Vệ sinh an toàn nông sản: Người tiêu dùng vẫn phấp phỏng

ANTĐ - Sản xuất thủ công, manh mún thiếu kiểm soát, thậm chí là thả nổi khiến cho chất lượng nông sản Việt Nam luôn có vấn đề. Rau quả sản xuất khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như chất bảo quản, khiến thị trường nông sản trong khi cơ quan chức năng thì vẫn chỉ loanh quanh hứa...

Là nước sản xuất nông nghiệp nhưng người tiêu dùng Việt Nam

vẫn phải sử dụng những nông sản kém chất lượng

Thả nổi rau, quả nhập khẩu 

Hiện tượng, cam quýt mua về để nửa tháng không hỏng, hoặc bên ngoài vẫn tươi nhưng ruột bên trong thối đã được nói đến từ lâu. Bộ NN&PTNT cũng đã “hăng hái” vào cuộc, thổi bùng lên hy vọng song kết luận, không phát hiện gì, khiến người tiêu dùng thất vọng. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BTVT kết luận: “Kết quả kiểm tra chất bảo quản trên nông sản không phát hiện bất thường. Các đoàn đã đi kiểm tra tại một số nước xuất khẩu rau, quả vào Việt Nam cho thấy, nông dân các nước họ vẫn sản xuất rau quả theo quy trình thông thường, rau quả cũng được họ sử dụng bình thường!”. Phần trả lời của Cục trưởng Cục BTVT không mấy thuyết phục, bởi hàng rào kỹ thuật Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể tìm ra các hoạt chất bảo quản được sử dụng trên rau, quả nhập khẩu. Muốn làm rõ thì phải biết họ sử dụng hoạt chất nào, có thuốc thử mới phân tích được. Và như vậy, rau quả nhập khẩu vào Việt Nam gần như tự do, không có sự kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Hơn nữa, theo quy định, rau quả khi vào nội địa, hàng hóa đi đến địa phương nào thì địa phương đó phải kiểm tra, kiểm soát. Nhưng thực tế, hàng nông sản nhập khẩu vào trong nước, từ biên giới về tỉnh, thành nào tiêu thụ thì không cơ quan nào dám khẳng định, chỉ phỏng đoán.

Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ rau, quả lớn nhất nhì cả nước, trong đó, rau quả nhập khẩu chiếm khối lượng không nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra, phân tích, cơ quan chức năng vẫn kết luận an toàn, bởi không thể phát hiện ra hóa chất khác lạ. Vấn đề đặt ra, do chúng ta không thể phát hiện hay không phát hiện ra? Ông Hồng cho biết, sắp tới, chương trình giám sát VSATTP nông sản sẽ đặc biệt tập trung vào chất bảo quản, để có câu trả lời rõ ràng cho người tiêu dùng.

Sản xuất trong nước thiếu kiểm soát

Rau quả nhập khẩu gần như bị thả nổi thì quản lý sản xuất trong nước cũng gặp nhiều khó khăn do nhỏ lẻ, thủ công, khó kiểm soát chất lượng. Kết quả kiểm tra, giám sát trong tháng 3-2012 của Cục BVTV cho thấy, Cục này đã lấy 232 mẫu rau củ quả để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về VSATTP, đến nay, đã phân tích được 217 mẫu, phát hiện 62 mẫu có dư lượng hóa  chất, chiếm tỉ lệ 28,5%. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, tất cả các mẫu phát hiện đều thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép. 

Không chỉ rau quả tiêu thụ trong nước gặp vấn đề về kiểm soát VSATTP, mà rau quả xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trên nhiều thị trường. Gần đây thị trường EU đã có 3 cảnh báo về rau thơm và hoa quả xuất khẩu vào thị trường này bị phát hiện dịch hại. Ông Hồng thừa nhận, đây là bài toán nan giải. “Từ tháng 8-2011, Cục BVTV đã họp khẩn với các doanh nghiệp xuất khẩu để họ nắm được tình hình và có phương án. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay vẫn có 3 lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không sang Anh vi phạm. Nếu theo cảnh báo từ phía EU, chỉ cần phát hiện thêm 2 lần nữa thì rau, quả Việt Nam sẽ bị cấm cửa hoàn toàn”. Cục này cũng đã thành lập 1 đoàn kiểm tra để xem lại, ở khâu kiểm dịch của Việt Nam có vấn đề hay lỗi ở các doanh nghiệp cố tình vi phạm. 

Không riêng thị trường EU, mà nhiều thị trường nhập khẩu nông sản đều có xu hướng chú trọng chất lượng, tăng cường hàng rào kỹ thuật. Nếu nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ kiểu sản xuất manh mún, chạy theo số lượng thì không chỉ EU, mà sẽ còn nhiều thị trường khác sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, sự nỗ lực từ phía nông dân cũng như doanh nghiệp là chưa đủ, khi hàng rào kỹ thuật trong nước còn thiếu về con người, máy móc và đặc biệt yếu về trình độ như hiện nay. Đảm bảo VSATTP nông sản, thực phẩm tiêu dùng cũng không thể chỉ một bộ, ngành có thể làm, mà cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành địa phương và người nông dân. Sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng vẫn đang trông chờ vào một sự phối hợp được xem là nhịp nhàng.