Vi phạm giao thông, gần 120 trường hợp đăng ký chuyển giấy tờ về nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ các tỉnh Tây Bắc chở hàng xuống Hà Nội nhưng vi phạm giao thông, không ít người do ngại ngần khi phải đi đi, lại lại nên đã đăng ký được “ship” giấy tờ xe về nhà. Chỉ cần ngồi một chỗ, người vi phạm cũng có thể giải quyết được công việc, nhờ đâu?

Anh Phan Đình T., trú tại tỉnh Nghệ An điều khiển phương tiện là ô tô vi phạm giao thông. Đang băn khoăn lo lắng việc nộp phạt sẽ mất nhiều thời gian, vừa đi lại nộp phạt, rồi lại từ Nghệ An ra Hà Nội lấy giấy tờ thì anh T. được cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 6 - CATP Hà Nội hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, anh T. phấn khởi hẳn lên.

“Thi thoảng tôi mới ra Hà Nội thôi, nên đường xá ở đây cũng không thông thạo lắm dẫn tới vi phạm giao thông. Lần trước cũng vi phạm, việc nộp phạt mất thời gian lắm, mệt nhất là lúc lấy giấy tờ xe lại phải đi cả một quãng đường mấy trăm km. Tôi cho rằng việc xử lý qua Cổng dịch vụ công Quốc gia này rất tiện mà sử dụng cũng dễ dàng vì giờ ai cũng có điện thoại thông minh”.

Cảnh sát giao thông Hà Nội trong quá trình xử lý vi phạm, sẽ kết hợp tuyên truyền về những tiện ích từ dịch vụ công trực tuyến

Cảnh sát giao thông Hà Nội trong quá trình xử lý vi phạm, sẽ kết hợp tuyên truyền về những tiện ích từ dịch vụ công trực tuyến

Tương tự anh T., trường hợp anh Trương Quang N. ở Vĩnh Phúc cũng vậy. Do vi phạm giao thông nên anh đã chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, là nhận giấy tờ tại nhà. Anh N. cho biết, bản thân rất ủng hộ khi triển khai xử lý vi phạm online như thế này.

Kể từ khi triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia trong việc xử lý vi phạm giao thông cho đến nay, riêng Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã nhận hồ sơ xử lý online của 1.070 trường hợp, trong đó có 118 trường hợp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đáng chú ý, mặc dù có nhiều trường hợp sinh sống ngay trong nội thành Hà Nội, nhưng vẫn đăng ký nhận giấy tờ tại nhà. Như trường hợp của anh Trần Tuấn A., ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Giờ đây mua sắm cũng online nhận ship tại nhà, vậy thì tội gì mà phải mất thời gian đi lại, cứ ngồi nhà nhận giấy tờ của mình thôi, thuận tiện vô cùng”.

Theo đánh giá của chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6, hiện việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp phạt vi phạm giao thông đã được nhiều người biết đến. Mặc dù còn có những khó khăn về mặt kỹ thuật, hoặc vẫn chỉ có một số ngân hàng kết nối thanh toán qua cổng dịch vụ công trực tuyến, khiến nhiều người muốn nhưng chưa thể đăng ký được, nhưng nếu khắc phục được, sẽ có tới 70% người dân sử dụng.

Tờ hướng dẫn đăng ký nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia do Đội Cảnh sát giao thông số 6 phát cho người vi phạm

Tờ hướng dẫn đăng ký nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia do Đội Cảnh sát giao thông số 6 phát cho người vi phạm

“Sở dĩ nói 70% là vì số còn lại là người lớn tuổi, hoặc những người không sử dụng điện thoại thông minh, hoặc trình độ hiểu biết hạn chế nên việc sử dụng các tiện ích online với họ còn là một rào cản. Tuy nhiên, bước đầu chúng tôi cũng ghi nhận sự thuận tiện của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, nó khiến người dân hài lòng hơn” - Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6 đánh giá.

Đại úy Đặng Hoàng Anh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 - người thực hiện video hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho biết, ứng dụng này đang được nhiều người trẻ sử dụng.

“Dù chỉ là vi phạm hành chính nhưng nhiều người ngại đến cơ quan công an, ngại tiếp xúc. Thêm vào đó, thời đại 4.0 đã thay đổi tư duy con người khi mọi tiện ích đều được số hóa. Việc xử lý vi phạm giao thông qua nền tảng số cũng là xu thế tất yếu” - Đại úy Đặng Hoàng Anh nói.

Địa bàn do Đội Cảnh sát giao thông số 6 quản lý có tuyến đường xuyên trục, xuyên tâm từ các tỉnh Tây Bắc xuống Hà Nội, hoặc từ các huyện ngoại thành vào nội đô. Do vậy, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã phần nào giải quyết được các khó khăn cho người vi phạm. Không chỉ rút ngắn thời gian, quãng đường mà còn đỡ mất công, mất việc của công dân.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội khẳng định: “Sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để dịch vụ công trực tuyến dần đi vào thực tế cuộc sống của họ, có như vậy mới tăng hiệu quả trong công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn”.