Chuyện kể ở những nơi trai gái bị “cấm yêu” hàng trăm năm

Về làng “tỷ phú” nghe chuyện

ANTĐ - Đồng Kỵ, tên thường gọi là làng Cời (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vốn nổi danh khắp nơi với nghề điêu khắc gỗ và được biết đến với cái danh làng ”tỷ phú”, cứ ra ngõ là gặp giám đốc với tỷ phú. Nhưng ít người biết rằng, ở cái làng giàu có bậc nhất xứ Kinh Bắc này vẫn còn lưu giữ những phong tục, tập quán hết sức cổ xưa, trong đó việc trai gái cưới xin cũng phải tuân thủ những quy định hết sức khắt khe, nhất là lời nguyền cấm kết hôn với trai gái làng bên vẫn còn được duy trì.

           

Về làng “tỷ phú” nghe chuyện                     ảnh 1
Dù được mệnh danh là làng “tỷ phú” nhưng Đồng Kỵ vẫn duy trì nhiều
phong tục cũ trong việc cưới xin

Cấm kết hôn vì sợ lời nguyền

Về Đồng Kỵ những ngày đầu xuân mới  thấy dù kinh tế đã đổi thay nhiều, những ngôi nhà cao tầng với kiến trúc cầu kỳ mọc lên san sát dọc 2 bên con đường trải nhựa rộng thênh thang, đường làng cũng được bê tông hóa đến tận cổng mỗi nhà… nhưng người dân Đồng Kỵ giữ những nguyên tắc khá khắt khe trong giao tiếp, ứng xử và những phong tục truyền thống. 

Trong chuyện hôn nhân, dù trai gái làng Đồng Kỵ đã thoáng hơn rất nhiều trong chuyện tìm hiểu, cưới xin nhưng từ bao đời nay, gần như họ vẫn giữ một nguyên tắc là tuyệt đối không kết hôn với người làng Sặt ở ngay bên cạnh. Theo ông Nguyễn Khánh Tu, Trưởng ban di tích phường Đồng Kỵ thì sở dĩ vậy vì các cụ cao niên trong làng vẫn truyền lại cho con cháu câu chuyện về lời nguyền truyền kiếp không biết có từ bao giờ, chỉ biết cứ đời này lại truyền miệng sang đời khác, có lẽ cũng 400-500 năm rồi. Chuyện kể rằng hàng trăm năm trước có người con trai làng Cời và cô gái làng Sặt đem lòng yêu nhau tha thiết và họ đã cưới nhau. Thời gian đầu họ sống với nhau rất hạnh phúc và sinh được một cậu con trai. Tuy nhiên sau đó thì họ bắt đầu mâu thuẫn, cãi vã và đỉnh điểm là phải chia tay. 

Sau khi chia tay, họ phân chia rõ ràng việc nuôi con cái, ban ngày người chồng có trách nhiệm nuôi con còn ban đêm thì người mẹ phải nuôi. Dù có chung trách nhiệm nuôi con nhưng những mối hận thù đã khiến họ không thể giáp mặt nhau, và để tránh không phải gặp nhau, họ giao ước rằng khi hết giờ chăm con, người chồng hoặc vợ sẽ đem đứa con đặt vào một cái võng ở chiếc cầu nối giữa 2 làng và người còn lại sẽ đến đưa con về. Không ai bảo ai, nhưng thường mỗi ngày, người đến đón con thường đến muộn hơn vài phút để đỡ phải gặp mặt người kia. 

Một hôm trời sấm chớp đùng đùng sắp nổi cơn mưa, người chồng như thường lệ vẫn đem con đến để trên chiếc võng rồi đi về, yên tâm rằng một lúc sau chị vợ sẽ ra đón con. Thật không may, hôm ấy người vợ lại cứ nghĩ chắc trời mưa gió thế này anh chồng sẽ không mang con đến, vì vậy chị đã không ra đón con. Đứa bé đáng thương chết vì mưa lạnh khiến dân làng Cời nổi cơn thịnh nộ. Các già làng và người dân làng Cời đã đem một con gà sống lên sân chùa chặt cổ uống máu và nguyền rằng: Bao giờ thế đất đổi trời thì mới cho Sặt với Cời lấy nhau. Lời nguyền cấm trai gái 2 làng kết hôn ra đời từ đó, người dân làng Cời không cho phép con cái của họ lấy vợ hoặc chồng người làng Sặt và đến bây giờ họ vẫn tuân thủ gần như tuyệt đối. Dù 2 làng nằm ngay cạnh nhau, dù trai làng Đồng Kỵ nổi tiếng tài giỏi đốn tim không ít cô gái xinh đẹp làng Sặt nhưng vì lời nguyền từ năm xưa, họ đành để tình trong lòng, không dám đi đến hôn nhân. Còn với làng Sặt, các thanh niên, trai gái trong làng đến tuổi tìm hiểu cũng đã ý thức được việc kết bạn, yêu đương nên họ ít khi tìm hiểu người làng bên.

Thật ra cách đây mấy năm, cũng có một đôi trai gái vượt qua lời nguyền và sự ngăn cản của gia đình để kết hôn với nhau, đó là gia đình anh Dương Văn T ở làng Đồng Kỵ và chị Nguyễn Thị H ở làng Sặt. Những tưởng mối tình đẹp của họ sẽ hóa giải lời nguyền truyền kiếp này, nhưng thật không may 2 người chỉ sống với nhau hạnh phúc được mấy năm thì anh T bỗng nhiên bị cảm mà qua đời khi người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Cái chết của anh T càng khiến người dân tin rằng lời nguyền năm xưa linh ứng và những ai chống lại lời nguyện sẽ phải chịu hậu quả. 

“Trâu ta ăn cỏ đồng ta”

Không chỉ không kết hôn với làng Sặt mà trong việc cưới xin, người dân Đồng Kỵ cũng vẫn rất truyền thống, nhiều nét cũ vẫn ăn sâu trong văn hóa của họ. Thời buổi kinh tế thị trường, trai gái Đồng Kỵ làm ăn, giao du bên ngoài rất nhiều, thậm chí ra cả quốc tế, nhưng điều lạ là gần như họ vẫn giữ lệ “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, thường thì trai gái trong làng vẫn lấy người trong làng chứ ít khi lấy vợ, chồng thiên hạ. Sở dĩ vậy, theo các cụ cao niên, một phần vì giới trẻ Đồng Kỵ ngày nay vẫn rất “ngoan”, nghe lời cha mẹ, đứa học hành được thì học lên đại học, cao đẳng, đứa không thì cũng ở nhà đục đẽo, chú tâm làm nghề chứ ít khi chơi bời gì. Từ đời ông và các cụ trước đó, người Đồng Kỵ vẫn có truyền thống lấy người trong làng, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên đến nay vẫn còn chút ảnh hưởng. Một nguyên nhân khác có thể do trong việc thách cưới, ở Đồng Kỵ gia đình nhà gái thường thách cưới cao hơn hẳn những làng khác nên ít khi trai làng khác đến đây hỏi vợ. Kinh tế khá giả, nhiều nhà có con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp còn thách cưới lên đến cả trăm triệu đồng. Ngoài ra là đồ lễ như phong tục thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá…

Ngày nay, cũng có thanh niên ra ngoài lấy vợ, lấy chồng nhưng cũng không nhiều. Cụ Dương Văn Sinh, một cao niên trong làng cho biết, thông thường thì ở Đồng Kỵ, những cô gái xinh xắn đang ở độ tuổi cập kê là đã có gia đình môn đăng hộ đối trong làng tìm hiểu, nhắm trước và “đánh tiếng” hỏi han rồi xúc tiến cho đôi trẻ tìm hiểu nhau. Tất nhiên việc quyết định cơ bản vẫn do hai bạn trẻ, nếu họ cảm thấy không hợp nhau thì đa phần cha mẹ cũng không ép uổng gì. Tuy nhiên cũng có những bi kịch xảy ra khi cha mẹ ra sức ép, và hậu quả là đôi trẻ về sống với nhau không hạnh phúc. Thậm chí có đám cô dâu bỏ trốn trước hoặc trong ngày cưới vì quyết chống lại sự sắp đặt của cha mẹ. Dù vậy, theo những người lớn tuổi ở Đồng Kỵ thì đó chỉ là những trường hợp cá biệt, còn những truyền thống về cưới xin, những phong tục từ xưa đề lại được coi như là những nét văn hóa đẹp của làng và cũng không thấy giới trẻ phản đối.