Phim tranh giải Cánh Diều Vàng 2014

“Viết huyền thoại” chắp vá, ngô nghê

ANTĐ - Một chiều cuối đông được mời đi xem phim “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nghe nói là một trong số ít đạo diễn trẻ có tay nghề khá nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Khi xem xong bộ phim làm về đề tài chiến tranh này, sự thất vọng của tôi không nằm ngoài dự liệu. 

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”

Mập mờ “giới tính”

Khó mà xác định được “Những người viết huyền thoại” là phim truyện hay phim tài liệu. Bảo đó là phim truyện thì không phải vì cách xây dựng nhân vật chắp vá và thiếu sức sống, chỉ thấy một số chi tiết, mảng miếng của sân khấu mà không tạo được một mạch truyện hoàn chỉnh. Nhân vật chính, tướng Dinh được khắc họa như một anh hùng “huyền thoại”, tên bay đạn bắn như tránh né ông, ông cứ việc thể hiện sự xông xáo, chỉ huy, quyền lực tối thượng của mình ở chiến trường. Việc thể hiện quyền lực hơi bị “lên gân”, như khi đi kiểm tra lính ở đơn vị vận tải, ông vung súng ngắn bắn chết con dê đơn vị đó đang nuôi, hành vi “sân khấu” này rất ngô nghê và nhố nhăng, nó hạ thấp vị tướng chứ không hề đề cao, bởi hành vi không tinh nhạy đó giống bản năng của… tướng cướp hơn. Một bối cảnh khác, khi đang cùng tắm suối với lính, tướng Dinh hạ lệnh bắt anh lính (nhân vật Nghĩa) cởi quần đùi để bọc cua, đúng lúc đoàn nữ thanh niên xung phong trở về lán đi qua đoạn suối trêu chọc bộ đội đang tắm và không ngờ thấy anh lính cởi truồng… Nó cứ ngô nghê, dàn dựng thế nào ấy, xem không vào. 

Rồi lại có những cảnh dàn dựng hơi bị… thiếu thực tế, như cảnh đám cưới thời chiến mà đạo diễn cho hẳn một đoàn người đi đón dâu rình rang, mặc áo trắng, áo hoa ngoài đồng không mông quạnh. Bất cứ người nào từng sống qua những năm tháng đó đều biết làm gì có đám cưới nào như thế, hay là cứ đặt tên phim có chữ “huyền thoại” là có quyền “mô li phê”?...          

Những bộ phim ca ngợi sự quả cảm, hy sinh, hào hùng của ta thì có nhiều, nhưng nếu là nghệ thuật thì không thể ca ngợi lộ liễu như “Những người viết huyền thoại”. Đến cuối phim, lời thuyết minh tổng kết về thành tích của bộ đội xăng dầu đường 559 làm cho người xem ngỡ ngàng như nhai phải sạn. Tôi càng thêm khẳng định nghi ngờ của mình: Đây không phải là phim truyện. 

Thông điệp là gì?

Trong phim có cảnh nhân vật nữ và nhất là nhân vật Nghĩa đánh nhau với bọn thám báo Lôi Hổ… bằng súng, bằng tay không rất gay go, đọ sức, đọ trí, cuối cùng diệt được bọn Lôi Hổ… Nếu là phim truyện thì mấy tên biệt kích Lôi Hổ sẽ được xây dựng thành nhân vật phản diện, có cá tính, mờ nhạt cũng được, nhưng khổ nỗi nó không phải là nhân vật mà chỉ được đưa vào phim làm “quân xanh” cho nhân vật Nghĩa thể hiện sự mưu trí, dũng mãnh trước quân thù. Trong “Những người viết huyền thoại”, mọi chi tiết, hình ảnh chiến đấu, hoạt động thám báo rình mò của bọn Lôi Hổ và đơn vị của Nghĩa tiêu diệt bọn chúng chỉ như màn diễn sân khấu minh họa cho việc bảo vệ an toàn đường dây xăng dầu tiếp tế vào Nam của ta, không hề có “truyện”, nhân vật không có tính cách, có số phận. Một điều nữa là trong phim này chỉ thấy “cận cảnh” sự tàn sát, tiêu diệt, chiến đấu giữa người Việt ở hai bên chiến tuyến với nhau. Điều này mang lại sự nặng nề, có dư vị tàn nhẫn đối với người xem, nếu đó là người Việt… 

Chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa gần 40 năm, nghệ thuật và phim ảnh cũng cần tham gia vào việc xóa nhòa đi lòng thù hận để hướng tới việc làm cho người Việt ở bất cứ đâu trên thế giới, dẫu có quan điểm khác nhau chăng nữa cũng đều thống nhất ở một điểm là tập trung trí, lực xây dựng một nước Việt hùng cường hơn. Rõ ràng bộ phim đã không đạt được điều này. Hãy nhìn nhân vật Nghĩa mà xem, anh ta trở nên căm thù hơn, thiện chiến hơn, cương quyết hơn trong việc tiêu diệt đối phương khi chứng kiến đối phương giết chóc dã man đồng đội của anh, người yêu của anh. Đọng lại trong tôi về nhân vật Nghĩa chỉ là một hình ảnh Rambo, một người khó có thể trở lại bình thường trong cuộc sống hòa bình. Thông điệp sâu sắc của bộ phim là gì? 

Chỉ còn 2 ngày nữa Giải Cánh diều Vàng sẽ được công bố, mong các nhà phê bình phim, các nhà quản lý điện ảnh, các vị Giám khảo Liên hoan phim hãy nhìn thẳng vào thực trạng phim ta mà cho điểm, nếu phim chưa đủ độ chín thì trao vàng làm gì cho buồn. Sao cứ phải “lòe” nhau mãi, hãy nghiêm khắc mà nhìn nhận để điện ảnh ta còn có thể lớn lên.