Vĩ cầm “thương hiệu Việt”

ANTĐ - Nghe tiếng xưởng Đàn Viên là một trong những nơi hiếm hoi sản xuất đàn violin thương hiệu Việt Nam, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Lê Đình Viên trong một ngõ nhỏ ở phố Quốc Tử Giám. Ít ai ngờ cái góc bụi bặm, lại chính là nơi những cây đàn được mệnh danh là “nữ hoàng” trong tất cả các loại nhạc cụ ra đời. 

Ông Lê Đình Viên và chiếc đàn do ông tự làm năm 1956

Quý gỗ như... vàng

Đánh dấu, mài đi mài lại rồi đo đạc cẩn thận, ông Lê Đình Viên thận trọng thao tác trên mặt trước của cây đàn violin. Chỗ này 1 li, chỗ kia 3 li… chỉ cần khác một chút thôi là âm phát ra sai khác ngay. Để làm ra một chiếc đàn, ông cho biết cần tới một tháng đến một tháng rưỡi, nhưng cũng có khi mất cả năm mới làm được một cây đàn “chơi được”. Dụng công đầu tiên đó là phải tìm được đúng loại gỗ thích hợp. Đối với một cây đàn của ông Lê Đình Viên, phần mặt đàn được làm bằng gỗ thông trong khi phần hậu (mặt dưới) của cây đàn phải làm bằng gỗ phong. Đặc biệt, ở phần hậu đàn, phải chọn cho được loại gỗ mềm dẻo, đủ vang thì mới cho ra được tiếng đàn hay. Cầu kỳ trong khâu chọn gỗ, ông Viên tâm sự, cách đây ít lâu, ông được tặng một bộ gỗ rất tốt nhưng… chưa dám làm. Ông nói là phải để dành, vì gỗ chính là hồn của vĩ cầm, và có được gỗ tốt thì phải làm được một cây đàn chất lượng tuyệt hảo mới tương xứng. 

Bắt đầu làm chiếc đàn đầu tiên vào năm 1956, thời điểm trong nước lúc đó ít ai có khái niệm về violin, người đàn ông quê gốc xứ Nghệ trải qua một quá trình tự học khổ công để tìm ra công thức làm loại đàn này. Có trong tay vốn nghề mộc từ cha, ông tìm đọc và nghiên cứu những cuốn sách bằng tiếng Pháp, đồng thời cần mẫn học thêm từ những hiệu đàn nổi tiếng. Hiện, xưởng của ông sản xuất ra không chỉ violin mà cả đàn guitar và những loại nhạc cụ trong bộ dây như viola, cello, contrabass. Nhưng niềm say mê lớn nhất của ông vẫn dành cho đàn violin.  

Cây đàn về với chủ

Trong căn nhà và cũng là xưởng Đàn Viên của ông Lê Đình Viên có hơn một chục cây đàn violin được treo tại chỗ trang trọng nhất. Quý nhất đối với ông đó chính là chiếc đàn tự tay ông làm vào năm 1956. Cây đàn này có số phận rất đặc biệt. Thời điểm đó, chiếc đàn của ông được một đoàn văn công mua để phục vụ văn nghệ tại chiến trường. Năm 2002, tình cờ một vị khách quen biết tìm thấy và mua lại cây đàn ở một nhà thờ ở Nam Định, và đinh ninh là đàn của Ý. Vị khách đến khoe với ông Viên và ngay lập tức ông Viên chỉ ra đây chính là cây đàn Việt Nam, do tay ông tự làm chứ không phải đàn ngoại. Ông đề nghị tặng lại người khách một cây đàn mới do chính tay mình làm để được giữ cây đàn quý giá này làm kỷ niệm. Ông mang cho chúng tôi xem cây đàn đã cũ nhưng chất lượng còn tốt, chỉ không có dây. Khi được hỏi, ông cười - “Tôi không lắp dây, vì lắp vào có người mua mất”.  

Năm 2001, nghệ sỹ vĩ cầm trứ danh của Mỹ, Paul Carlson đến Việt Nam biểu diễn. Lúc đó, qua một vài người bạn giới thiệu, ông đã chơi thử và kinh ngạc trước âm thanh của chiếc đàn violin do ông Lê Đình Viên làm ra. Vậy là ông Paul Carlson đã gác chiếc đàn đắt giá của mình một bên để chơi bằng chiếc đàn này trong buổi biểu diễn của mình. Khi màn biểu diễn kết thúc, toàn thể khán giả tại Nhà hát Lớn kinh ngạc khi biết một nghệ sỹ như Paul Carlson lại chơi một chiếc đàn violin của Việt Nam và có thể chơi được những bản nhạc mê hồn đến như vậy.

Nhắc lại kỷ niệm đó, trong mắt ông Lê Đình Viên lấp lánh tự hào. Nhưng đó cũng là một cơ hội hiếm hoi mà đàn violin “thương hiệu Việt Nam” được quảng bá. Đã có lần, để giới thiệu đàn, ông Viên đã lén đưa cho một nhạc công để chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Khi tiếng đàn cất lên, mọi người xôn xao vì nghe lạ và hay quá nên vô cùng tò mò về xuất xứ của cây đàn. Nhưng khi được biết cây đàn của Việt Nam, người nhạc công bị buộc phải bỏ cây đàn này và chơi đàn của Ý. Cá nhân ông cũng không ít lần phiền lòng vì cho đến thời điểm này, đàn của Việt Nam lại không được coi trọng như đàn của nước ngoài. Tâm sự với chúng tôi, ông Lê Đình Viên trải lòng, đã có lúc ông phải làm đàn guitar để “nuôi” violin, vì ít người chơi, ít người mua, và cũng không có ai hiểu biết về cây đàn để “nâng đỡ”, giới thiệu nó. Giờ gần như chỉ còn ông và người con trai là theo nghiệp làm đàn violin. Mặc dù vậy ông vẫn tin tưởng, ông sẽ làm ra được những cây đàn Việt Nam có chất lượng cao nhất, để phục vụ cho âm nhạc Việt Nam.