Việt Nam - Thị trường hấp dẫn với giới đầu tư tài chính Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo các tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi các chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ và năng động, tốc độ tăng trưởng nhanh, điểm đến an toàn của dòng vốn.
Giới đầu tư tài chính Mỹ hoan nghênh Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm sàn giao dịch chứng khoán New York - sàn chứng khoán lớn nhất thế giới

Giới đầu tư tài chính Mỹ hoan nghênh Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm sàn giao dịch chứng khoán New York - sàn chứng khoán lớn nhất thế giới

Niềm tin của giới đầu tư Mỹ và thế giới vào Việt Nam

Tiếp tục chuyến công du Mỹ với một lịch trình dày đặc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 16-5 (giờ địa phương) đã có buổi tiếp một số CEO (giám đốc điều hành) tài chính hàng đầu của Mỹ tại thành phố News York, nơi được xem là thủ đô tài chính của nước Mỹ và cũng là một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Trong đó có Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Kolhberg Kravis Robert (KKR), Chủ tịch Tập đoàn Visa và một số CEO tài chính tên tuổi của Mỹ. Cùng ngày, Thủ tướng cũng tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Joseph Bae, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Kolhberg Kravis Robert (KKR) cho biết, Quỹ mong muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, hạ tầng, chuyển đổi số, lương thực, hàng tiêu dùng, công nghệ… tại Việt Nam. Người đứng đầu quỹ đầu tư có 33 văn phòng trên toàn cầu, đã có 280 khoản đầu tư vào các công ty với tổng giá trị 545 tỷ USD và tổng tài sản khoảng 470 tỷ USD này cho biết, KKR đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào 3 công ty của Việt Nam. Ông đánh giá, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới với các chính sách tạo thuận lợi của Chính phủ, vị trí địa lý quan trọng, dân số trẻ và năng động. Cũng theo sự nhìn nhận của ông Joseph Bae, Việt Nam hiện là điểm đến của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên thế giới và khu vực.

Có thể thấy, Thủ tướng Chính phủ công du Mỹ và Liên hợp quốc lần này trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhanh, kiểm soát tốt, thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch Covid-19. Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới tác động đến kinh tế toàn cầu, song chúng ta vẫn nỗ lực duy trì tốc độ phục hồi nhanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố như tỷ giá, lạm phát, lãi suất trong tầm kiểm soát, thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc... Như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với lãnh đạo Tập đoàn Amphenol Corporation - doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử cung cấp cho Boeing, Apple, Tesla… - rằng sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD). Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vào tương lai ngày càng phát triển của đất nước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng 9,2% so với năm 2020, đạt 31,15 tỷ USD, góp phần giúp kinh tế Việt Nam vượt qua một năm đầy khó khăn từ những hệ lụy nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng đạt 2,58%, tuy là mức thấp nhất, nhưng là một mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia khác trong bối cảnh cùng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Kết quả thu hút FDI trong 4 tháng đầu của năm nay cũng khá ấn tượng khi mức vốn thực hiện đạt gần 11 tỷ USD với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới trong cùng kỳ tại Việt Nam.

Đây thực sự là “con số biết nói”, thể hiện quyết tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Số lượng dự án đầu tư mới tăng 45% cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào kết quả thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 của Việt Nam; niềm tin với nền kinh tế, thị trường đang phát triển nhanh và an toàn với số dân khoảng 100 triệu người, trong có trên 50% dưới 25 tuổi, đồng thời có trình độ học vấn và sẵn sàng phục vụ trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao như công nghệ thông tin, dược phẩm và dịch vụ tài chính với chi phí cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ thực chất, hiệu quả

Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, việc làm ăn với Việt Nam… hiện là mối quan tâm của các tập đoàn, tổ chức kinh tế hàng đầu của Mỹ. Điều này phần nào có thể thấy qua lịch trình gặp gỡ, làm việc, điện đàm với lãnh đạo các quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế Mỹ trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn đã rất bận rộn với một chương trình nghị sự dày đặc khi tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden; thăm, làm việc tại Liên hợp quốc…

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo giới kinh doanh, đầu tư hàng đầu của Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật những thành tựu to lớn và toàn diện của Việt Nam đạt được sau hơn 35 đổi mới, trong đó có những thành tựu rất quan trọng về phát triển kinh tế. Nhấn mạnh những thế mạnh, tiềm năng và cơ hội phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phát triển đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ấn tượng với thành tựu và cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ông Alfred Kelly, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Visa, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ ấn tượng với sự phát triển năng động của Việt Nam, chúc mừng Việt Nam tổ chức SEA Games 31, gửi tín hiệu rất tích cực về một Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và mở cửa. Lãnh đạo Visa đánh giá cao kế hoạch và sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 8% năm 2020 lên đến 28% trong năm nay, tức gấp hơn 3 lần. Visa tin rằng, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra vào năm 2027.

Lãnh đạo Visa hiện đang mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và đổi mới trong lĩnh vực tài chính, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt; chia sẻ kế hoạch đầu tư kinh doanh trong thời gian tới tại Việt Nam; trao đổi về cơ hội để Visa tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, xây dựng thành phố thông minh, di chuyển thông minh...

Dự tọa đàm với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang đầu tư tại NYSE, tham quan sàn giao dịch chứng khoán và bấm nút rung chuông kết thúc phiên giao dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới này quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, điều này góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ ngày càng thực chất, hiệu quả.