Việt Nam nỗ lực đưa ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ về nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chiều 3-11-2022, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn được hãng Milion (Pháp) đem ra đấu giá, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng các Bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để tạm dừng cuộc đấu giá.

Ngày 31-10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết phiên đấu giá được dời lại tới ngày 10-11-2022.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tìm kiếm các khả năng và triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước”.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Trước đó, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.

Điều này góp phần khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng, Nhà nước về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.