Vị luật sư sở hữu hơn 10.000 tờ báo cũ

ANTĐ - Lang thang trong một chợ sách báo cũ, bắt gặp anh Tạ Thu Phong đang say mê thuyết trình về lịch sử các loại báo xuân, cứ như một nhà nghiên cứu về báo chí. Hỏi ra mới biết, vị luật sư này là người sở hữu một kho tàng báo cũ với khoảng 10.000 tờ báo các loại.

Vị luật sư sở hữu hơn 10.000 tờ báo cũ ảnh 1Những tờ báo hàng chục tuổi đời trong bộ sưu tập của Tạ Thu Phong

Mỗi tờ báo là một “tác phẩm nghệ thuật”

Có thể nói, người sưu tập sách cũ thì không ít nhưng người gom góp báo cũ thì thật là hiếm. Nhất là báo in, người ta chỉ mua về đọc 1 lần rồi bỏ đi, chứ hiếm ai đọc lại. Nhưng hơn 10 năm nay, luật sư Tạ Thu Phong lại có một sở thích độc đáo là sưu tầm các loại báo, tạp chí cũ. Anh có hơn 10.000 tờ báo các loại, từ những tờ báo của thời kỳ đầu nền báo chí Việt Nam như “Gia Định báo”, “Nông cổ mín đàm”, “Phụ nữ tân văn”, “Nam Phong tạp chí”… cho đến những tờ báo tiếng tăm như “Nhân dân”, “Lao động”, “Văn nghệ”…

Thú sưu tập báo cũ của anh bắt nguồn từ một lần đi tìm lại số báo Thiếu niên Tiền phong đã được đọc lúc còn là một cậu học sinh. Càng đọc những tờ báo cũ, anh lại càng thấy được trở về với những ký ức tuổi thơ trong trẻo của mình. Không chỉ có vậy, đối với anh mỗi tờ báo lại truyền tải những thông tin thời sự, mà sách không bao giờ thống kê được. Anh cho biết: “Tôi được đọc thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đắp con đường Thanh niên, được đăng tải trên báo Nhân dân năm 1957. Chỉ có báo chí mới truyền tải thông tin ấy một cách cặn kẽ, tỉ mỉ, mà không có tư liệu nào có”.

Bên cạnh đó, anh cũng rất quan tâm đến cách thức thông tin, quảng cáo, các họa phẩm… trên các tờ báo cũ, đặc biệt là báo xuân. Điểm đặc trưng của các tờ báo cũ là sử dụng những hình vẽ, trang trí thủ công, nhưng rất đẹp và trang nhã do chính các danh họa nổi tiếng thời kỳ ấy như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Mạnh Quỳnh… thực hiện. Đối với anh, đó đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một tờ báo thuần túy. Anh hiện đang có khoảng hơn 1.000 tờ báo xuân, với các ấn phẩm đặc biệt mà cho đến giờ ít ai còn giữ. 

Chăm báo hơn chăm mình

Việc tìm mỗi tờ báo giống như “đãi cát tìm vàng” - anh Tạ Thu Phong cho biết. Có những lần anh phải mất nhiều công tìm kiếm, có khi đến hàng năm để tìm được một tờ báo, nhưng đôi khi, những tờ báo quý lại đến với anh rất tình cờ. Anh chia sẻ, khi đến nhà một người quen, anh nhìn thấy tờ tuần báo “Phong hóa” (1934), vốn được… lót dưới tấm kính để trên bàn uống nước bị vỡ, thế là lập tức xin lại. Một lần khác, đang cầm một tờ báo “Tri tân” đi ăn sáng, lại tình cờ gặp một cụ già. Thấy cụ quan tâm đến báo cũ, anh hỏi chuyện và biết cụ đang lưu giữ rất nhiều số “Nam Phong tạp chí”. Vậy là anh đã đổi được 40 số báo “Nam Phong tạp chí”.

Nhớ lại, anh vẫn thấy mình may, vì để sở hữu được một tờ báo này, có khi phải bỏ ra tới hàng triệu đồng. Anh cho biết, tìm được một tờ báo “độc” thực sự không đơn giản, đôi khi phải trả giá rất đắt. Báo cũ thường là những tài liệu đặc thù mà ít ai còn giữ lại, chỉ còn được lưu giữ trong các thư viện, một số tủ sách gia đình hay những nhà sưu tập sách báo. Những nhà sưu tập lại thường là những tay “đầu có sỏi”, anh nói đùa. Phát hiện ở đâu có báo quý, họ thường tìm đến rất nhanh. Nhưng đôi khi, những tờ báo đắt giá nhất lại đến từ nguồn này và để có được chúng, thậm chí phải có thủ thuật. Trong gia tài báo cũ của anh Phong còn lưu giữ nhiều tờ ra đời cách đây cả một thế kỷ, trong đó “cổ” nhất phải kể đến tờ “Lục tỉnh tân văn” được xuất bản năm 1912. 

Để bảo quản được những tờ báo mỏng manh cũng rất mất thời gian, công sức. Nhất là đối với những tờ báo làm bằng giấy dó, giấy bồi… vốn dai nhưng ngấm nước rất nhanh. Anh hài hước, “Các thi sỹ thường lãng mạn thích mưa xuân nhưng với những người sưu tập báo, tiết trời ẩm ướt là kẻ thù số một”. Anh cho biết, mỗi lần mưa, là anh phải vội vàng đem báo ra sấy, nhiều khi gội đầu… không cần sấy, nhưng báo mà không sấy thì sẽ hỏng, sẽ nát. Đó là chưa kể, cứ một tuần một lần, anh lấy từng chồng báo ra sắp xếp, vệ sinh để tránh mối mọt. Kỳ công là thế nhưng chưa bao giờ anh hối tiếc là một nhà sưu tập báo. Bởi “Mỗi tờ báo có một thân phận. Nhìn thấy một tờ báo là nhìn thấy một phần lịch sử của báo chí. Bởi vậy, tôi luôn lưu giữ và trân trọng chúng”.