Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia thành công nhất về kinh tế ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân Đại hội XIII của Đảng, truyền thông quốc tế đã đăng tải các bài viết về sự kiện này, đồng thời đánh giá cao thành tích chống dịch Covid-19 cũng như kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam có thể trở thành “tâm điểm mới” về bùng nổ kinh tế ở châu Á và điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư cổ phần

Việt Nam có thể trở thành “tâm điểm mới” về bùng nổ kinh tế ở châu Á và điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư cổ phần

Báo Handelsblatt (Thương mại) của Đức ngày 27-1 nhận định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia thành công nhất về kinh tế ở châu Á cũng như kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Trong một năm qua, Việt Nam mới ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Theo bài báo, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thành quả trung tâm của đất nước gần 100 triệu dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với những biện pháp nghiêm ngặt đã giúp kiểm soát tốt đại dịch. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi và đi lên khi hầu hết các quốc gia trong khu vực rơi vào suy thoái.

Bài báo dẫn các số liệu chính thức cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 2,91% trong năm 2020. Việt Nam kỳ vọng tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7% từ nay đến năm 2025 và trong 25 năm tới sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng. Cũng theo bài viết, trong những năm qua, Việt Nam đã tự xác lập như một bộ phận cấu thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là giày dép, dệt may, nhưng ngày nay là điện thoại thông minh và máy tính. Việt Nam coi toàn cầu hóa như một cơ hội, đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), là một trong những quốc gia sáng lập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Báo Die Welt của Đức (Thế giới) ngày 26-1 đưa tin về khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó cho rằng cơ hội cho các nhà đầu tư tại Việt Nam chưa được khai phá hết tiềm năng. Bài báo viết rằng Việt Nam là đất nước giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam đang làm rất tốt công tác chống đại dịch, thậm chí còn tốt hơn nhiều một số nước luôn được coi là những ví dụ điển hình về kiểm soát tốt đại dịch.

Trong kinh tế, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành "tâm điểm mới" về bùng nổ kinh tế ở châu Á và điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư cổ phần. Bài báo nhấn mạnh không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm qua và hiện đang phục hồi với tốc độ tốt khi đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm 2020.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ tư về kinh tế trong khu vực ASEAN trong năm 2020, đứng trước cả Singapore và Malaysia.

Nếu tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Philippines và Thái Lan. Theo bài báo, một trong những yếu tố góp phần vào triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam là việc ngày càng có nhiều công ty cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, nơi có chi phí thấp hơn.

Báo điện tử Times Kuwait (Timeskuwait.com) ngày 27-1 đăng bài viết về việc Việt Nam tổ chức Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo nhận định đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2021. Với những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2020 nói riêng và trong 5 năm qua nói chung, Việt Nam đã ghi dấu ấn bằng những đột phá, thành công nổi bật trong những hoàn cảnh khó khăn.

Times Kuwait nhấn mạnh về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã nằm trong nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, khi phần lớn các quốc gia có tăng trưởng âm hoặc đi vào suy thoái do ảnh hưởng của dịch, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức 2,91%. Ngoài ra, Việt Nam cũng được coi là một “trung tâm sản xuất” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Times Kuwait cũng dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam là một phần của châu Á với sự trỗi dậy năng động, với nền kinh tế ngày càng mở, đa dạng và đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế số. Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng trên mọi lĩnh vực, là nền kinh tế năng động, có môi trường đầu tư thân thiện, hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đối ngoại và là nhân tố quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Times Kuwait nêu rõ trong những năm qua, dấu ấn nổi bật của Việt Nam là đã thể hiện rõ vai trò kết nối, nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác và làm sâu sắc hơn lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực.