Về quê ăn Tết, chậm một chút vẫn vui

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ngành hàng không đang thực hiện mọi giải pháp để phục vụ tốt nhất cho hành khách về quê đón Tết.

Để đảm bảo việc phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng bay lập kế hoạch khai thác tăng chuyến phù hợp.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đề nghị các chuyến bay tăng thêm phải được ưu tiên cho nhân dân về quê ăn Tết, trong đó ông Thắng đồng ý với việc bố trí khung giờ cho 2 chuyến bay miễn phí của Vietjet để đưa người dân về quê ăn Tết.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay luôn tăng cao vào mỗi dịp cao điểm, dẫn tới xảy ra ùn tắc tại các sân bay (ảnh Nam Trần)
Nhu cầu đi lại bằng máy bay luôn tăng cao vào mỗi dịp cao điểm, dẫn tới xảy ra ùn tắc tại các sân bay (ảnh Nam Trần)

Tết Nguyên đán luôn là dịp mà nhu cầu đi lại của người dân rất cao nên việc tăng chuyến sẽ giúp các hãng hàng không vận chuyển được nhiều nhất lượng hành khách. Cùng với đó, việc tăng chuyến cũng giúp các hãng có thể giảm giá thành khai thác, qua đó cung cấp thêm nhiều mức giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hành khách.

Tuy nhiên, với thực trạng hạ tầng hàng không hiện nay, tình trạng tắc nghẽn, ùn tắc tại sân bay, gồm cả tắc nghẽn ngoài đường cất - hạ cánh, sân đỗ tàu bay, cho đến tắc nghẽn trong nhà ga hành khách…, dẫn tới chậm chuyến, hủy chuyến là điều khó tránh khỏi, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất – nơi sẽ đón một lượng hành khách rất lớn để từ đây bay đi các tỉnh.

Do nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm rất đông nên ngành hàng không luôn mong muốn hành khách chia sẻ với những bất cập xảy ra (ảnh Nam Trần)
Do nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm rất đông nên ngành hàng không luôn mong muốn hành khách chia sẻ với những bất cập xảy ra (ảnh Nam Trần)

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết xấu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động khai thác của các hãng bay, có thể dẫn tới tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh cao điểm Tết, để được đoàn tụ cùng gia đình, chắc hẳn nhiều hành khách cũng cảm thấy vui vẻ dù chuyến bay có chậm một chút.

Theo OAG, trang tin tức chuyên về hàng không, tỉ lệ đúng giờ đạt 80% hoặc cao hơn được xem là khá tốt đối với các hãng bay trên toàn cầu. So với thế giới, tỉ lệ đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam luôn nằm trong top cao nhất của hàng không toàn cầu. Trong tháng 11/2022, các hãng bay Việt Nam đạt tỉ lệ đúng giờ là 95,5%.

Nghịch lí ở chỗ để đạt tỉ lệ đúng giờ cao, số lượng chuyến bay khai thác sẽ thấp, dẫn tới việc các hãng hàng không không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, giá vé sẽ cao, hiệu quả khai thác của cảng hàng không, của các hãng bay thấp… Ngược lại, nếu tăng số chuyến bay để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, sẽ dẫn tới tỉ lệ đúng giờ giảm do những bất cập của hạ tầng và nhiều yếu tố khách quan khác.

Như vậy, trong điều kiện thực tế của ngành hàng không Việt Nam, vừa đáp ứng được tất cả nhu cầu đi lại của hành khách, vừa đảm bảo tỉ lệ đúng giờ cao là điều không dễ thực hiện.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, hành khách muốn đi đúng giờ là mục tiêu khai thác của các hãng hàng không, là nguyện vọng chính đáng của khách hàng.

“Ngành hàng không cần thông tin để hành khách chuẩn bị và tránh kéo dài thủ tục dễ gây ùn tắc; chia sẻ thông tin và có phương án xử lý kịp thời những trường hợp phát sinh bất khả kháng cùng hành khách. Vận chuyển để mọi người được đi lại bằng đường hàng không trong dịp Tết vừa là cơ hội và cũng là trách nhiệm của ngành hàng không”, ông Nề nói.

Thực tế tình trạng quá tải, khan hiếm vé máy bay trong các dịp lễ tết cho thấy đã đến lúc phải xem lại việc theo đuổi chỉ số đúng giờ cao, cần xét đến mục tiêu cuối cùng là mọi hành khách đều được bay, từ đó cùng chia sẻ, cùng khắc phục khó khăn, góp phần đưa ngành hàng không đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.