cấp cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

40. DOANH NGHIỆP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐOẠT NHIỀU GIẢI THƯỞNG NHẤT CỦA CÁC TỔ CHỨC SÁNG TẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI

Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập ngày 1.9.2003 là công ty đa dạng sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng đưa vào ứng dụng thực tiễn đời sống. Hiện nay, công ty đoạt 4 giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam các năm 2004, 2005, 2007, 2008; 4 cúp vàng Techmart Vietnam Asean + 3 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ  và đoạt nhiều giải thưởng của tổ chức sáng tạo quốc tế (SIIF) tại Hàn Quốc.

41. BỨC TRANH SINH THÁI - DU LỊCH HUYỆN MỘC CHÂU BẰNG NÔNG SẢN, RAU CỦ QUẢ SẠCH LỚN NHẤT

Bức tranh kích thước 6m x 3m. Điểm nổi bật là bức tranh được ghép hình bằng toàn bộ các loại nông sản: rau, củ, quả sạch đã được người tiêu dùng công nhận là nét riêng nhất của Mộc Châu. Đó là các sản phẩm: sữa bò tươi, ngô, khoai, dưa, cà, su su... do chính người nông dân Mộc Châu nuôi trồng. Tổng trọng lượng 2.724,6kg.

42. BẢN ĐỒ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA LỚN NHẤT TỪ HẠT CÀ PHÊ

Tấm bản đồ huyện đảo Trường Sa ghép từ hạt cà phê có kích thước 6m x 3m nặng 600kg, được ghép từ 100kg cà phê do 200 người thực hiện. Thời gian từ 18/05 đến 08/06/2011. Sau đó, trưng bày tại quảng trường thành phố Nha Trang trong khuôn khổ Festival Biển 2011. với ý nghĩa chung tay và đồng lòng của mọi người dân Việt Nam góp sức xây dựng quần đảo Trường Sa thân yêu. Các hạt cà phê được chọn ghép bản đồ phải qua khâu chọn lựa tiêu chuẩn đặc biệt, gồm cà phê rang chín và cà phê nguyên hạt. Việc xử lý màu sắc cũng rất dày công để bảo đảm tuổi thọ của tấm bản đồ.

43. CHIẾC VESPA CỔ ĐẦU TIÊN LÊN TRÊN ĐỈNH PHAN - XI - PĂNG

8 thành viên CLB vespa Hà Nội đã thực hiện một chuyến đi leo núi Phan - Xi - Păng (ngọn núi cao nhất Việt Nam với độ cao 3143m), được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương". Lần này, họ đã cùng nhau đưa một chiếc Vespa cổ - cũng có thể nói là chiếc xe máy đầu tiên lên tận đỉnh Phan - Xi- Păng. Đây là một quyết định đầy tính mạo hiểm, thể hiện niềm đam mê, ý chí mạnh mẽ của con người quyết tâm chinh phục những thử thách và không lùi bước trước những khó khăn trong cuộc sống. 

44. NGÀY HỘI CÓ SỐ NGƯỜI THAM GIA HIẾN MÁU NHIỀU NHẤT (PHÁ KỶ LỤC VIỆT NAM)

Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp từ nhiều năm nay đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Ngày 20.02.2011, trong Lễ hội Xuân Hồng 2011 tại sân vận động Mỹ Đình, do Viện Huyết học - truyền Máu Trung ương tổ chức đã thu nhận 5.636 đơn vị màu của những người hiến máu tình nguyện.

45. CHIẾC KHÈN H'MÔNG LỚN NHẤT

Từ ngày 17.8 đến 23.8.2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã thực hiện một chiếc khèn H'Mông do 15 người làm. Khèn có 6 ngón dài bằng tre. Ngón 1, dài 12m, đường kính 12,12cm; ngón 2, dài: 10m, đường kính 12,12cm; ngón 3, dài 9m, đường kính 12,12cm; ngón 4, dài 7m, đường kính 12,12cm; ngón 5, dài 6m, đường kính 13,4m; và ngón khèn ngắn, to nhất dài 3m, đường kính 15,3cm. Những ngón khèn này đều làm bằng tre. Cần bầu dài 7m; đường kính bầu 48cm; miệng thổi cần bầu có đường kính 19cm.

46. KHU DU LỊCH SINH THÁI CÓ HỒ NHÂN TẠO TRÊN NÚI LỚN NHẤT

Khu du lịch sinh thái văn hóa Hồ Mây - Núi Lớn rộng khoảng 40 ha nằm trên đỉnh núi Lớn (Tương Kỳ) cao 250m so với mực nước biển. Lên khu du lịch bằng cáp treo, du khách tham quan rừng thông, rừng bằng lăng... tham gia các trò chơi hiện đại. Khu du lịch có hồ nước nhân tạo diện tích 10.000m3 gồm Hồ Mây thượng (3.000 m2) và Hồ Mây hạ (7.000 m2)). sâu từ 1m đến 6m. Hồ khi xây dựng theo các phương án kỹ thuật để tạo cảnh quan môi trường, giữ lại lượng nước mưa, tạo nên không gian  mát mẻ xanh tươi cho khu du lịch trên cao này...

47. HỒ BƠI LỌC NƯỚC BIỂN TẠO SÓNG LỚN NHẤT

Hồ bơi thuộc khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng). Hồ có diện tích 9,1ha. Bao gồm: hồ lớn, bể bơi, bể vầy thiếu nhi, bãi cát tắng, khu kỹ thuật tạo nước biển, nhà tắm trắng và thảm thực vật quanh hô.  Hồ được xây dựng bằng vật liệu thông thường, được lát hoàn toàn bằng gạch men. Thời gian thi công là 3 năm.

48. VẬN ĐỘNG VIÊN LÊ YẾN QUYÊN - NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN MÚA LÂN TRÊN CỘT CAO NHẤT

Lê Yến Quyên là vận động viên của đoàn nghệ thuật lân sư rồng Tú Anh đường (quận Ô Môn, Cần Thơ). Trong Hội diễn Lân Sư Rồng thành phố Cần Thơ các năm 2009, 2010, 2011 tiết mục múa lân leo cột (cao 7m) đã được vận động viên Lê Yến Quyên thực hiện thành công và đều giành giải nhất.

49. TÁC PHẨM MÔ PHỎNG MẶT TRỐNG ĐỒNG BẰNG GỖ GIÁNG HƯƠNG LỚN NHẤT

Ông Võ Hữu Thanh Nhàn tìm mua được một gốc cây giáng hương lớn, lâu năm. Là người luôn hướng về lịch sử, ông suy nghĩ, từ đây mình có thể làm ra một tác phẩm mô phỏng trống đồng- linh khí của thời đại Hùng Vương, những bậc tiền nhân đã có công  dựng nên đất nước. Ông Nhàn đã cùng với 7 người thợ lên ý tưởng từ thiết kế, ra bản vẽ và triển khai trên thực tế. Sau một thời gian, từ ngày 12.2.2011 đến ngày 22.3.2011, tác phẩm mỹ nghệ này đã thành hình có đường kính 156cm, dày 10,8cm. Thể hiện họa tiết trống đồng Đông Sơn.

50. BỘ BÀN GHẾ GỖ LŨA TÒ TE (GÕ ĐỎ) LỚN NHẤT (NƠI PHẦN GÓC TẠC PHẬT DI LẶC NGỒI RỒNG)

Từ một khúc gỗ lũa tò te (còn gọi là gõ đõ), ông Đặng Hoàng Thân và những người thợ đã làm nên một bộ bàn ghế. Chiếc bàn có dạng hình tam giác, mỗi cạnh dài khoảng 3,42m, phần đáy 1,56m, phần cao nhất của bàn 1,32m, chiều cao từ mặt bàn xuống 64cm. 5 ghế dài từ 1,33m đến 1,70cm, cao từ 1,1m đến 0,85m. Đặt biệt, phần góc bàn có tạo dáng hình tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng một con rồng.

51. CHƯƠNG TRÌNH ĐỒNG DIỄN THỂ DỤC THẨM Ỹ CÓ NHIỀU NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN THAM GIA NHẤT

Ngày 08.10.2011 tại Trung tâm TDTT quận Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh 837 vận động viên nữ đã tham gia đồng diễn thể dục thẩm mỹ. Đây là chương trình hoạt động do Hội Thể dục Thẩm mỹ tổ chức nhằm hướng dẫn cho giới phụ nữ chăm sóc vóc dáng giữ gìn sức khỏe. 

52. GIA ĐÌNH CÓ NHIỂU THÀNH VIÊN THAM GIA BIỂU DIỄN ẢO THUẬT NHẤT

Anh Trần Định đã được bố mẹ là nghệ sĩ Trần Lực - Lê Hoa truyền dạy cho nghề xiếc ảo thuật của gia đình từ năm 1976. Hiện nay, anh cùng vợ (chị Kim Loan sinh năm 1961, biểu diễn năm 1982) và các con như Trần Dũng (con trai, tham gia biểu diễn năm 1992), Kim Uyên (con gái, tham gia biểu diễn năm 2002), Huỳnh Thu An (con dâu, tham gia biểu diễn 2006) và cháu Trần Đỗ Anh Kiệt (sinh năm 2001) làm thành một gia đình biểu diễn các màn ảo thuật độc đáo.