Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong những năm gần đây, khí hậu luôn diễn biến bất thường kèm theo các thiên tai mang tính cực đoan. Tuy nhiên, Việt Nam đã chủ động ứng phó và có nhiều cam kết mạnh mẽ trước thách thức mang tính toàn cầu này.
Hạn hán ngày càng thường xuyên do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân

Hạn hán ngày càng thường xuyên do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân

Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến Việt Nam

Những ngày này, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang trải qua đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Không chỉ lạnh, miền Bắc còn chịu những cơn mưa lớn, vùng núi nhiều nơi nhiệt độ giảm nhanh và sâu nên xảy ra hiện tượng mưa tuyết, băng giá.

Trong khi đó, miền Nam lại đang có mức nhiệt khá cao, ban ngày nắng gay gắt. Dù chiều tối có vài cơn mưa trái mùa ngắn nhưng không đủ để hạ nhiệt, giảm sự oi bức. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu thế xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022 sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Có thể nói biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến Việt Nam. Do biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng dày hơn. Ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây và ngày càng dịch chuyển dần xuống phía Nam.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, chỉ riêng trong năm 2020, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể có 13 cơn bão; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Đặc biệt, cuối năm 2020, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu thiên tai: Lũ chồng lũ, bão chồng bão. Tính đến giữa tháng 11-2021, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; 176.590ha lúa, rau màu và 14.146ha cây trồng bị thiệt hại; 298km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 511km đường giao thông sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại hơn 5.244 tỷ đồng.

Tác động do biến đổi khí hậu còn trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700 nghìn người mới chuyển đến, tỉ lệ di cư này là gấp hai lần trung bình cả nước.

Với đời sống và phát triển kinh tế của Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng rất đáng lo ngại. Theo các kết quả tính toán mới nhất, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%, bên cạnh các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050. Nắng nóng gia tăng sẽ làm tăng tỉ lệ tử vong. Mực nước biển dâng cũng dẫn tới sự sụt giảm diện tích trồng lúa gạo, chẳng hạn như mực nước biển dâng là 60 cm có thể dẫn đến sự sụt giảm diện tích trồng lúa lên tới hơn 50% tại một số địa phương của Việt Nam, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.

Chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu

Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động thích nghi, nâng cao khả năng ứng phó, giảm thiểu rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, bảo vệ môi trường. Đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì thế, nó được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) thì chỉ rõ: Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biển đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp. Tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch, xây dựng cơ chế liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biển đối khí hậu, nước biển dâng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. …

Không những thế, Việt Nam còn tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 10-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Tại hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Việt Nam còn cam kết giảm phát thải khí methane 30% vào năm 2030, đồng thời tham gia Tuyên bố tập trung về vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia vào cuối tháng 12-2021 để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Với nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Việt Nam tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể và rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng, công lý; xây dựng lộ trình nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện.

Các cam kết của Việt Nam cũng như việc triển khai trên thực tế đã được thế giới đánh giá cao bởi quyết tâm mạnh mẽ nhưng cũng rất thực tiễn. Đó là thông điệp của Việt Nam về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước trong tương lai.