Vì sao giá vé xe buýt Tây Hà Nội cao gấp 3 lần nội thành?

ANTĐ - Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính được hơn 5 năm, song tới nay, giá vé xe buýt tại một số huyện phía Tây thành phố vẫn cao gấp 3 lần giá vé tại địa bàn Hà Nội (cũ). Bao giờ người dân khu vực phía Tây mới được hưởng trợ giá vé xe buýt?

Do không được trợ giá, xe buýt tới các huyện phía Tây cao gấp 3 lần nội thành
(Ảnh minh họa)

Thừa nhận một số tuyến xe buýt hoạt động tại các huyện khu vực phía Tây Hà Nội có giá vé cao gấp 3 lần giá vé xe buýt trên địa bàn Hà Nội (cũ), UBND TP Hà Nội lý giải, có tình trạng này là do các doanh nghiệp hoạt động vận tải kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không thuộc mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do TP trợ giá. Do vậy, giá vé các tuyến xe buýt này do các doanh nghiệp vận tải tự quyết định trên cơ sở đảm bảo các chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả lãi, lỗ và các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình theo quy định của pháp luật. 

Điểm lại quá trình phát triển mạng lưới giao thông công cộng sau khi Hà Nội mở rộng, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, hiện nay, thành phố có 70 tuyến xe buýt vận hành tập trung trên các tuyến đường trục chính, trung tâm thành phố, quốc lộ, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, bến xe, nhà ga, sân bay... Nhiều tuyến đã được mở rộng phạm vi phục vụ như quốc lộ 32 có tuyến 20A: Cầu Giấy - Phùng; 20B: Cầu Giấy - Tam Hiệp; 20C: Cầu Giấy - Võng Xuyên; quốc lộ 6 có tuyến 57: Mỹ Đình II - Khu Công nghiệp An Khánh; tuyến 37: Bến xe Giáp Bát - Trúc Sơn; quốc lộ 1 có tuyến 62: Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Thường Tín; tuyến 63: Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long - Tiến Thịnh - Mê Linh; tuyến 06: Bến xe Giáp Bát - Cầu Giẽ...

UBND TP khẳng định, nguyện vọng được đi lại bằng xe buýt có trợ giá của nhân dân tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa... là chính đáng. Tuy nhiên, việc trợ giá xe buýt tại khu vực này để thực hiện mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông có hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, cân đối ngân sách thành phố để thực hiện chi trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong bối cảnh nền kinh tế năm 2013, 2014 còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách thành phố chưa thể đáp ứng đủ nguồn kinh phí trợ giá để thực hiện mở mới tất cả các tuyến xe buýt theo nhu cầu của nhân dân. 

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nêu quan điểm của TP: “Để từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, TP Hà Nội đã điều chỉnh, kéo dài các tuyến xe buýt liền kề do Tổng Công ty vận tải Hà Nội đang thực hiện để phục vụ ngay nhu cầu đi lại của nhân dân tại thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa”. Đối với một số tuyến xe buýt mở mới, TP đã giao các sở, ngành khảo sát đánh giá kỹ về mật độ dân cư, nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được phê duyệt, đề xuất danh mục và tổ chức đấu thầu theo quy định. 

Tuy vậy, để có kinh phí đầu tư, UBND TP cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao các bộ ngành hỗ trợ TP Hà Nội, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.