Viện phí sẽ tăng theo đúng lộ trình

ANTĐ - Bên hành lang Quốc hội sáng 19-11, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cần đưa giá các dịch vụ kỹ thuật về đúng giá trị thực để đảm bảo quyền lợi những người tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội sáng 19-11

-PV: Nói một cách ngắn gọn, người dân sẽ được hưởng lợi thế nào khi dự án Luật dược mới này được thông qua, thưa Bộ trưởng?

-Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật mới được sửa đổi ban hành đã khắc phục được những hạn chế cũ và thích ứng với tình hình mới. Với các doanh nghiệp dược sẽ được tạo điều kiện khi nhiều thủ tục được đơn giản hoá. Người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với thuốc mới, thuốc tốt với giá cả hợp lý hơn, chất lượng tốt hơn. Quy trình sử dụng thuốc trong khám chữa bệnh sẽ chặt chẽ hơn để tránh làm dụng thuốc. Công nghiệp dược sẽ được chú trọng hơn. Thuốc đông y, thuốc nội, dược liệu trong nước sẽ được quan tâm phát triển. Luật này gắn với Luật đấu thầu và Luật giá để khuyến khích thuốc Việt Nam sản xuất. Trước đó, Bộ Y tế đã phát động chương trình Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo trong kết quả đấu thầu vừa qua số người đăng ký sử dụng thuốc nội tăng lên gấp đôi và chi phí bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm từ 30-35%. Đây là kết quả đáng mừng từ những thông tư chặt chẽ mà Bộ Y tế đã ban hành trong thời gian qua về quy trình đấu thầu thuốc và quản lý giá thuốc.

-PV: Lộ trình tăng viện phí là vấn đề người dân rất quan tâm, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

-Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc tăng viện phí sẽ phải được thực hiện đúng lộ trình. Hiện nay các cơ quan chức năng đang xem xét kỹ vấn đề này bởi hiện có ít nhất 1.800 dịch vụ kỹ thuật mới. Các cơ quan chức năng đang làm việc rất vất vả bởi quy trình tính giá các dịch vụ này rất phức tạp. Bộ Tài chính quy định rất chặt chẽ  về chi phí đầu vào. Có những dịch vụ giá sẽ giảm đi, có dịch vụ sẽ tăng lên. Nên phải rà soát kỹ càng, chắc chắn để đảm bảo quyền lợi người dân. Theo lộ trình chính phủ đã quy định, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội là giá dịch vụ công phải tính đúng, tính đủ. Đồng thời Nhà nước hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người có công, người sống ở vùng sâu, xa, miền núi, hải đảo, thông qua mua thẻ bảo hiểm y tế mà không cấp ngân sách cho bệnh viện. Giá trị dịch vụ không đúng với giá trị thật thì chất lượng cũng sẽ không đảm bảo. Hiện nay điều chỉnh mới chỉ liên quan đến những người có thẻ bảo hiểm nên chi phí được bảo hiểm thanh toán hết. Người tham gia bảo hiểm chủ yếu là người nghèo, người cận nghèo, người diện chính sách, người làm công ăn lương, trẻ em dưới 6 tuổi. Nên điều chỉnh giá viện phí sớm để có lợi cho những người có bảo hiểm.

- PV: Thưa Bộ trưởng, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng hiện nay khiến nhiều người dân lo lắng, Bộ Y tế có giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng này?

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá Việt Nam là một trong những nước kiểm soát chặt chẽ thuốc giả và thuốc kém chất lượng khá tốt. Tỷ lệ này là thấp so với các nước nhưng vẫn là hiểm hoạ lâu dài. Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ và vừa qua Bộ cũng đã tiến hành rút giấy phép, ngừng lưu hành một số thuốc và xử phạt nặng cơ sở sản xuất thuốc giả. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tuy để giải quyết vấn đề thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ban, ngành để đưa ra những chính sách để đảm bảo cung cấp đủ thuốc chất lượng, giá cả hợp lý

Để phòng chống nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng hiện nay chúng ta đang có Uỷ ban Quốc gia 389 về phòng chống hàng giả hàng nhái hàng buôn lậu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công thương và đặc biệt là các địa phương và người dân để giám sát và phát hiện các cơ sở sản xuất thuốc giả cũng như đưa nguồn thuốc giả và lưu hành trong thị trường thuốc.
Quản lý chặt quầy thuốc bán lẻ

Liên quan đến việc kháng kháng sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, kháng kháng sinh là vấn đề lớn hiện nay không chỉ với ngành y tế Việt Nam mà cả thế giới. Trong tuần này, Bộ  Y tế sẽ tổ chức Tháng hành động chống kháng kháng sinh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giải pháp để khắc phục tình trạng này là: thứ nhất, phải tăng cường tuyên truyền để người dân không dùng kháng sinh bừa bãi vì điều đó rất có hại cho sức khoẻ mà phải dùng thuốc theo đơn của bác sỹ; thứ 2, đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng phải thực hiện nghiêm chế độ kê toa, không được ghi toa thuốc bừa bãi. Điều này đã được quy định rõ trong thông tư của Bộ và Bộ sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thứ 3, tăng cường quản lý các quầy thuốc bán lẻ. Các quầy thuốc này phải chấp hành nghiêm chuẩn thực hành nhà thuốc và Bố cũng sẽ xử phạt nghiêm nếu vi phạm. 3 vấn đề này phải được thực hiện đồng bộ, tuy nhiên ý thức người dân là quan trọng nhất. Người dân cần biết tự bảo vệ sức khoẻ của mình.