Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2012)

Vì các anh vẫn nằm nơi rừng xanh núi đỏ

ANTĐ - Chiến tranh đã lùi vào quá khứ mấy chục năm, nhưng vẫn còn hơn 200.000 liệt sỹ chưa được tìm thấy hài cốt; trong số 900.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập vào nghĩa trang, 1/3 số đó vẫn  là liệt sỹ vô danh. Đó là những nỗi niềm trăn trở đau đáu của những cựu chiến binh suốt mấy chục năm qua. Để hôm nay,  họ lại tìm đến với nhau để cùng với xã hội tri ân những người đã ngã xuống. Và Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã ra đời, vì thế.

Còn đi tìm đồng đội, chừng nào vẫn còn sức

Từ hơn 1 năm trở lại đây, trụ sở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại số 8 Nguyễn Tri Phương nhiều người qua lại hơn. Họ đến để thắp nén hương trên bàn thờ chung của các liệt sĩ. Và ở đây, cũng là nơi gặp gỡ của nhiều con người, với những việc làm cao cả không vì lợi ích cá nhân. Với họ, sợi dây liên kết chính là tình đồng đội…

Một ngày cuối tháng 5, một vị khách đã tìm đến trụ sở Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Đó chính là cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết - người đã viết 2.000 bức thư để đi tìm hài cốt liệt sĩ và qua đó 500 hài cốt liệt sĩ với đầy đủ danh tính đã được quy tập về các nghĩa trang. Ông là một trong những “cộng tác viên” tích cực của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khi đưa về đây hàng chục bộ hài cốt liệt sĩ để giám định ADN, trả lại tên cho những liệt sĩ chưa biết tên. Ông Quyết kể rằng, anh ruột ông, liệt sỹ Nguyễn Văn Cao đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1972, đến nay dù đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thấu hiểu nỗi đau ấy, và cả chứng kiến nỗi khắc khoải mong con của những người mẹ, và cũng từng là một người lính, ông đã quyết định đi tìm đồng đội. Ông tâm sự: “Là cán bộ làm công tác Quân lực, tôi thường xuyên phải ghi số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mỗi lần quân số đơn vị thấp xuống, tim tôi lại nhói đau. Tôi đã chiến đấu cùng họ, đã chính tay mình chôn cất nhiều đồng đội, vì vậy tôi cảm thấy có lỗi với đồng đội nếu không cùng gia đình đi tìm họ về…”.

Cái khó là trước đây quy định khi mai táng liệt sĩ chỉ ghi họ, tên, phiên hiệu đơn vị, không ghi quê quán nên khi đối chiếu xác định danh tính rất khó. Nhiều đêm ông và vợ cùng nhau ngồi đến sáng để “luận” ra tên của đồng đội, tên địa danh quê quán để báo tin cho gia đình liệt sĩ. Rồi năm tháng chiến tranh qua đi dấu tích địa hình nơi chôn cất liệt sĩ đã thay đổi quá nhiều, ông phải đi lại nhiều lần để xác định địa hình rồi mới làm việc với các đội quy tập. Cũng có nhiều lần tìm được mộ liệt sĩ nhưng chẳng còn dấu tích gì để lại. Chỉ có cách giám định ADN để khẳng định chính xác. Và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam sẽ giúp gia đình các liệt sĩ làm công việc đó. Chính vì lẽ đó mà ông Quyết trở thành người khách thân thiết của Hội.

Để các anh về với quê hương

Mặc dù ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương qui tập hài cốt liệt sĩ đưa về các nghĩa trang nhằm tri ân các liệt sĩ. Song, sự khắc nghiệt của chiến tranh và nhiều lý do khác nhau nên cho tới nay vẫn còn hàng vạn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng lại yên nghỉ dưới những phần mộ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Đây chính là lý do, khiến rất nhiều, rất nhiều những người như ông Quyết vẫn còn trăn trở.

Đại tá Nguyễn Hùng Phong – Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cũng chung nỗi niềm ấy. Ông chia sẻ: “Bản thân tôi 10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, chỉ tính riêng Trung đoàn tôi, số quân hy sinh cộng lại đã bằng… hai Trung đoàn (hơn 2.000 quân). Anh tôi, liệt sỹ Nguyễn Anh Cường là tiểu đoàn trưởng 1 tiểu đoàn tên lửa mặt đất, trong trận đầu tiên ở Tây Nguyên đánh vào căn cứ Lệ Thanh, tiểu đoàn của anh diệt khá nhiều giặc Mỹ. Nhưng khi kết thúc trận, địch phản pháo và chiếm lại căn cứ này. Anh tôi hy sinh không tìm thấy xác. Sau này, dù gia đình có nhiều điều kiện tìm kiếm, được sự hỗ trợ của các đội quy tập nhưng vẫn không thấy. Có lần, đã xác định được địa điểm anh nằm, nhưng khi cả gia đình vào đào cả 10 ngày ở tất cả các vị trí nghi vấn mà không thấy. Chúng tôi đánh giá lại thông tin, và đành phải chấp nhận khả năng không tìm thấy hài cốt. Bởi vì sau trận đó, giặc Mỹ đã tràn lên kiểm soát trận địa, và vì vậy nhiều khả năng xác anh tôi và các liệt sĩ khác đã bị chúng mang đi chỗ khác hoặc tiêu hủy… Hoàn cảnh gia đình tôi, cũng là hoàn cảnh của bao gia đình liệt sỹ khác. Vì vậy, chừng nào các anh, các chị ấy còn nằm nơi rừng xanh núi đỏ thì chúng tôi vẫn còn đi tìm đồng đội”. 

Từ khi ra đời, Hội đã mang lại niềm hy vọng, niềm vui cho hàng nghìn gia đình liệt sĩ. Có trường hợp, như gia đình chị Trương Thị Phượng quê Văn Khê (Mê Linh, Vĩnh Phúc) sau nhiều năm lặn lội tìm mộ liệt sĩ Đinh Văn Động mà không thấy. Đầu năm 2011, gia đình chị được một nhà ngoại cảm ở Hà Nam hướng dẫn đến một bìa rừng thuộc tỉnh Tây Ninh để… bốc một nắm đất đen đem về nghĩa trang liệt sĩ của quê nhà. Đến tháng 10-2011, biết tin Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, chị đã tìm đến hội và được Hội hướng dẫn, tra cứu. Thật may mắn vì thông tin về bác chị đã có, liệt sĩ Đinh Văn Động hy sinh ngày 25-8-1968 đã được quy tập về nghĩa trang Trảng Bàng - Tây Ninh. 

Giám định ADN để trả lại tên cho anh

Ra đời chưa được 2 năm nhưng Hội đã có hàng loạt hoạt động thiết thực như tư vấn thông tin giúp đỡ tìm kiếm liệt sỹ, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí giám định ADN để xác minh danh tính cho hơn 200 trường hợp, chăm lo đời sống gia đình liệt sỹ… Hiện Hội có hàng chục nghìn hội viên ở các địa phương. Trụ sở Hội có hơn 20 nhân lực nhưng trong đó chỉ có 1 người được ký hợp đồng lao động đó là nhân viên kế toán, còn lại tất cả là cán bộ nghỉ hưu, trong đó ¾ là cán bộ ngành quân đội, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao như Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (nay là Chủ tịch Hội)… Nguồn kinh phí xã hội hóa, tự thu, tự chi. Thế nên dù quyền lợi được hưởng lương theo quy định Nhà nước, nhưng tất cả chỉ nhận nửa lương để phục vụ cho việc đi lại, điện thoại… còn lại để lại Quỹ hội để giúp đỡ các gia đình liệt sĩ. 

Hội đã hướng mọi hoạt động vào việc tri ân liệt sĩ, ưu tiên hàng đầu việc tiếp nhận và từng bước hỗ trợ, giải quyết thông tin từ các gia đình liệt sĩ. Trung bình mỗi ngày có 20-30 thông tin (trực tiếp, qua thư bưu điện, điện thoại, thư điện tử…). Gần đây, hàng trăm nghìn hồ sơ liệt sĩ đã được các đơn vị quân đội, các cựu chiến binh, các địa phương và hội viên của Hội chuyển giao. 

Đại tá Nguyễn Hùng Phong cũng trăn trở, hiện nay có nhiều gia đình vì sốt sắng tìm được hài cốt liệt sĩ nên tin vào những phương pháp không có căn cứ dẫn đến việc “bốc nhầm” hài cốt liệt sĩ khác. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến gia đình họ, mà còn khiến những gia đình liệt sĩ khác bớt dần cơ hội tìm thấy người thân (vì hài cốt người thân của họ đã bị gia đình khác mang về thờ cúng). Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng của Hội là giúp đỡ các gia đình liệt sĩ trong việc giám định ADn. Đầu năm 2011, Hội đã ký với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội “Hợp đồng giám định gen hài cốt liệt sĩ”, cùng thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa; cùng tiến hành công việc để định danh hài cốt liệt sĩ với phương châm miễn phí, đúng quy định pháp lý. Đến nay, Hội đã hỗ trợ thông tin cho gần 100.000 gia đình liệt sĩ. Có hàng nghìn thông tin được tư vấn chi tiết về liệt sĩ. Đã có hơn 200 mẫu hài cốt liệt sĩ được gửi đi giám định ADN và gần 140 mẫu có kết quả đúng, được trao cho gia đình. 

Từ đây, nhiều niềm vui đã vỡ òa. Có người thanh niên ở Thái Bình khi được Hội báo tin kết quả xét nghiệm ADn đúng, đã hét vang giữa cánh đồng, hai mẹ con ôm nhau khóc. Và chỉ vài tiếng sau, cậu đã xuất hiện ở trụ sở Hội và nói rằng đã vứt luôn cày cuốc để phóng xe máy lên cảm ơn các chú, các bác bằng… “mấy quả dưa mẹ cháu trồng”. Lại có bức thư từ Hải Dương hân hoan niềm vui kể về cái Tết đầu tiên đón người chú là liệt sĩ trở về quê hương. Đó là cái Tết to nhất của họ...